Nhật ký liệt sĩ Nguyễn Quang Số - Những trang viết truyền lửa

Ngoài tờ giấy báo tử ghi 'liệt sĩ Nguyễn Quang Số hy sinh ở mặt trận phía Nam', suốt hơn nửa thế kỷ qua gia đình không lưu giữ được kỷ vật nào về ông. Thời gian đằng đẵng trôi, bỗng một ngày, bà Hoa- con gái liệt sĩ Nguyễn Quang Số nhận được cuộc điện thoại từ con trai thông tin về cuốn nhật ký của ông ngoại. Bà Hoa run rẩy mở từng hình ảnh cuốn nhật ký được gửi qua ứng dụng mạng xã hội. Mắt bà nhòa đi... Sau hơn 55 năm kể từ ngày cha hy sinh, bà mới biết được tình yêu, niềm mong ước của cha thông qua những tấm ảnh sao chụp. Với bà và gia đình, đó là kỷ vật quý báu...

* Bài 1: Kỷ vật quý báu từ chiến trường

Chân dung liệt sĩ Nguyễn Quang Số (bức ảnh duy nhất gia đình lưu giữ lại).

Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang

Những ngày tháng 4 lịch sử, căn nhà bà Nguyễn Thị Hoa (1965, trú tại thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương, Nghệ An) bỗng rộn rã hơn hẳn. Nhiều người đến hỏi thăm, chia sẻ với gia đình khi nghe tin bà đã tìm được cuốn nhật ký của người cha là liệt sĩ Nguyễn Quang Số để lại. Lúi húi đánh máy lại cuốn nhật ký để lưu lại sau này in thành sách, hai mắt bà Hoa đỏ hoe, nước mắt chực trào không ngăn được dòng cảm xúc.

Theo lời bà Hoa kể thì liệt sĩ Nguyễn Quang Số (sinh năm 1941, hồ sơ vào bộ đội ghi năm 1944, quê xã Thanh Lam, huyện Thanh Chương), hy sinh khi bà còn quá nhỏ. Tuổi thơ của bà Hoa là những tháng ngày thiếu thốn, gian khổ, trống vắng khi nhìn đám bạn có đầy đủ bố mẹ còn mình thì không. “Qua lời kể của mẹ và bức ảnh duy nhất được gia đình lưu giữ thì ba tôi là người đàn ông có khuôn mặt điển trai, nghệ sĩ, sâu sắc và sống rất tình cảm. Đặc biệt, ông học rất giỏi. Ý nguyện của ông là khi hòa bình lập lại sẽ trở về làm thầy giáo với mong muốn truyền dạy kiến thức về lịch sử nước nhà cho thế hệ trẻ. Thế nhưng, chiến tranh ác liệt và rồi ba tôi đã anh dũng hi sinh…” – bà Hoa nghẹn ngào.

Trang bìa cuốn nhật ký liệt sĩ Nguyễn Quang Số ghi địa chỉ người nhận là em trai Nguyễn Quang Đồng.

Còn theo lời bà Nguyễn Thị Lục (vợ liệt sĩ Nguyễn Quang Số) thì hai người cùng tuổi, cùng quê. Sau một thời gian tìm hiểu, tròn 20 tuổi, hai người nên duyên vợ chồng. Sau khi nhập ngũ, ông Số được điều ra Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) học ở trường quân sự. Bà Lục khăn gói theo chồng, xin vào một xí nghiệp gạch ngói gần đó để được gần chồng. Hai người kịp có với nhau một người con gái duy nhất và được ông Số đặt tên là Nguyễn Thị Hoa với ý nghĩa là bông hoa kết tinh cho tình yêu của hai người.

Cuối tháng 10-1967, ông Số được lệnh hành quân vào Nam chiến đấu. Đây cũng là lần cuối cùng bà Lục được gặp chồng mình. “Thời điểm đó, Hoa mới hơn 1 tuổi. Suốt những năm tháng chiến đấu, ông Số chỉ gửi về vỏn vẹn 1 lá thư ghi vội ít dòng, thông báo đang trên đường hành quân qua Tây Nguyên. Ông ấy đi đánh Mỹ, nhưng làm nhiệm vụ gì, ở đâu thì tôi cũng không rõ. Năm 1971, tôi nhận giấy báo tử của chồng, ghi đơn vị NB, cấp bậc Trung đội trưởng. Theo giấy báo tử, thì ông ấy hy sinh ở Mặt trận phía Nam vào ngày 26-2-1969. Hiện lá thư duy nhất ông gửi về gia đình cũng không còn nữa” – bà Lục nhớ lại.

