Phát triển du lịch gắn với quảng bá sản phẩm OCOP

Không phủ nhận một kết quả rằng, lượng khách du lịch đến với Thanh Hóa ngày càng tăng qua từng năm; song cũng không thể không nhấn mạnh một thực tế đó là, mức chi tiêu của du khách tại Thanh Hóa so với nhiều tỉnh/thành khác trong nước là rất khiêm tốn. Trong khi, du lịch thực chất là hoạt động bỏ tiền mua dịch vụ để thỏa mãn các nhu cầu nghỉ ngơi, thăm thú, chăm sóc sức khỏe, mua sắm... Chính vì lẽ đó, nếu du khách không thể 'trút hầu bao' cho chuyến đi, thì đó là sự thiệt thòi, thậm chí là thiệt hại của ngành du lịch.

Du khách đến tham quan Thành Nhà Hồ sẽ được giới thiệu, mua sắm nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là các sản vật đặc trưng của vùng đất Tây Đô.

Du khách đến tham quan Thành Nhà Hồ sẽ được giới thiệu, mua sắm nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là các sản vật đặc trưng của vùng đất Tây Đô.Một trong những hạn chế đã và đang trở thành trăn trở của ngành du lịch là chất lượng các sản phẩm du lịch, hay đúng hơn là sự nghèo nàn, đơn điệu của sản phẩm không thể giữ chân du khách nán lại điểm đến ấy lâu hơn. Để tìm giải pháp tháo gỡ cho nan đề này, việc đa dạng các sản phẩm lưu niệm, các đặc sản vùng miền và đưa vào các điểm tham quan, nghỉ dưỡng đã được tỉnh Thanh Hóa tính đến. Và thực tế, việc này đã và đang được triển khai khá tốt ở một số khu, điểm du lịch, trong đó, có Thành Nhà Hồ. Trao đổi với ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, được biết, hiện trung tâm đã có 5 gian hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa nói chung, huyện Vĩnh Lộc nói riêng. Bên cạnh sản vật nổi tiếng của các địa phương, vùng miền trong tỉnh, nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng của vùng đất Tây Đô như sâm báo Tiến Vua, rau má, chè lam Phủ Quảng, kẹo lạc, bánh lá răng bừa, nem dê nướng,... đã có mặt tại các gian hàng của trung tâm. Với mẫu mã đa dạng, nhiều sản phẩm có hình thức bắt mắt và chất lượng được bảo đảm, các sản phẩm này đã và đang thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách khi đến tham quan di sản. Qua đó, góp phần quảng bá du lịch, đưa hình ảnh vùng đất và con người Tây Đô đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Với nhiều tiềm năng, lợi thế để trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị cao, Thanh Hóa đã xác định phát triển nông nghiệp trở thành một trong những chương trình trọng tâm của tỉnh. Do đó, nhiều chương trình, đề án, cơ chế, chính sách đã và đang được triển khai để thúc đẩy nông nghiệp, tạo ra nhiều thành quả hết sức khả quan, mà một trong số đó là các sản phẩm OCOP. Tính đến cuối năm 2022, Thanh Hóa đã có 292 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (gồm 1 sản phẩm 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao và 235 sản phẩm 3 sao). Trong đó, nhiều sản phẩm OCOP đã được đưa vào giới thiệu tại các siêu thị, khách sạn và một số sự kiện văn hóa, du lịch lớn của tỉnh như khai trương du lịch Sầm Sơn... Nhờ đó, sản phẩm OCOP đã và đang được quảng bá, giới thiệu đến đông đảo du khách. Đặc biệt, một số sản phẩm như mắm tôm, mắm tép Lê Gia (Hoằng Hóa); đồ thủ công mỹ nghệ và sản phẩm từ cói (Nga Sơn); dứa đóng hộp, ngô ngọt đóng hộp (Nông Cống)... đang được xuất khẩu đi nhiều thị trường trong nước và thế giới. Để phát triển Chương trình OCOP, tỉnh ta đang chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm; xây dựng chỉ dẫn địa lý cho đặc sản xứ Thanh; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại và phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP...

Có thể nói, những thành quả và định hướng phát triển sản phẩm OCOP đang trở thành một lợi thế lớn để ngành du lịch khai thác. Đó là tạo ra các sản phẩm lưu niệm, quà tặng thôi thúc du khách chi tiêu nhiều hơn khi đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm tại Thanh Hóa. Đáng nói hơn, bên cạnh giá trị về mặt kinh tế, nhiều sản phẩm OCOP còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn các làng nghề truyền thống... Đây cũng là cơ sở để thúc đẩy sự phát triển của các loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề - một xu hướng đang nhận được nhiều sự quan tâm của du khách hiện nay. Ngược lại, du lịch cũng chính là một kênh quảng bá, giới thiệu hết sức hữu hiệu dành cho các sản phẩm OCOP Thanh Hóa. Qua du lịch và khách du lịch, các sản phẩm này sẽ tỏa đi nhiều nơi, thậm chí trở thành một điều thôi thúc du khách nán lại và quay lại Thanh Hóa nhiều hơn.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/phat-trien-du-lich-gan-voi-quang-ba-san-pham-ocop/179185.htm