Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Cần thúc đẩy các dự án đầu tư của 5 tỉnh Đông Nam Bộ

Chiều 12/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì cuộc họp của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy các dự án đầu tư FDI, ODA tại 5 tỉnh Đông Nam Bộ.

Quang cảnh cuộc họp

Quang cảnh cuộc họp

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh: Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai, và Tây Ninh.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo 5 tỉnh đều ra những khó khăn vướng mắc phổ biến trong thực hiện các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện nay chủ yếu liên quan đến thủ tục thực hiện dự án; vấn đề điện, năng lượng và hạ tầng; phòng cháy, chữa cháy… Bên cạnh đó, việc chậm quy hoạch điện 8, khung giá điện, hạ tầng điện năng lượng mặt trời… là những "điểm nghẽn" đang kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Về thủ tục thực hiện dự án, các địa phương cho rằng Luật Đất đai hiện hành chưa làm rõ trường hợp thuộc diện đấu giá quyền sử dụng đất nhưng không đáp ứng điều kiện để tổ chức đấu giá, ví dụ trường hợp không thể bố trí ngân sách cho việc giải phóng mặt bằng thì sẽ thực hiện thế nào.

Sự chưa đồng bộ trong quy định nêu trên dẫn đến vướng mắc trong việc lựa chọn nhà đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc diện phải đấu giá, hoặc đấu thầu, dự án có đất đã giải phóng mặt bằng xen lẫn với đất chưa giải phóng mặt bằng, hay dự án có tài sản công…

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại cuộc họp

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại cuộc họp

Về vướng mắc liên quan đến việc giao khu vực biển, các dự án có đề nghị giao khu vực biển gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục lựu chọn nhà đầu tư do Nghị định 11/2021/NĐ-CP chưa xác định khu vực giao biển có bao gồm giao đất, cho thuê đất hay không và có thuộc diện đấu giá, đấu thầu hay không để có cơ sở thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Một số địa phương gặp khó khăn về quỹ đất cho phát triển công nghiệp trong tương lai khi các khu công nghiệp hiện nay đều có tỉ lệ lấp đầy cao.

Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã báo cáo với Đoàn về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong quý I-2023.

Ông Minh đồng thời kiến nghị đến Đoàn công tác về việc xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động; việc lựa chọn đơn vị tư vấn giá đất; vướng mắc trong việc xác định nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư; hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện phê duyệt dự toán mua sắm trước khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua thuốc, vật tư y tế theo quy định của Luật Đấu thầu 2013 và Thông tư 15/2019/TT-BYT; các vướng mắc liên quan quy định về phòng cháy, chữa cháy. Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đã giải đáp một số vướng mắc, khó khăn và ghi nhận những kiến nghị của các địa phương để nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại cuộc họp

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại cuộc họp

Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết Bình Phước có tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, hiện trạng đất khu công nghiệp thực tế trên 6.800 ha, nhưng được phê duyệt lại chỉ khoảng 4.000 ha, đề nghị Chính phủ xem xét lại.

"Hơn 2.000 ha đất còn lại là đất công nghiệp nhưng lại không nằm trong diện tích quy hoạch. Bình Phước mong muốn Chính phủ xem xét bổ sung thêm diện tích đất công nghiệp cho địa phương", bà Hiền nói.

Tại cuộc họp, lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành Trung ương trực tiếp giải đáp vướng mắc của các địa phương, đồng thời cập nhật tiến độ sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương dự họp rà soát lại những khó khăn, vướng mắc, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm nhất trước cuối giờ chiều ngày 17/4.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các địa phương khẩn trương có văn bản gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các Bộ, ngành tiếp tục rà soát kỹ các khó khăn, vướng mắc như kiến nghị của các địa phương để làm rõ trách nhiệm và có những đề xuất, kiến nghị xử lý, có văn bản chính thức gửi về Văn phòng Chính phủ...

Riêng với việc sửa đổi Luật Đất đai, đã có hơn 10,5 triệu ý kiến góp ý đối với dự thảo luật, phản ánh sự quan tâm rất lớn của nhân dân. Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc sửa đổi lần này là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng cũng là cơ hội rất lớn để xử lý những vấn đề bất cập hiện nay về đất đai, đáp ứng mong mỏi của nhân dân.

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/pho-thu-tuong-tran-luu-quang-can-thuc-day-cac-du-an-dau-tu-cua-5-tinh-dong-nam-bo-373806.html