Phiên bản AK-19 của Nga chính thức trình làng; có thay thế AK-12?

Mặc dù khẩu AK-12 mới đưa vào biên chế trong Quân đội Nga năm 2020, nhưng phiên bản AK-19 đã ra mắt. Phải chăng vì AK-12 hoạt động không tốt trên chiến trường Ukraine, nên Quân đội Nga cần thay súng mới?

Tạp đoàn Kalashnikov vừa tung ra bộ phim giới thiệu về AK-19, khẳng định, AK-19 hoàn toàn không phải là một loại súng mới, mà là phiên bản dựa trên mẫu AK-12 đã được đưa vào biên chế cho Quân đội Nga vào đầu năm 2020. Điểm khác biệt chính là cỡ nòng đã được thay đổi thành cỡ nòng 5,56 mm, theo tiêu chuẩn NATO.

Ngoài ra, súng trường tấn công AK-19 cũng sử dụng các phụ kiện mới hơn so với phiên bản AK-12 sản xuất hàng loạt và có sự khác biệt nhất định về hình thức bên ngoài. Các phương tiện truyền thông của Nga đã có những thông tin trái chiều về AK-19.

Mẫu AK-19 mà Tập đoàn Kalashnikov trưng bày cách đây vài ngày tại Diễn đàn quân sự Nga (Army 2023), không phải là mẫu AK-19, phiên bản ra đời năm 2020. Đó là một khẩu AK-19 CQB được hiện đại hóa và cải tiến sau khi kết hợp kinh nghiệm trên chiến trường, giữa tiểu liên và súng trường tấn công.

Ngay cả hãng thông tấn TASS khi đưa tin cũng không nói rõ loại súng được trưng bày là gì, dẫn đến truyền thông quốc tế có sự sai lệch nhất định, khi nghĩ rằng AK-19 này là súng mới. Thực ra nếu suy nghĩ kỹ sẽ biết AK-19 phải được thiết kế vào khoảng năm 2019, còn súng mới của năm nay nên gọi là AK-22 hoặc AK-23?

Một số phương tiện truyền thông quốc tế còn gây hiểu nhầm, khi thông báo quân đội Nga sẽ từ bỏ AK-12 cỡ nòng 5,45 và chuyển sang AK-19 cỡ nòng 5,56 để có thể bắn được đạn của NATO trên chiến trường. Thông tin này hoàn toàn vô nghĩa, bởi vì khẩu AK-19 này sẽ không được trang bị cho bất kỳ binh sĩ nào của quân đội Nga và nó hoàn toàn là một sản phẩm giành cho xuất khẩu.

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga đã phát triển một loạt vũ khí với các cỡ nòng và chiều dài nòng khác nhau dựa trên loại súng trường mới của riêng mình, ví dụ AK-74M, được đặt tên là AK-100. Khác với các mẫu “nhà dùng”, dòng AK-100 chủ yếu dành cho xuất khẩu; chỉ một số mẫu được mua bởi các đơn vị chiến đấu của Nga. Mẫu đầu tiên của dòng AK-100 là AK-101 với cỡ nòng 5,56 mm.

Trên thị trường thương mại quân sự quốc tế, một số quốc gia không chỉ muốn sử dụng vũ khí cỡ nòng của các nước NATO, mà còn muốn mua các loại vũ khí giá rẻ và dễ sử dụng như AK. Do vậy phiên bản AK-101 được phát triển cho những khách hàng này.

Ngoài AK-101 có chiều dài tiêu chuẩn, còn có AK-102 rút ngắn với nòng ngắn hơn đáng kể (phiên bản cacbin), giúp nó phù hợp hơn cho các phân đội tác chiến đặc biệt, chiến đấu trong nhà, thành phố…

Sau đó, trên cơ sở dòng AK-100, Nga đã phát triển dòng AK-200, trong đó AK-201 và AK-202 cũng là súng trường cỡ nòng NATO. Do được trang bị đầy đủ các thanh ray chiến thuật, nên khả năng mở rộng của AK-201 đã được cải thiện rất nhiều và có thể lắp đặt các phụ kiện chiến thuật như ống ngắm, đèn pin, tay cầm phụ…

Tuy nhiên, dòng AK-200 có một vấn đề, đó là nó quá nặng. Nếu khẩu AK-101 chỉ nặng 3,6 kg (không đạn), trong khi AK-201 nặng tới 4 kg. Nếu nạp đủ 30 viên đạn, sẽ cộng thêm gần 1 kg vào trọng lượng của nó. Nếu thêm ống ngắm và băng đạn dự phòng, khẩu súng sẽ còn nặng hơn nữa. Do đó, dòng AK-200 này không mấy phổ biến trong quân đội Nga hay xuất khẩu.

