Phù Ninh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Những năm qua, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn huyện Phù Ninh có bước phát triển, đưa cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều dự án đầu tư đã khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Gia công linh kiện điện tử tại Công ty cổ phần TTD Phú Thọ, xã Trung Giáp.

Trong lĩnh vực sản xuất CN-TTCN, toàn huyện hiện có khoảng 100 doanh nghiệp, trên 1.700 cơ sở sản xuất TTCN và sáu làng nghề truyền thống. Năm 2022, sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được duy trì hoạt động ổn định. Một số sản phẩm chủ yếu đạt khá như: Linh kiện điện tử đạt gần 115 triệu sản phẩm, tăng 59,5% so với cùng kỳ, giày thể thao đạt 526.000 sản phẩm, thảm trải nền đạt 10,2 triệu mét, giấy in, giấy viết đạt 97.500 tấn, xút đạt 50.750 tấn.

Huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 36-KH/HU ngày 31/12/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Qua đó, tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Đồng thời tranh thủ thu hút các nguồn vốn đầu tư; phối hợp thực hiện tốt công tác về đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn; chủ động kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch, đất đai, xây dựng, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh về quy mô, tổng vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án.

Trên địa bàn hiện có ba cụm công nghiệp (CCN) gồm CCN Đồng Lạng, CCN Tử Đà - An Đạo, CCN Phú Gia, trong đó CCN Đồng Lạng đã thu hút được 17 dự án đầu tư, CCN Tử Đà - An Đạo thu hút được 24 dự án, CCN Phú Gia thu hút được năm dự án đầu tư, các CCN tạo việc làm cho trên 6.000 lao động. Để thu hút doanh nghiệp vào các CCN, huyện tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, cung cấp các thông tin về quy hoạch, đầu tư hạ tầng.

Cùng với đó, huyện bố trí không gian sản xuất công nghiệp hợp lý, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư các trang thiết bị tiên tiến trên cơ sở những ngành nghề đã có, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao.

Công ty cổ phần TTD Phú Thọ tại xã Trung Giáp chuyên gia công linh kiện điện tử phục vụ xuất khẩu tạo việc làm cho trên 50 lao động. Năm 2022, Công ty sản xuất trên 1,5 triệu sản phẩm. Ông Mai Quý Đạt- Quản lý Công ty cho biết: “Công ty hoạt động trên địa bàn được chính quyền địa phương tạo điều kiện về mặt bằng, tuyển dụng lao động và kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để tìm giải pháp tháo gỡ, đây là động lực, nguồn động viên rất lớn đối với doanh nghiệp chúng tôi. Năm 2022, ngành điện tử gặp khá nhiều khó khăn do đơn hàng giảm và những tác động của tình hình kinh tế thế giới. Năm 2023, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các đơn hàng mới để đảm bảo việc làm cho người lao động và phục hồi sản xuất”.

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư các dự án; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào xây dựng hạ tầng, nhà máy vào các CCN, các vị trí quy hoạch bố trí đất sản xuất công nghiệp, chú trọng công tác bồi dưỡng trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, nâng cao tay nghề công nhân trong các doanh nghiệp.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/phu-ninh-phat-trien-cong-nghiep-tieu-thu-cong-nghiep/190553.htm