Phát triển đô thị dọc quốc lộ 3

Quốc lộ 3 là trục xương sống quan trọng kết nối ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng. Để phát triển kinh tế, xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, cải thiện đời sống nhân dân, những năm gần đây, cả ba tỉnh đều chú trọng phát triển đô thị nhằm sắp xếp lại dân cư, phát triển xã hội theo hướng văn minh, trong đó ưu tiên bố trí dọc theo hành lang quốc lộ 3.

Thi công cầu Đội Kỳ bắc qua sông Cầu, thành phố Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn).

Thi công cầu Đội Kỳ bắc qua sông Cầu, thành phố Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn).

Ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng có 36 đô thị, từ loại I đến loại V, nhưng chất lượng đô thị còn nhiều bất cập. Các địa phương đang tập trung rà soát, nghiên cứu các phương án, giải pháp để mở rộng, phát triển và nâng cao chất lượng đô thị.

Mở rộng đô thị

Trước năm 2010, tỉnh miền núi Bắc Kạn chưa có đô thị nào đạt tiêu chuẩn loại III. Sau nhiều năm kiên trì xây dựng, thị xã Bắc Kạn đã trở thành thành phố loại III, đang chuẩn bị đạt các tiêu chí của đô thị loại II, năm 2021 được Hiệp hội Đô thị toàn quốc công nhận là đô thị xanh, sạch, đẹp. Xác định phát triển đô thị là động lực lan tỏa phát triển kinh tế, xã hội vùng, hiện nay tỉnh đang tập trung nhiều nguồn lực để mở rộng, đầu tư kết cấu hạ tầng thành phố Bắc Kạn với hàng chục dự án. Những ngày này, các nhà thầu thi công đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng thực hiện dự án cầu Đội Kỳ bắc qua sông Cầu. Đây là dự án trọng điểm của thành phố, tổng mức đầu tư hơn 90 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ tạo điểm nhấn về mỹ thuật, là động lực thúc đẩy phát triển khu đô thị Bắc Sông Cầu và khu du lịch hồ Nặm Cắt. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Bắc Kạn Võ Quốc Toàn cho biết, khu vực Bắc Sông Cầu đã được quy hoạch phát triển đô thị, nhưng điểm nghẽn là chưa có giao thông đồng bộ, kết nối trung tâm thành phố, vì thế dự án cầu Đội Kỳ sẽ giải quyết cơ bản vấn đề này. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), đến nay thành phố Bắc Kạn đã xây dựng 12 hạng mục thuộc Chương trình đô thị miền núi phía bắc; thu hút đầu tư một số khu dân cư, trung tâm thương mại, góp phần hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ.

Từ năm 2019 đến nay, Cao Bằng cũng thu hút được chín dự án đầu tư đô thị trên diện tích hơn 130 ha, tổng vốn 4.700 tỷ đồng. Cao Bằng tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư vào 12 dự án phát triển đô thị với kỳ vọng tiếp tục “làm mới” bộ mặt đô thị theo hướng bản sắc, hiện đại và văn minh. Giám đốc Sở Xây dựng Cao Bằng Đoàn Quốc Chính cho biết: “Cao Bằng đã bắt đầu đón mùa “quả ngọt” thu hút đầu tư phát triển đô thị, từ đó, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai tăng thu ngân sách, phát triển đô thị theo hướng bản sắc, văn minh, hiện đại, đồng thời nâng cao chất lượng không gian sống cho người dân”. Đô thị phát triển đã tạo ra nguồn thu lớn từ nguồn lực đất đai để đầu tư phát triển kinh tế, xã hội. Khu đô thị 7A, đang triển khai tại phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng có tổng mức đầu tư hơn 430 tỷ đồng, ngân sách thu về được gần 100 tỷ đồng từ tiền sử dụng đất, thuê đất để tiếp tục tái đầu tư cho những vùng, khu vực còn khó khăn. Năm 2021, nguồn thu từ đất đai của Thái Nguyên đạt hơn 5.000 tỷ đồng, đóng góp gần 30% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Nguồn thu từ cấp quyền sử dụng đất của Bắc Kạn năm qua đạt hơn 118 tỷ đồng, chiếm hơn 14% tổng thu ngân sách. Không gian đô thị được mở rộng, cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Sau nhiều năm phát triển đô thị, thu hút đầu tư, đến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên đạt gần 30 tỷ USD thì thành phố Phổ Yên đóng góp 97%, thu ngân sách đạt 7.000 tỷ đồng, bằng khoảng 40% tổng thu của tỉnh. Vốn là huyện thuần nông, nhờ phát triển bứt phá, năm 2015, Phổ Yên trở thành thị xã, chỉ tám năm sau (tháng 2/2022), Phổ Yên đã đáp ứng các tiêu chí trở thành thành phố. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Phổ Yên Bùi Văn Lương chia sẻ: “Có được bước chuyển mình mang tính bứt phá này, trước hết là Đảng, Nhà nước và tỉnh đã quan tâm đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm. Phổ Yên đã phát huy tinh thần dân chủ, đổi mới, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế và phát triển đô thị; dựa vào lợi thế sát các trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang để thu hút đầu tư”. Xác định đầu tư từ ngân sách cho phát triển đô thị là vốn mồi để thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, thành phố Phổ Yên thu hút khoảng 50 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách và ngoài ngân sách đầu tư phát triển đô thị và các ngành sản xuất.

