Phòng, chống hạn, mặn: Hiệu quả từ các công trình thủy lợi

Những ngày qua, nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang tập trung ứng phó đợt cao điểm về xâm nhập mặn mùa khô năm nay. Tại Trà Vinh, tuy xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát nhờ địa phương chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp ngay từ đầu mùa khô.

Cùng với đó, hệ thống các công trình thủy lợi ứng phó hạn, mặn tại Trà Vinh được đầu tư những năm gần đây đã phát huy cao hiệu quả. Đến nay, nguồn nước ngọt vẫn đảm bảo đủ phục vụ dân sinh và toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp trong tỉnh.

Hiệu quả từ công trình thủy lợi

Tại Trà Vinh, xâm nhập mặn chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi 03 cửa sông chính là Cung Hầu, Định An và Láng Nước vào sông Cổ Chiên, Sông Hậu và sông Long Toàn. Mùa khô năm nay, mặn xâm nhập tuy không gay gắt như mùa khô năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020 nhưng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Đầu tháng 12/2023, nước mặn đã bắt đầu xâm nhập địa bàn tỉnh.

Theo ông Lê Phước Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh, từ ngày 06/3, mặn trên các nhánh Sông Hậu và Cổ Chiên tăng cao và kéo dài, vì vậy, nhiều ngày liền 50/50 cống đầu mối trong tỉnh đều đóng triệt để ngăn mặn. Trong thời gian này, Công ty đã vận hành Trạm bơm Kênh 3 tháng 2 (huyện Tiểu Cần) để bơm tiếp nước ngọt phục vụ diện tích trồng lúa đông - xuân của huyện Trà Cú và một phần các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải, cơ bản đáp ứng đủ nước phục vụ nhu cầu sản xuất cho gần 26.000ha.

Huyện Trà Cú là địa phương bị ảnh hưởng hạn, mặn nặng nhất tỉnh, thường xuyên bị thiếu nước tưới vào mùa khô, gây thiệt hại nhiều diện tích trồng lúa, hoa màu trên địa bàn. Tuy nhiên, từ khi Trạm bơm Kênh 3 tháng 2 hoàn thành đưa vào khai thác (tháng 8/2022), địa phương đã chủ động được nguồn nước ngọt phục vụ tưới tiêu cho hơn 13.200ha trồng lúa và khoảng 6.000 ha trồng rau màu vụ đông - xuân. Trạm bơm Kênh 3 tháng 2 có công suất 20m3/s với tổng mức đầu tư 244,62 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương 135 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đối ứng số tiền còn lại.

Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết, những năm trước đây, vào mùa khô, nguồn nước ngọt để phục vụ sản xuất nông nghiệp ở địa phương phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước ngọt hóa Nam Măng Thít được dẫn về từ huyện Cầu Kè nhưng vẫn thường xuyên bị thiếu hụt không đáp ứng đủ nhu cầu tưới tiêu.

Còn hiện nay, mặc dù 06 cống đầu mối trên địa bàn huyện đã đóng kín từ tháng 12/2023 đến nay để ngăn mặn nhưng nhờ được Trạm bơm Kênh 3 tháng 2 tiếp nước nên các kênh nội đồng trên địa bàn vẫn đảm bảo nguồn nước tưới cho diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện, dự kiến nguồn nước đảm bảo đủ đến cuối vụ đông - xuân. Từ đầu mùa khô đến nay, Trạm bơm Kênh 3 tháng 2 đã bơm chuyền để tiếp nước cho huyện Trà Cú 02 đợt. Trước đó, cuối tháng 02, Trạm bơm này đã bơm chuyền nước ngọt về huyện liên tục 07 ngày.

Bà Lâm Thị Bách Thảo, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú trồng 2,2ha lúa, chia sẻ, nhờ Nhà nước đầu tư các cống ngăn mặn, trạm bơm tiếp nước ngọt vào các kênh nội đồng nên việc sản xuất của người dân địa phương ngày càng thuận lợi, năng suất lúa vụ đông - xuân luôn cao hơn những năm trước. Mấy năm gần đây, mọi người không còn lo lắng việc thiếu nước tưới, mặn xâm nhập vào mùa khô mà chủ yếu tập trung chăm sóc, quản lý sâu bệnh để cây lúa đạt năng suất cao hơn.

