Diễn đàn Nước lớn nhất thế giới tại Bali: 'Nước vì sự thịnh vương chung'

Diễn đàn Nước thế giới lần thứ 10 diễn ra tại Bali (Indonesia) từ ngày 18-25/05 với sự tham dự của khoảng 104 quốc gia và 35 nghìn đại biểu trong và ngoài nước.

Với chủ đề “Nước vì thịnh vượng chung”, Diễn đàn là cơ hội để các nước cùng nhau thúc đẩy viêc sử dụng tài nguyên nước bền vững và hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu nước toàn cầu tăng mạnh và việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước đã trở thành một vấn đề cấp bách của thế giới.

Mục tiêu kép

Nước là một trong những nhu cầu thiết yếu và cơ bản cho sự sống, nhưng những năm gần đây, mực nước ngầm đang phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng do dân số tăng nhanh, phát triển công nghiệp và đô thị, biến đổi khí hậu, hiện tượng nóng lên toàn cầu, tan sông băng ở Bắc Cực và Nam Cực, thiên tai và tác động của con người trong việc sử dụng nước… Hơn 650 triệu người ở gần 40 quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Do đó, việc sử dụng bền vững của tài nguyên nước đã trở thành một vấn đề cấp bách của thế giới, đòi hỏi các quốc gia phải hợp tác cùng nhau để thúc đẩy việc quản lý hiệu quả tài nguyên nước.

Logo Diễn đàn Nước thế giới lần thứ 10. Nguồn: WWF

Logo Diễn đàn Nước thế giới lần thứ 10. Nguồn: WWF

Chủ đề của Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 10 là “Nước vì sự thịnh vượng chung”, nghĩa là nước phải là nguồn tài nguyên sẵn có cho tất cả mọi người vào thời điểm cần thiết. Do đó, quản lý nước một cách hiệu quả có thể mang lại sự thịnh vượng cho tất cả mọi người, sự thịnh vượng chung.

Theo Chủ tịch Hội đồng Nước thế giới Loic Faichon, Diễn đàn lần thứ 10 này có mục tiêu kép. Thứ nhất, khẳng định nước cũng như vệ sinh là những ưu tiên chính trị, ở mọi cấp độ, quốc tế, quốc gia và địa phương và những ưu tiên này đòi hỏi những hành động và giải pháp mang tính chính trị. Thứ hai nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp nước cho hàng triệu người đang thiếu nước, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa đổi mới, quản trị và tài chính.

Diễn đàn WWF lần thứ 10 bao gồm 230 phiên thảo luận theo chủ đề, 10 phiên họp đặc biệt và 55 sự kiện bên lề, tập trung tìm ra giải pháp, đổi mới và hành động chung trong thời gian sớm nhất giải quyết vấn đề nước. Đây cũng là cơ hội để các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm việc giải quyết vấn đề nước, những thách thức và thành công trong quản lý tài nguyên.

Trong thông điệp gửi tới Diễn đàn, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh một số chương trình nghị sự quan trọng cần được ưu tiên như nỗ lực bảo tồn nguồn nước; nước sạch và vệ sinh; an ninh lương thực và năng lượng; cũng như giảm nhẹ thiên tai lũ lụt, hạn hán… Các chương trình nghị sự phải được giải quyết thông qua các nỗ lực chung, sự tham gia và hỗ trợ của cộng đồng từ các bên liên quan khác nhau, cũng như đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia trên tinh thần cùng nhau vì phúc lợi của cộng đồng toàn cầu.

Tổng thống Joko Widodo đặc biệt nhấn mạnh đến những đổi mới trong lĩnh vực hợp tác của chính phủ và khu vực tư nhân; đổi mới công nghệ để quản lý nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và năng lượng, cũng như cam kết của tất cả các bên trong việc đóng góp và hợp tác cùng nhau.