Nâng cao chất lượng

Gần các trung tâm công nghiệp, dịch vụ, kinh tế phát triển nhanh, Thái Nguyên tỏ ra thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư phát triển đô thị; đối với Bắc Kạn và Cao Bằng, khó khăn lớn nhất là nguồn vốn ngân sách eo hẹp, thu hút đầu tư phát triển đô thị còn hạn chế. Nhưng cũng do hệ thống giao thông kết nối chưa đáp ứng yêu cầu, cho nên thành phố Thái Nguyên chưa phát huy được vai trò là đô thị vùng, chưa lan tỏa đối với các tỉnh lân cận. Hiện tại, quốc lộ 3 được ví như “động mạch chủ” trong mạch máu giao thông liên kết của ba tỉnh nhưng quy mô khá nhỏ hẹp, qua thời gian dài khai thác đã xuống cấp, là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư phát triển đô thị của Bắc Kạn và Cao Bằng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn Đinh Quang Tuyên cho biết, định hướng của tỉnh là phát triển thêm các đô thị gắn với du lịch ở các địa phương có tiềm năng, muốn vậy cần phải cải thiện mạng lưới giao thông. Tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng chín đô thị; phấn đấu nâng thành phố Bắc Kạn lên đô thị loại II, hai thị trấn Chợ Rã (huyện Ba Bể) và Đồng Tâm (huyện Chợ Mới) lên đô thị loại IV. Năm 2022, tỉnh quyết định đầu tư cho mỗi huyện hơn 100 tỷ đồng mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông nội thị các thị trấn. Từ năm 2022, thành phố Bắc Kạn tiếp tục triển khai dự án Phát triển đô thị và tăng cường sức chống chịu với biến đổi khí hậu, do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ, vốn đầu tư dự kiến khoảng 30 triệu euro. Bắc Kạn đã kiến nghị Trung ương ủng hộ chủ trương đầu tư và xem xét bố trí nguồn vốn ODA, ngân sách trung ương và các nguồn vốn khác để đầu tư đoạn tuyến tốc độ cao từ Chợ Mới lên Bắc Kạn, từ thành phố Bắc Kạn đến thành phố Cao Bằng với quy mô bốn làn xe để kết nối, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, đô thị. Bên cạnh mở rộng quy mô, việc nâng cao chất lượng đô thị, tạo không gian sống văn minh, hiện đại, tiện ích đang là đòi hỏi bức thiết đối với các tỉnh miền núi. Giai đoạn 2020-2025, tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị khu vực phía nam tỉnh gồm thành phố Sông Công, thành phố Phổ Yên và huyện Phú Bình, trọng tâm là Phổ Yên để phát huy vai trò đô thị vùng. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho biết: “Tỉnh chú trọng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng, dịch vụ, coi là “đầu kéo”, động lực để phát triển đô thị, vừa tạo nguồn lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, vừa xây dựng xã hội theo hướng văn minh. Đến năm 2025, các đô thị hiện hữu sẽ không ngừng mở rộng và sẽ có thêm sáu đô thị mới”.

Việc mở rộng đô thị, nhất là thực hiện các dự án khu đô thị ở ba tỉnh nêu trên đang gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, vị trí đổ thải. Giám đốc Công ty Thương mại Xuân Hòa Trương Xuân Hòa, chủ đầu tư dự án phát triển đô thị số 8A (thành phố Cao Bằng) chia sẻ, dự án đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng vẫn đang loay hoay tìm chỗ đổ thải trong quá trình thực hiện dự án do vị trí đổ thải thay đổi trong khi vẫn phải chờ giải phóng mặt bằng diện tích còn lại. Chất lượng đô thị hiện nay cũng còn nhiều bất cập, do hạ tầng thiếu đồng bộ, xuống cấp, tỷ lệ thu gom rác thải chưa cao, mật độ cây xanh còn thấp. Vì thế, trong thời gian tới, bên cạnh việc đầu tư cải thiện hệ thống hạ tầng, ngay từ khi đầu tư các khu đô thị, khu dân cư, ba tỉnh cần quản lý tốt về quy hoạch, tránh điều chỉnh theo hướng thu hẹp tỷ lệ cây xanh, đường giao thông và không gian công cộng. Đồng thời, có giải pháp giám sát chặt chẽ chất lượng hạ tầng, kể cả hạ tầng điện, nước, viễn thông; quản lý tốt thời gian thực hiện dự án khu dân cư, khu đô thị, tránh tình trạng có những dự án kéo dài hàng chục năm không giải phóng xong mặt bằng, chưa đầu tư hoàn thiện hạ tầng, gây bức xúc trong nhân dân.

Bài và ảnh: BÌNH SƠN TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/phat-trien-do-thi-doc-quoc-lo-3-685953/