Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu: Nhu cầu nhà ở của công đoàn viên rất lớn!

'Hiện nay, công chức, viên chức rời khu vực công đang là vấn đề nóng. Một trong những nguyên nhân là họ chưa có nhà ở, chi phí thuê nhà cao. Nếu chúng ta giải quyết tốt vấn đề nhà ở cho công đoàn viên sẽ góp phần giảm tình trạng công chức viên chức rời khu vực công', ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Theo khoản 3, Điều 78, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định: “Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội làm việc tại các khu công nghiệp thuê”.

Tuy nhiên, điều khoản này đang nhận được 2 luồng ý kiến khác nhau. Trong đó, nhiều ý kiến tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, không nên giao cho Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội do đây là vấn đề mới, còn nhiều nội dung chưa được làm rõ. Để làm rõ vấn đề này, Tiền Phong đã trao đổi với ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thưa ông, theo Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Vậy, cơ sở nào để Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra đề xuất này?

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Ông Ngọ Duy Hiểu: Một trong những mối quan tâm hàng đầu của công chức, viên chức, công đoàn viên, người lao động là vấn đề nhà ở. Từ nhà ở sẽ kéo theo một loạt các vấn đề khác như điều kiện ăn ở, sức khỏe, môi trường sống, chăm sóc con cái, an ninh an toàn của công đoàn viên.

Hiện nay, nhu cầu về nhà ở cho công đoàn viên là rất lớn. Qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng đa số công đoàn viên còn phải thuê nhà, trong đó phần lớn gia đình trẻ. Trong khi đó, khả năng đáp ứng của Nhà nước còn hạn chế, doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội nói chung nên cần huy động mọi lực lượng xã hội tham gia làm nhà cho đối tượng này.

Qua lắng nghe tâm tư của công đoàn viên, chúng tôi cũng kiến nghị Đảng, Nhà nước cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Điều này cũng là thể hiện sự quan tâm của Tổ chức Công đoàn tới đời sống của công đoàn viên.

Ngoài ra, hiện nay công chức, viên chức rời khu vực công đang là vấn đề “nóng”. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng, nhiều cán bộ công chức, viên chức rời khu vực công do đời sống khó khăn, thu nhập thấp. Trong khi đó, họ lại phải dành một khoản lớn thu nhập để thuê nhà. Vì thế, họ phải tìm công việc có thu nhập cao hơn để giải quyết vấn đề cuộc sống. Nếu chúng ta giải quyết tốt vấn đề nhà ở cho công đoàn viên sẽ góp phần giảm tình trạng công chức viên chức rời khu vực công, giúp họ yên tâm công tác. Đồng thời, nâng cao hiệu quả tham mưu, tăng cường liêm chính để phục vụ nhân dân.

Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa từng làm nhà ở xã hội. Nếu được giao là chủ đầu tư, liệu có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức xây nhà ở công nhân ở một số địa phương. Trong đó có khu thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam tại Khu Công nghiệp Đồng Văn II, với 5 tòa nhà với tổng số 244 căn hộ cho thuê. Vừa qua, đoàn công tác của Ủy ban Pháp luật đã về khảo sát thực tế và chứng kiến điều kiện ăn ở, cuộc sống của người lao động. Phần lớn, công nhân rất phấn khởi do có chỗ ở ổn định, giá rẻ nên yên tâm lao động, sản xuất.

Một khu nhà dành cho công nhân ở Bình Dương

Hiện nay, chúng tôi đang triển khai đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, được lãnh đạo và nhân dân các địa phương ủng hộ. Đến nay, đã có 36 địa phương giới thiệu địa điểm khu đất cho Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong đó có một số tỉnh, thành đã đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.

Tôi cho rằng, cái gì mới, khi bắt đầu triển khai thì cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta xác định được khó, vướng ở đâu thì sẽ tháo gỡ ở đó.

Nếu được giao là chủ đầu tư làm nhà ở xã hội, Tổng LĐLĐ Việt Nam có đảm bảo công bằng giữa các nhóm đối tượng không, thưa ông?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Mọi đối tượng đều có lý do khác nhau để tiếp cận những chính sách phù hợp. Chúng ta ai cũng hiểu nỗi vất vả của công nhân, nhưng công chức, viên chức cũng có nhiều áp lực nên khó có thể tìm thấy giải pháp cào bằng. Vì vậy, trong chính sách cần thiết kế phù hợp với từng đối tượng để giải quyết nhu cầu nhà ở, mong muốn của họ.

Nếu được giao chủ đầu tư nhà ở xã hội, chúng tôi cần hai dữ liệu quan trọng. Thứ nhất, là nhu cầu của công đoàn viên về đời sống, nhà ở của họ. Thứ hai, là đáp ứng được của nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội. Khi đó, chúng ta sẽ tìm ra điểm chung để xác định các tiêu chuẩn. Nếu như nguồn cung lớn thì tiêu chuẩn sẽ hạ xuống, trường hợp nguồn cung chưa nhiều thì đòi hỏi khắt khe, chặt chẽ hơn.

Thưa ông, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại sẽ xảy ra tham nhũng nếu Tổng LĐLĐ Việt Nam được giao làm nhà ở xã hội. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Tôi cho rằng, tham nhũng xảy ra phụ thuộc vào cách thức quản lý và pháp luật có chặt chẽ hay không. Bất kỳ lĩnh vực nào không được quản lý chặt cộng với tinh thần trách nhiệm và liêm chính của cán bộ thì đều có tham nhũng. Vấn đề đặt ra là chính sách thật chặt chẽ, khoa học, không có cơ hội cho hành vi lợi dụng của cán bộ phụ trách. Nếu có chính sách tốt, những người tổ chức tốt thì hạn chế được tham nhũng.

Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030". Do đó, nếu chúng tôi được giao làm nhà ở xã hội theo chủ trương chung thì các tỉnh, thành có trách nhiệm bố trí quỹ đất ở vị trí phù hợp. Đây cũng là cơ hội để các tỉnh, thành thể hiện sự chăm lo đời sống cho nhân dân, viên chức trên địa bàn mình.

Xin cảm ơn ông./.

Thanh Hiếu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/pho-tong-ldld-viet-nam-ngo-duy-hieu-nhu-cau-nha-o-cua-cong-doan-vien-rat-lon-post1583415.tpo