Bản chụp cuốn nhật ký từ bên kia bán cầu

Năm 1973, hai mẹ con bà Lục rời mảnh đất Vĩnh Phú trở về quê hương sinh sống. Rồi bà Lục tái giá, có gia đình riêng và sinh được 3 người con: 2 gái, 1 trai. Học hết cấp 3, bà Hoa đi làm ở một xí nghiệp rồi lấy chồng. Sau khi xí nghiệp giải thể, bà Hoa mở một hàng quán nho nhỏ ở thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương buôn bán.

Suốt hơn nửa thế kỷ trôi qua, sự thiếu thốn, niềm mong nhớ cha vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí bà Hoa. Gia đình cũng đã nhờ đến các mối quan hệ thân quen để tìm manh mối về liệt sĩ Nguyễn Quang Số nhưng thông tin vỏn vẹn chỉ là một cái tên Nguyễn Quang Số cùng với quê quán ghi trên bảng vàng ở Quân Khu 9. Manh mối về mộ phần liệt sĩ Số là con số 0. Bởi vậy, cuốn nhật ký của người cha kính yêu, dù chỉ là những tấm ảnh sao chụp đột ngột đến tay bà Hoa là món quà vô giá mà bà chưa từng nghĩ đến.

“Đó là đêm 25-3, người con trai đầu của tôi đang làm việc ở TP HCM gọi điện về thông báo “hình như có thông tin về cuốn nhật ký của ông ngoại”. Thông tin mỏng manh nửa ngờ, nửa thật khiến trống ngực tôi đập liên hồi. Khi mở bức ảnh chụp bìa của cuốn nhật ký được khắc dòng chữ rất đẹp kèm chữ ký “Nhật ký chiến tranh, tập 1, Thanh Chương. Gửi cho em tôi: Nguyễn Quang Đồng, thôn Nha Giáp, xã Thanh Lam, huyện Thanh Chương". Tôi òa lên. Đúng là tên chú Đồng (em trai ba Số) rồi!” – bà Hoa nhớ lại.

Xác định đúng đó là cuốn nhật ký của cha mình, bà Hoa hỏi dồn con thì được biết, hình ảnh cuốn nhật ký này đươc đăng trên trang cá nhân của anh Lê Tiến Dũng (trú TP Vinh)- Hội viên Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.

Cuốn nhật ký đã được thành viên Hội viên Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trao tận tay mẹ con bà Nguyễn Thị Lục.

Trước đó, có một người trong nhóm này tìm thấy những bản chụp về cuốn nhật ký trong kho tư liệu đồ sộ về chiến tranh Việt Nam được lưu trữ trên website của Đại học Kỹ thuật Texas, Hoa Kỳ (Mỹ). Người này đã đăng lên trang web “kyvatkhangchien.com” với nội dung: “Sáng 26-2-1969, bộ đội đặc công Việt Nam tấn công góc Tây Bắc căn cứ Củ Chi (Đồng Dù), là căn cứ của Sư đoàn 25 Mỹ trú đóng. Sau trận đánh, tại một khu hầm ngầm ở phía Đông Nam căn cứ Đồng Dù, quân Mỹ thu giữ một số giấy tờ thể hiện phiên hiệu Tiểu đoàn 3 đặc công Miền. Cụ thể: Một sổ ghi chép, thời gian ghi từ 30-12-1967 đến 7-10-1968 của đồng chí Nguyễn Quang Số, quản lý đơn vị D3 B16 Đoàn 129 (tức Tiểu đoàn 3 Phòng đặc công Miền)”. Những thông tin sau đó được anh Dũng xác minh từ cán bộ chính sách và đã đăng trên trang cá nhân của mình. Mới đây, cuốn nhật ký đã được anh Dũng in và trao tận tay bà Nguyễn Thị Hoa cùng mẹ ruột của mình.

Sau nhiều năm thông tin về liệt sĩ Nguyễn Quang Số dường như “bặt vô âm tín”, sự trở về của cuốn nhật ký đã vơi bớt phần nào niềm thương nhớ người thân của gia đình bà Hoa. Đây cũng là tia hy vọng thắp để gia đình sớm tìm thấy phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Quang Số.

Dương Hóa (còn nữa)

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nhat-ky-liet-si-nguyen-quang-so-nhung-trang-viet-truyen-lua-post294346.html