Tại huyện Cầu Kè, trong số 04 cống đầu mối dẫn nước từ Sông Hậu là Tân Dinh, Bông Bót, Rạch Rum, Mỹ Văn, từ tết Nguyên đán đến nay, cống Rạch Rum và Mỹ Văn đóng triệt để ngăn mặn xâm nhập nội đồng. Nguồn nước ngọt phục vụ diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân trong huyện phụ thuộc hoàn toàn vào cống Tân Dinh và Bông Bót.

Nhân viên Xí nghiệp Thủy nông Cầu Kè đo độ mặn tại cống Bông Bót.

Cống Tân Dinh và Bông Bót là 02 công trình thuộc tiểu dự án kiểm soát nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu vùng Nam Măng Thít do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư trên địa bàn huyện, được đưa vào sử dụng tháng 01/2020. Từ khi 02 cống này được vận hành, địa phương đã khắc phục được nước mặn xâm nhập lấn sâu vào nội đồng, không còn tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô, bảo vệ được toàn bộ diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái nên người dân địa phương rất phấn khởi.

Ông Hứa Thanh Sơn, Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông huyện Cầu Kè cho biết, từ đầu mùa khô đến nay, đơn vị bố trí nhân viên trực các cống đầu mối 24/24 giờ, đều đặn ngày 02 lần đo độ mặn, khi độ mặn dưới 01g/l thì mở cống lấy nước để tích trữ; độ mặn từ 01g/l trở lên thì đóng triệt cửa cống ngăn mặn.

Từ ngày 06 - 14/3, độ mặn tại các cống Tân Dinh và Bông Bót cũng tăng rất cao nên đơn vị cũng đóng triệt để ngăn mặn; trong đó, độ mặn ngày 12/3 đạt đỉnh, cao nhất từ đầu mùa khô 2023 - 2024 đến nay. Cụ thể, khu vực nằm ngoài cống Mỹ Văn và Rạch Rum lần lượt là 3,6g/l và 4,7g/l; cống Bông Bót là 2,55g/l và Tân Dinh là 1,65g/l. Tuy tất cả các cống đầu mối trên địa bàn huyện đã đóng kín để ngăn mặn, nhưng lượng nước được tích trữ trước đó vẫn đảm bảo đủ phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân địa phương.

Chủ động ứng phó ngay từ đầu mùa khô

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ ngày 08 - 14/3/2024, tại khu vực ven Biển Đông, mặn có xu thế tăng dần, kéo dài và đạt đỉnh, ranh mặn 04g/l vào sâu trong đất liền 50 - 60km từ cửa sông. Tại Trà Vinh, tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đang diễn biến rất phức tạp, độ mặn luôn ở mức cao.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang cho biết, tuy tình hình hạn, mặn đang diễn ra gay gắt nhưng nhờ địa phương chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp ngay từ đầu mùa khô. Cùng với việc chủ động mở cửa các cống đầu mối phía Sông Hậu và phía sông Cổ Chiên để lấy nước ngọt vào nội đồng tích trữ nước nên đến nay, các đợt mặn xâm nhập chưa ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh, nguồn nước trong các kênh nội đồng vẫn cơ bản đảm bảo cho sản xuất.

Trước đó, từ đầu mùa khô, ngành nông nghiệp đã xây dựng kịch bản với các phương án ứng phó cụ thể; đồng thời phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân xuống giống đúng lịch thời vụ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật canh tác phù hợp trong điều kiện hạn mặn, tích trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất khi mặn xâm nhập sâu nội đồng làm các cống đầu mối không thể tiếp nước ngọt.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh theo dõi sát diễn biến độ mặn để vận hành các cống đầu mối, không để nước mặn xâm nhập vào nội đồng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Ngành nông nghiệp cũng yêu cầu các địa phương trục vớt lục bình và nạo vét hệ thống kênh nội đồng để khơi thông dòng chảy, trữ nước ngọt; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi như sửa chữa cống, bọng, nạo vét kênh cấp II để đảm bảo tích trữ, điều tiết, cung cấp nước, hạn chế tình trạng rò rỉ, thất thoát nước. Đối với các khu vực không đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất lúa, ngành nông nghiệp khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng.

Bài, ảnh: THANH HÒA

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/phong-chong-han-man-hieu-qua-tu-cac-cong-trinh-thuy-loi-36109.html