Phát triển tiểu thủ công nghiệp từ lợi thế sẵn có ở vùng cao Mai Châu

Đẩy mạnh tiểu thủ công nghiệp, tạo ra những sản phẩm độc đáo, gắn với phát triển du lịch cộng đồng đang là hướng đi đúng, bền vững ở huyện Mai Châu, Hòa Bình.

Tận dụng những lợi thế sẵn có

Sở hữu nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình có những tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thông qua các làng nghề truyền thống, các hợp tác xã hoạt động trên địa bàn.

Các sản phẩm thổ cẩm ở huyện Mai Châu ngày càng được du khách trong và ngoài nước thích thú, đón nhận

Chị Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu (xã Chiềng Châu, huyên Mai Châu) chia sẻ: “Nghề dệt thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời, với mong muốn phát triển nghề dệt truyền thống địa phương, năm 2013, hợp tác xã được thành lập với 21 thành viên, mặt hàng chủ yếu là dệt vải thổ cẩm và may hoàn thiện các sản phẩm như túi xách, ví hình con thú nhồi bông, khăn quàng, khăn trải bàn, giày dép, tranh treo tường...”.

Theo chị Oanh, Hợp tác xã đã tích cực hướng dẫn các lao động nữ nâng cao tay nghề dệt thổ cẩm, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, độc đáo. Hiện 100% sản phẩm của hợp tác xã được dệt thủ công. Năm 2021, sản phẩm quà tặng từ thổ cẩm và quần áo thổ cẩm của hợp tác xã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Sau thời gian ảnh hưởng do dịch Covid-19, hợp tác xã đã thích ứng để duy trì sản xuất, đảm bảo đời sống cho người lao động.

Việc phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Mai Châu đã tạo nhiều việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Hiện thị trường chủ yếu của Hợp tác xã dệt thổ cẩm Chiềng Châu đang giao buôn tại các cửa hàng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, hợp tác xã đang dệt vải thô xuất khẩu sang Pháp cho cho Công ty Ngo' để may giày thể thao. Kế hoạch sắp tới, hợp tác xã sẽ mở rộng khôi phục vùng trồng bông và vườn dâu nuôi tằm để đảm bảo vùng nguyên liệu.

Chị Ngần Thị Bích phấn khởi giới thiệu sản phẩm rượu Láu Siêu, rượu cần Mai Hạ tại các hội chợ

Tương tự, chị Ngần Thị Bích, người dân tộc Thái (41 tuổi, xóm Chiềng Hạ) – Hộ kinh doanh rượu Láu Siêu Vì Thị Tồn ở xã Mai Hạ kể: “Nghề nấu rượu ở Mai Hạ không biết có từ bao giờ, khi lớn lên đã thấy người người, nhà nhà nấu rượu, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhận thấy ngày càng có nhiều du khách thích thú khi thưởng thức rượu cần, rượu Láu Siêu… nhà tôi cũng như nhiều hộ khác trong xóm hình thành làng nghề nấu rượu, đưa sản phẩm ra thị trường ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước tiêu thụ”.

Nhiều du khách thích thú và hài lòng khi được thưởng thức sản phẩm rượu cần Mai Hạ

Phát triển tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho người dân

Chị Lò Thị Chanh (44 tuổi, xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu) cho biết: “Tôi là người dân tộc Thái, làm việc ở Hợp tác xã dệt thổ cẩm Chiềng Châu đã được 14 năm, trước kia tôi chỉ biết quẩn quanh ở nhà làm nương rẫy, chăn nuôi nên cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn. Từ khi vào Hợp tác xã làm việc, tôi được đào tạo nghề dệt, có công việc ổn định, thu nhập khoảng 5 – 6 triệu đồng mỗi tháng, đủ để trang trải cuộc sống, đỡ vất vả hơn trước rất nhiều”.

Chị Lò Thị Chanh nhờ tham gia hợp tác xã dệt thổ cẩm đã có việc làm ổn định, thu nhập tốt

Theo thông tin từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mai Châu, việc phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện có sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, tạo sự liên kết, hỗ trợ sản xuất giữa các cơ sở; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; có chính sách hỗ trợ kinh phí để khuyến khích các cơ sở mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thị trường; vận động các cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để tập trung phát triển các sản phẩm có thế mạnh, góp phần tạo ra nhiều việc làm cho người dân.

Song song với phát triển các làng nghề truyền thống, công tác dạy nghề cũng được các cấp, ngành địa phương ở huyện Mai Châu quan tâm. Hàng năm, các lớp đào tạo, dạy nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật được tổ chức thường xuyên. Người lao động dần thay đổi tư duy, nhận thức, trình độ tay nghề ngày càng được nâng cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện tăng dần mỗi năm.

Sản phẩm rượu Láu Siêu, rượu cần Mai Hạ của huyện Mai Châu đã trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh Hòa Bình

Đặc biệt, huyện Mai Châu ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến sản xuất, kinh doanh. Đến nay, cụm công nghiệp Chiềng Châu có 1 công ty hoạt động là Công ty Cổ phần BWG Mai Châu, chủ yếu sản xuất sản phẩm từ tre, gỗ; sản phẩm chính là ván ép thanh và tấm lót đường. Thông qua các hoạt động kết nối, tổ chức hội chợ thương mại, chợ đêm trên địa bàn… các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương có cơ hội đến với nhiều du khách.

Xác định phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là hướng đi tích cực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, tạo việc làm cho người lao động, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội. Huyện Mai Châu đã huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm khai thác lợi thế sẵn có để phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.

Toàn huyện Mai Châu hiện có trên 750 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho trên 2.450 lao động; có 4 làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, làng nghề nấu rượu Mai Hạ; có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh gồm: Thổ cẩm dệt tay của Hợp tác xã Dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch bản Lác Mai Châu (xã Chiềng Châu); sản phẩm rượu Láu Siêu của hộ kinh doanh Vì Thị Tồn (xã Mai Hạ); quà tặng từ thổ cẩm và quần áo thổ cẩm của Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu (xã Chiềng Châu).

Dần Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-tieu-thu-cong-nghiep-tu-loi-the-san-co-o-vung-cao-mai-chau-288991.html