Phát triển nguồn nhân lực để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng-Bài 4: Đầu tư cho phát triển và chính sách đặc thù (Tiếp theo và hết)

Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là nhiệm vụ rất phức tạp, đòi hỏi phải có hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ, lực lượng chuyên sâu, trang bị kỹ thuật hiện đại, cùng với việc nâng cao nhận thức và sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, cả hệ thống chính trị và toàn dân. Việt Nam cần tăng cường các nguồn lực tài chính với mục tiêu dài hạn để đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực an toàn thông tin.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh mạng

Những năm gần đây, nhận thức về bảo đảm an toàn, an ninh mạng ở Việt Nam đã có những bước tiến triển đáng kể, có thể thấy qua sự hình thành hành lang pháp luật. Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và Bộ luật Hình sự năm 2015 đã hợp thành hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh về an ninh mạng, cung cấp cơ sở pháp lý giúp lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ trên không gian mạng. Cùng với đó, nhiều chính sách đào tạo, khuyến khích mở rộng, phát triển và thu hút nhân tài ngành an toàn thông tin đã được áp dụng, triển khai đồng bộ trong cả nước. Nổi bật, ngày 6-1-2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021-2025”. Trong đó có mục tiêu lựa chọn và tổ chức đào tạo 200 chuyên gia an toàn thông tin để bảo vệ các hệ thống thông tin của Đảng và Nhà nước; đưa 150 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo, bồi dưỡng cập nhật về an toàn thông tin ở nước ngoài, trong đó có tối thiểu 70 tiến sĩ; đào tạo 5.000 thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân an toàn thông tin...

Ông Nguyễn Sơn Hải, Giám đốc Công ty An ninh mạng Viettel (VCS) đánh giá, về mặt hệ thống pháp luật an ninh mạng của Việt Nam hiện nay tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, một số định nghĩa, điều, khoản trong Luật An ninh mạng vẫn chưa cụ thể, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc thực thi bảo vệ an ninh trên không gian mạng. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh mạng một cách chi tiết, cụ thể hơn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh mạng; quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ viễn thông.

Sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội nghiên cứu an toàn thông tin.

Cần cơ chế, chính sách đặc thù trong thu hút nguồn nhân lực

Để tháo gỡ khó khăn, phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo an toàn, an ninh mạng quốc gia yêu cầu xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt trong thu hút nguồn lực, cơ sở vật chất, hạ tầng và đẩy mạnh hợp tác công-tư. Nghiên cứu, đề xuất thí điểm một số chế độ ưu đãi và chế độ đặc thù đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, nhân sự làm về an toàn thông tin mạng.

Từ góc độ đơn vị thu hút được nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao, Đại tá Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đề xuất, Nhà nước cần có chính sách đặc thù đối với đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng, bởi thực tế hiện nay đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực này rất trẻ tuổi, có những bạn còn chưa tốt nghiệp đại học, thậm chí không có bằng đại học. Do đó, để có thể thu hút, kêu gọi đội ngũ này cống hiến cho nước nhà cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, đặc thù. “Nếu không xây dựng được chính sách đủ mạnh, sẽ dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám”, bởi hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng trả lương cao kèm chế độ đãi ngộ tốt để mời các nhân tài về làm việc”, Đại tá Tào Đức Thắng nói.

Đầu tư cho an ninh mạng là đầu tư cho phát triển bền vững

Hiện nay, nhiều tổ chức chưa nhận định đúng về vai trò của an toàn, an ninh mạng, vẫn xác định đây là một loại chi phí, do đó chưa đầu tư tương xứng cho an toàn, an ninh mạng. Ông Trần Đăng Khoa, Phó cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu quan điểm: “Việc đầu tư cho an toàn, an ninh mạng cần xác định là đầu tư cho phát triển bền vững và tạo ra giá trị”.