Dấu ấn nhiệm kỳ Tổng thống Joko Widodo

Indonesia là quốc gia thứ 3 ở châu Á sau Nhật Bản và Hàn Quốc được chọn làm chủ nhà Diễn đàn Nước thế giới. Đây là một trong những sự kiện quốc tế quan trọng cuối cùng mà chính quyền Tổng thống Joko Widodo đăng cai tổ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 10/2024. Vì vậy mục tiêu của Indonesia với vai trò chủ nhà là thể hiện với thế giới cam kết và những đóng góp hữu hình của nước này trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Thông qua diễn đàn nước quốc tế lớn nhất thế giới, Indonesia cũng mong muốn đóng vai trò là hình mẫu cho các quốc gia khác về thành công trong quản lý tài nguyên nước.

Indonesia đã triển khai khoảng 17 nghìn nhân viên an ninh để đảm bảo an toàn cho Hội nghị. Một số máy bay của Không quân Indonesia sẵn sàng trực chiến để có thể thực hiện hoạt động sơ tán các đại biểu dự WWF, trong trường hợp xảy ra thảm họa thiên nhiên như núi lửa ở Bali bất ngờ phun trào. Chính phủ Indonesia cho biết đến nay Dự thảo cuối cùng Tuyên bố cấp Bộ trưởng của Diễn đàn WWF lần thứ 10 đã được thống nhất và sẵn sàng công bố tại Diễn đàn.

Nước chủ nhà Indonesia dự kiến đưa ra một số sáng kiến như: thành lập một “Trung tâm xuất sắc” dẫn dắt trong lĩnh vực an ninh nước và khí hậu; tuyên bố về Ngày hồ nước thế giới (27/8); lồng ghép các vấn đề về quản lý nước cho các quốc đảo nhỏ và đang phát triển; xây dựng Bản tóm tắt các kết quả và hành động cụ thể mang tính toàn diện và tự nguyện, nhằm ghi lại các dự án, sáng kiến, hợp tác giữa các bên liên quan trong ngành nước ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế…

Diễn đàn nước quốc tế lớn nhất thế giới cũng dự kiến mang lại một số thỏa thuận quan trọng cho Indonesia, bao gồm hợp tác song phương và đa phương trị giá hàng nghìn tỷ rupiah. Tổng thư ký Bộ Công chính và Nhà ở Indonesia Mohammad Zainal Fatah cũng cho biết Indonesia sẽ cung cấp một số dự án chiến lược trị giá 9,6 tỷ USD tại Diễn đàn lần này.

Indonesia đã triển khai khoảng 17.000 nhân viên an ninh để đảm bảo an toàn cho Hội nghị. Nguồn: WWF

Indonesia đã triển khai khoảng 17.000 nhân viên an ninh để đảm bảo an toàn cho Hội nghị. Nguồn: WWF

Cơ hội quảng bá văn hóa Bali

Ngoài các chương trình nghị sự chính, Diễn đàn Nước thế giới lần thứ 10 là cơ hội vàng để Indonesia giới thiệu sự đa dạng văn hóa và du lịch, đặc biệt là Bali, với thế giới. Một trong những điểm nổi bật trong các sự kiện bên lề của Diễn đàn là nghi lễ tẩy trần Segara Kerthi đặc trưng của người Bali, với sự tham dự của khách đại biểu quốc tế và chính quyền địa phương. Ngoài nghi lễ tẩy trần, hàng loạt các sự kiện bên lề hấp dẫn khác như Lễ hội nước Melasti, Đêm Văn hóa Bali hay hội chợ triển lãm với các món quà lưu niệm, các trò chơi địa phương cũng được Indonesia giới thiệu tới đại biểu quốc tế.

Theo Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia, Diễn đàn Nước thế giới lần thứ 10 là cơ hội để mang lại hiệu quả cấp số nhân đáng kể cho ngành du lịch và nền kinh tế sáng tạo Indonesia. Theo ước tính, Diễn đàn sẽ đóng góp từ 30 đến 35 triệu đôla Mỹ cho nền kinh tế Bali, đồng thời là phương tiện quảng bá để chính phủ đạt được các mục tiêu về du lịch và kinh tế sáng tạo, bao gồm tăng số lượng khách du lịch nước ngoài từ 9,5 triệu đến 14,3 triệu trong năm 2024.

Phạm Hà/VOV-Jakarta

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-dan-nuoc-lon-nhat-the-gioi-tai-bali-nuoc-vi-su-thinh-vuong-chung-post1095571.vov