Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân gãy xương đòn vai và có khối u tuyến giáp khổng lồ

Ngày 30/9, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 2) cho biết, vừa phẫu thuật thành công cho một nam bệnh nhân có khối u tuyến giáp lớn phì đại và kết hợp gãy xương đòn vai.

Khối u tuyến giáp của bệnh nhân N.T.P trước lúc phẫu thuật

Do tai nạn giao thông bất ngờ xảy đến, nam bệnh nhân là N.T.P. ( SN 1971) , quê tỉnh Bến Tre phải nhập viện khẩn. Qua thăm khám và các kiểm tra hình ảnh, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị gãy xương đòn nên có chỉ định phẫu thuật kết hợp xương.

Tuy nhiên, khi các bác sĩ khoa gây mê hồi sức của Bệnh viện Đại học Y dược CS2 thực hiện khảo sát đường thở để tiến hành đặt nội khí quản cho bệnh nhân đã phát hiện cấu trúc đường thở trên của bệnh nhân tại vùng hầu họng bị thay đổi, đường thở cũng biến dạng, khối u phì đại chèn vào từ hai bên thùy làm nhiều đoạn trong đường thở bị chít hẹp, khiến cho cuộc mổ trở càng nên khó khăn hơn vì nếu phẫu thuật mà khâu đặt nội khí quản trục trặc thì bệnh nhân có nguy cơ mất luôn trên bàn mổ.

Một cuộc hội chẩn nhanh giữa các bác sĩ khoa gây mê hồi sức của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM CS2 diễn ra, quyết định cuối cùng được đưa ra là phải giải quyết phần u tuyến giáp trước, rồi mới có thể thực hiện mổ xương đòn vai bị gãy.

Bệnh nhân được chuyển sang thăm khám tại Khoa Lồng ngực - Mạch máu - Bướu cổ. Nhận định đây là một ca mổ khó do kích thước u quá lớn dễ xảy ra biến chứng bất kì lúc nào trong quá trình mổ nên bác sĩ trực tiếp mổ cho nam bệnh nhân khá hồi hộp.

Ê-kíp mổ do bác sĩ Nguyễn Khánh Quang, chuyên Khoa Lồng ngực - Mạch máu - Bướu cổ mổ chính, phẫu thuật cắt bỏ khối u ở cổ cho anh P

Sáng 27/9, ê-kíp mổ do bác sĩ Nguyễn Khánh Quang, chuyên Khoa Lồng ngực - Mạch máu - Bướu cổ mổ chính, tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u ở cổ cho anh P. Sau gần 3 giờ đồng hồ, ê-kíp mổ đã bóc tách thành công khối u có kích thước 20cm nặng gần 700gr cho bệnh nhân mà không cần mở ngực, bảo tồn được thần kinh quặt ngược và tuyến cận giáp, không làm tổn thương các cơ quan lân c ận và không gặp biến chứng trong quá trình phẫu thuật.

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Khánh Quang cho biết, đây là trường hợp đặc biệt, bướu tuyến giáp phát triển ngày càng to dần gây biến dạng vùng cổ kèm một phần thòng xuống trung nhất, chèn ép khí quản gây khó khăn trong việc đặt nội khí quản gây mê, khói u quá lớn làm ảnh hưởng các cấu trúc giải phẩu kế cận và tình trạng tăng sinh mạch máu của khối u làm tăng nguy cơ chảy máu trong phẩu thuật.

“Phẫu thuật cắt tuyến giáp không phải là một phẫu thuật phức tạp, tuy nhiên khi khối u bướu với kích thước quá lớn khiến cho việc phẫu thuật gặp rất nhiều khó khăn do vùng cổ bệnh nhân có nhiều cấu trúc nằm kế cận”, bác sĩ Quang chia sẻ.

Hai khối u sau khi mổ đạt kích thước tổng khoảng 26 x 21 cm và nặng gần 700gr

Cũng theo bác sĩ Quang, bệnh nhân chủ quan do từng được chẩn đoán nhân giáp lành tính và quan niệm “kiêng dao kéo” tuyệt đối không phẫu thuật, cộng thêm sự chủ quan trong việc nhìn nhận bệnh tình của bản thân mà trong chỉ vài năm, hai khối u phát triển một cách nhanh chóng đạt kích thước tổng khoảng 26 x 21 cm và nặng gần 700gr. Nếu rơi vào tình huống cần cấp cứu khẩn cấp, bệnh nhân có thể tử vong vì không thể đặt nội khí quản để gây mê do “bướu cổ khổng lồ” chèn ép gây tắc nghẽn và biến dạng toàn bộ đường thở. Rất may, ê kíp mổ với các bác sĩ có chuyên môn giỏi của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM CS2 đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân có khối u tuyến giáp khổng lồ này.

Sau phẫu thuật khoảng 1 giờ đồng hồ, bệnh nhân P. được rút ống nội khí quản, phát âm rõ, giảm rõ cảm giác nuốt vướng nuốt khó sau khi mổ, sau 2 ngày bệnh nhân đã được rút ống dẫn lưu, ăn uống sinh hoạt bình thường.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/y-te/phau-thuat-thanh-cong-cho-benh-nhan-gay-xuong-don-vai-va-co-khoi-u-tuyen-giap-khong-lo-166658.html