Có cùng quan điểm, TS Trần Giang Sơn, đồng Trưởng khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho rằng, Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho các trường đại học có chương trình đào tạo liên quan đến an ninh mạng, cung cấp các thiết bị, phần mềm và tài liệu học tập hiện đại, tiên tiến và chất lượng. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước hợp tác với các cơ sở giáo dục để tạo ra các cơ hội thực tập, việc làm và hỗ trợ học bổng cho sinh viên có năng khiếu và đam mê với an ninh mạng. Tổ chức các cuộc thi, hội thảo, hội nghị về an ninh mạng để tạo sân chơi cho các nhà nghiên cứu, chuyên gia và sinh viên trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức và kỹ năng mới nhất trong lĩnh vực này. Xây dựng và duy trì một hệ thống chứng chỉ quốc gia về an ninh mạng, bảo đảm tính chuẩn mực, minh bạch và công nhận quốc tế, giúp nguồn nhân lực an ninh mạng Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác.

Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam kiến nghị, các cơ quan, doanh nghiệp cần tạo môi trường làm việc thuận lợi, khuyến khích sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng trao quyền cho những người trẻ tuổi có năng lực để họ muốn ở lại cống hiến, thậm chí những nhân viên này còn giới thiệu bạn bè của họ trong cùng lĩnh vực về làm việc. Ngoài ra, các cơ quan, doanh nghiệp cũng cần chú trọng việc đào tạo đội ngũ nhân viên an ninh mạng định kỳ, ở tất cả cấp độ của tổ chức và phải cụ thể cho từng vị trí công việc bởi an ninh mạng là cuộc đua không dừng, đội ngũ an toàn thông tin phải luôn học hỏi, cập nhật, dự đoán những xu hướng công nghệ mới, cách thức tấn công mạng mới. Đặc biệt, cần mở rộng thị trường lao động ngành an ninh mạng, tạo thêm nhiều vị trí công việc và mức lương, thưởng hấp dẫn, từ đó sẽ tạo được sức hút đối với các bạn trẻ theo học ngành này.

Về vấn đề đầu tư, PGS, TS Nguyễn Linh Giang, Trưởng khoa Kỹ thuật máy tính, Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, an ninh mạng là lĩnh vực đặc thù cần nhiều về công nghệ, kỹ thuật, do đó rất cần phải có đầu tư của Nhà nước. Nếu Nhà nước không đầu tư thì cơ sở đào tạo khó còn nguồn tài chính để bảo đảm cho vấn đề này.

Cũng chung quan điểm, sinh viên Đinh Thái Sơn, Khoa Kỹ thuật máy tính, Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội-một trong những thành viên vừa mang về cho Việt Nam giải Nhì cuộc thi Cyber SEA Games 2023-cuộc thi kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin mạng dành cho đối tượng trẻ của ASEAN cho rằng, bên cạnh việc tăng cường, mở rộng các cơ sở đào tạo chuyên ngành an toàn thông tin, Nhà nước cần tăng cường đầu tư trang thiết bị chuyên dụng trong đào tạo lĩnh vực an ninh mạng. Ví dụ như đầu tư phòng lab, phòng ảo để cho sinh viên học tập; có kế hoạch mời các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế về giảng dạy. Cùng với đó, các trường cần gửi sinh viên tham gia thực tập tại các doanh nghiệp, tổ chức từ sớm. Điều này cũng giúp rút ngắn quá trình đào tạo và cung cấp nhân sự có chất lượng tốt trong thị trường.

Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp để hướng tới phát triển bền vững nguồn nhân lực bảo vệ an toàn không gian mạng Việt Nam, như: Đào tạo chuyên gia an toàn thông tin cho từng địa phương; tổ chức sát hạch, đánh giá năng lực nhân sự an toàn thông tin theo chuẩn kỹ năng. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ tiếp tục hướng dẫn các cơ quan nhà nước tổ chức diễn tập trên hệ thống thật tối thiểu 1 lần/năm để qua đó nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin, ứng phó sự cố của đội ngũ nhân sự làm an toàn thông tin.

Nhiệm vụ bảo vệ an toàn, an ninh mạng cho Đảng, Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong điều kiện, bối cảnh hiện nay. Với những chiến lược mang tầm quốc gia, chính sách nhất quán, đồng bộ, Việt Nam có cơ sở để tự tin sẽ không lo thiếu nguồn nhân lực về an toàn thông tin và hoàn thành khát vọng chuyển đổi số quốc gia an toàn, bền vững.

QUANG PHƯƠNG - LA DUY - VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-nguon-nhan-luc-de-bao-ve-chu-quyen-quoc-gia-tren-khong-gian-mang-bai-4-dau-tu-cho-phat-trien-va-chinh-sach-dac-thu-tiep-theo-va-het-758419