Phát triển rừng bền vững ở huyện miền núi Sơn Tây

Thời gian gần đây, huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) đã phát triển mạnh ngành lâm nghiệp, thực hiện điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng và giải quyết những tồn đọng trong việc giao đất, giao rừng, bảo đảm cho người dân sản xuất, góp phần tạo việc làm, ổn định đời sống, từng bước giảm nghèo bền vững.

Có thể nói, núi rừng, sông suối từ ngàn xưa đã gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc huyện miền núi Sơn Tây, được coi là mạch nguồn của sự sống. Gần đây, huyện miền núi Sơn Tây đã chú trọng bảo vệ và phát triển ba loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất) đạt hiệu quả, nhất là rừng sản xuất và rừng trồng cây gỗ lớn bản địa đang được tập thể và nhiều hộ gia đình đầu tư mở rộng diện tích.

Tại các xã Sơn Lập, Sơn Bua, Sơn Dung, Sơn Liên..., hiện nay không những phát triển mạnh rừng nguyên liệu, rừng lấy gỗ mà còn thực hiện bảo vệ chặt chẽ những khu rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ. Nhiều hộ tham gia trồng rừng từ dự án phục hồi và quản lý rừng bền vững (KFW6), hàng chục ha rừng sản xuất gỗ lớn đã bắt đầu được hình thành. “Lợi ích kép” của khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên ở lưu vực đầu nguồn sông giúp người dân vừa có thu nhập ổn định, vừa điều hòa khí hậu vùng và tăng đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, huyện chú trọng trong khâu sử dụng đất lâm nghiệp lâu dài, tránh tình trạng xâm lấn đất rừng. Thực tế, ở những vùng trồng rừng chưa ổn định, thường xảy ra việc tranh chấp đất rừng dai dẳng. Hầu hết khoảnh rừng của người dân trồng đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ranh giới và cơ chế hưởng lợi của người dân rõ ràng cho nên hạn chế được tình trạng khiếu nại xảy ra. Hiện nay, huyện đang tái cấu trúc toàn diện ngành lâm nghiệp, trong đó tiến hành trồng thử nghiệm những loại cây có giá trị kinh tế cao, có thể kết hợp canh tác dưới tán rừng hoặc những loại cây ngắn ngày trồng xen trong giai đoạn vườn rừng chưa khép tán như các loại cây dược liệu. Nhân rộng mô hình nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng; xem xét tăng phí để tăng thêm mức thu nhập cho người dân quản lý, bảo vệ rừng; đầu tư, quy hoạch và xây dựng hệ thống đường giao thông để thuận lợi cho việc vận chuyển lâm sản sau khai thác từ rừng trồng, giảm chi phí cho vận chuyển.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng cho biết: "Hiện nay, huyện đầu tư trồng thử nghiệm 6 ha cây mắc ca và đang phát triển tốt, có khả năng nhân rộng ra nhiều xã ở vùng cao. Huyện cũng khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh phát triển rừng; ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu phát triển về giống cây trồng; quy hoạch khu vực chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các làng nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn huyện nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Huyện thực hiện giao đất, giao rừng, mở rộng diện tích rừng sản xuất, rừng lấy gỗ, góp phần tăng thu nhập cho đồng bào vùng cao, có vậy mới giảm nghèo bền vững...".

Để ứng phó với biến đổi khí hậu khắc nghiệt và thực trạng khai thác gỗ trái phép, nạn phá rừng làm nương, rẫy... ảnh hưởng cuộc sống người dân và môi trường thiên nhiên, mới đây, Huyện ủy Sơn Tây đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Bảo vệ và phát triển rừng bền vững; phục sinh các nguồn nước; bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường cuộc sống cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035”. Theo đó, huyện đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc giao đất, giao rừng, gắn với chủ thể quản lý, sử dụng hợp pháp, sản xuất có hiệu quả. Thực hiện chuyển đổi ba loại rừng hợp lý, bảo đảm phục sinh các nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái và tăng thu nhập cho đồng bào các xã vùng cao. “Điều quan trọng khi chuyển đổi là phải có quy hoạch, cái nào chuyển đổi không ảnh hưởng tác động môi trường, vẫn giữ được nguồn nước thì cho chuyển đổi và khi chuyển đổi thì diện tích chuyển đổi phải thật sự phục vụ sản xuất cho người dân phát triển kinh tế. Quy hoạch khu vực được phép chuyển đổi tập trung chủ yếu ở khu vực rừng phòng hộ ít xung yếu. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ, tránh việc tạo ra các kẽ hở nhằm lợi dụng vào chủ trương của Nhà nước để phá rừng”, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Đinh Kà Để phân tích.

Trước mắt, huyện Sơn Tây tiến hành quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung là một trong những tiêu chí để tái cơ cấu ngành lâm nghiệp phát triển bền vững. Huyện triển khai đề án đầu tư trồng cây gỗ lớn lâu năm, có nguồn gốc bản địa trên các tuyến đường trong đô thị, đường liên huyện, đường tỉnh lộ ĐT 623, đường Trường Sơn Đông và đường khu vực trung tâm hành chính các xã trong huyện. Các hộ đồng bào sử dụng một phần quỹ đất rừng của mình để trồng cây gỗ lớn, cây công nghiệp dài ngày. Huyện thực hiện phân định ranh giới quản lý đất rừng và bảo vệ chặt chẽ rừng phòng hộ, rừng đã quy hoạch đưa vào diện an toàn, bảo đảm độ che phủ rừng đạt hơn 65% vào năm 2020. Giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong tranh chấp đất đai, tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn cho nhiều tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên cùng một đơn vị diện tích. Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ giữa Hạt kiểm lâm, các Ban quản lý rừng và UBND các xã trong việc thực thi pháp luật bảo vệ rừng trên địa bàn; xử lý nghiêm các vụ việc khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép, xâm phạm đất rừng phòng hộ và đề phòng cháy rừng trong mùa khô. Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng trồng thay thế trong kế hoạch đối với các chương trình, dự án thủy điện, thủy lợi và phí dịch vụ môi trường rừng, kinh phí cấp chứng chỉ rừng, bảo vệ rừng phòng hộ. Nghiên cứu khoa học, thực nghiệm mô hình trồng cây dược liệu, cây nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện sinh trưởng dưới tán rừng, từng bước hỗ trợ, chuyển giao cho các hộ dân thực hiện trên diện tích đất rừng được giao, bảo đảm rừng phát triển bền vững.

Huyện Sơn Tây đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy về bảo vệ và phát triển rừng bền vững... theo hướng nâng cao giá trị gia tăng giai đoạn 2015-2020. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào miền núi.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31184502-phat-trien-rung-ben-vung-o-huyen-mien-nui-son-tay.html