Sau khi AK-12 được hoàn thiện, Nga cũng bắt đầu thiết kế một phiên bản xuất khẩu dựa trên AK-12. Sản phẩm được hoàn thiện sớm nhất là AK-15, nhưng AK-15 không hoàn toàn là sản phẩm xuất khẩu, mà được thiết kế theo yêu cầu của quân đội Nga; nhưng phạm vi trang bị tương đối hẹp.

Tuy nhiên sau này, Tập đoàn Kalashnikov đã thiết kế mẫu AK-308, bắn đạn 7,62×51 mm chuẩn NATO. Đây là một sản phẩm để xuất khẩu hoàn toàn. Nhưng vấn đề là cái tên AK-308, không liên quan gì đến quy tắc đặt tên của dòng AK trước đó, mà 308 đề cập đến cỡ nòng của súng NATO 7,62mm - 0,308 inch; chứ không phải năm sản xuất hay số sê-ri của súng.

Không biết có phải vì lý do này hay không mà vào năm 2020, khi phiên bản xuất khẩu của AK-12 với cỡ nòng 5.56mm chính thức ra mắt, nó đã hoàn toàn bỏ quy định đặt tên trước đó, không gọi là “AK-301” hay “ AK-401”, mà đặt tên là AK-19, rất giống với hệ thống đánh số quân sự của Nga đã được sử dụng.

Có lẽ Tập đoàn Kalashnikov muốn chứng tỏ đây là một khẩu súng mới, đã vạch ra một đường nét rõ ràng so với dòng sản phẩm trước đó. Tuy nhiên, từ phiên bản AK-19 mới này, chúng ta vẫn có thể thấy một số điểm mới.

Trước hết, nòng súng của AK-19 CQB được rút ngắn đáng kể, kích thước gần bằng AK-102, phương thức hoạt động của cả hai cũng rất giống nhau, cả hai đều tập trung vào tính cơ động khi cận chiến, hy sinh tầm bắn và độ chính xác. Sau khi cải tiến, trọng lượng rỗng của súng AK-19 CQB chỉ còn 3,3 kg, nhưng tầm bắn giảm xuống còn 400 mét.

Tất nhiên, có một lợi thế khác của việc giảm các tính năng như vậy. Ngay cả khi lắp đặt ống giảm thanh, chiều dài của khẩu AK-19 CQB cũng tương đương với chiều dài của AK-19 thông thường và nó sẽ không tăng lên đáng kể.

Thứ hai, AK-19 CQB về cơ bản áp dụng thiết kế cải tiến của AK-12M1 và thay thế cần gạt hạn định cách bắn truyền thống, bằng lẫy gạt ở cả hai mặt, có thể sử dụng bằng cả tay trái và tay phải.

Ốp lót tay mới của AK-19 cũng được thiết kế lại, không giống tay ốp lót tay kiểu cũ trên khẩu AK-12, vốn mỏng manh và không thể trang bị kính ngắm và đèn pin laser. Tất nhiên, ốp lót tay mới này vẫn được làm bằng nhựa và độ bền của nó vẫn còn phải được kiểm tra.

So với AK-12M1 tiêu chuẩn, báng súng của AK-19 CQB đã loại bỏ phần còn lại của giá đỡ má. So sánh, giá đỡ má là một phụ kiện để tăng độ ổn định và thoải mái cho người bắn và cải thiện độ chính xác khi bắn tầm xa, đối với vũ khí cận chiến nòng ngắn, nó sẽ chỉ làm tăng trọng lượng của súng và không có tác dụng thực tế .

Nói chung, dù là AK-12 hay AK-19 thì vẫn là những mẫu súng đang trong “giai đoạn thử nghiệm”. Với quy mô và tình trạng trang bị hiện tại của quân đội Nga, khi tiền tuyến vẫn đang sử dụng một số lượng lớn mẫu AK-74 kiểu cũ từ thời Liên Xô. Trong bối cảnh như hiện nay, việc Nga tung ra một sản phẩm thương mại xuất khẩu là hơi khó hiểu.

Tiến Minh (theo Kalashnikov, TASS, Sina)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/phien-ban-ak-19-cua-nga-chinh-thuc-trinh-lang-co-thay-the-ak-12-1890122.html