Phát huy vai trò ban giám sát đầu tư của cộng đồng

Các dự án đầu tư nói chung và dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở sử dụng ngân sách Nhà nước nói riêng trong quá trình thực hiện thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai phạm, tham nhũng, tiêu cực. Do đó, tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện các dự án này từ phía Nhà nước và xã hội, trong đó có ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) là điều kiện quan trọng bảo đảm cho các dự án được triển khai có hiệu quả, đúng mục đích, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tri Phương (Trùng Khánh) Đàm Đình Tuấn chia sẻ: Từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóm Đồng Biên, xã Tri Phương được đầu tư xây dựng công trình đường Lũng Nặm Dưới - Rằng Kheo có trục chính dài 714 m và đường nhánh dài 311 m với tổng mức đầu tư 1,8 tỷ đồng. Nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo tính công khai, minh bạch và nâng cao chất lượng công trình, ban GSĐTCCĐđối với công trình được thành lập gồm 5 thành viên, trong đó Trưởng Ban GSĐTCCĐ là Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm, 2 thành viên là người dân xóm Đồng Biên. Ban GSĐTCCĐ thực hiện nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra công trình phù hợp với quyết định đầu tư; chỉ giới đất đai và sử dụng đất, những việc xâm hại đến lợi ích cộng đồng; theo dõi, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, các chủng loại vật tư. Qua giám sát, đến nay chưa phát hiện sai sót.

Thi công công trình đường ở xã Quang Vinh (Trùng Khánh) với sự tham gia, giám sát của người dân.

Năm 2023, toàn tỉnh có 663 dự án đầu tư trên địa bàn, trong đó có 289 dự án sử dụng vốn và công sức cộng đồng, vốn ngân sách cấp xã, vốn tài trợ trực tiếp cho xã; 199 dự án đầu tư công, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công và dự án đầu tư theo hình thức PPP; 175 dự án sử dụng vốn khác. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã (theo báo cáo chưa đầy đủ của các huyện) trên địa bàn toàn tỉnh thành lập 333 ban GSĐTCCĐ đối với các công trình, dự án với 1.824 thành viên. Trong đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chỉ đạo điểm, thành lập 8 ban GSĐTCCĐ đối với 8 công trình, dự án với tổng số 42 thành viên tại các xã: Hoa Thám, Thể Dục (Nguyên Bình), Thanh Long, Nội Thôn (Hà Quảng), Quang Vinh, Tri Phương (Trùng Khánh) đối với các công trình, dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Nhằm tăng cường năng lực của các thành viên ban GSĐTCCĐ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức 11 hội nghị tập huấn cho trên 600 lượt cán bộ, công chức MTTQ, thành viên ban GSĐTCCĐ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tổ chức 8 hội nghị ở khu dân cư với trên 500 đại biểu tham dự; lồng ghép với các lớp bồi dưỡng cán bộ MTTQ tổ chức 3 lớp với gần 200 đại biểu tham dự. Công tác kiểm tra được chú trọng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh thành lập đoàn kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ GSĐTCCĐ tại 10/10 huyện, Thành phố và một số đơn vị cấp xã trên địa bàn, công tác kiểm tra được thực hiện lồng ghép với kiểm tra công tác Mặt trận, kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội MTTQ các cấp.

Ban GSĐTCCĐ, Ban Thanh tra nhân dân thực hiện nhiệm vụ GSĐTCCĐ giám sát đối với 486 công trình, dự án, trong đó, 239 dự án sử dụng vốn và công sức cộng đồng, vốn ngân sách cấp xã, vốn tài trợ trực tiếp cho xã; 105 dự án đầu tư công, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công và dự án đầu tư theo hình thức PPP; 4 dự án sử dụng vốn khác. Công tác giám sát tập trung vào các nội dung thuộc phạm vi, thẩm quyền giám sát như: Kiểm tra sự phù hợp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch liên quan khác, kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch đầu tư trên địa bàn xã; theo dõi, kiểm tra chủ đầu tư chấp hành các quy định về chỉ giới đất, sử dụng đất; quy hoạch mặt bằng chi tiết; phương án kiến trúc, xây dựng; xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; tiến độ, kế hoạch đầu tư; phát hiện việc làm xâm hại đến lợi ích cộng đồng; tác động tiêu cực của dự án đến môi trường; phát hiện những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của dự án… Qua giám sát không phát hiện vi phạm trong đầu tư công.

Tuy nhiên, quá trình hoạt động của ban GSĐTCCĐ còn gặp một số khó khăn, do nội dung GSĐTCCĐ được quy định bởi nhiều văn bản liên quan như: Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở... và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, trong khi đa số thành viên ban giám sát được bầu từ các xóm, tổ dân phố còn hạn chế về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm nên việc giám sát chủ yếu bằng kinh nghiệm, dẫn đến hiệu quả giám sát chưa cao. Việc thực hiện giám sát đối với công trình được triển khai phải thành lập theo các chương trình, dự án, số lượng thành viên ban GSĐTCCĐ cần thành lập lớn nên ở cơ sở gặp nhiều khó khăn trong việc thành lập, nhất là quy trình họp nhân dân để bầu ở khu dân cư. Ủy ban MTTQ các xã, phường, thị trấn không được cấp kinh phí cho công tác chỉ đạo, hoạt động ban GSĐTCCĐ, vì vậy MTTQ ở cơ sơ gặp nhiều khó khăn trong triển khai và tiến hành hoạt động giám sát.

Để hoạt động của ban GSĐTCCĐ được thuận lợi và phát huy hiệu quả giám sát, ngành chức năng cần nghiên cứu và quy định rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư, các đơn vị thi công và cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm cung cấp kịp thời các văn bản, hồ sơ cần thiết (dự toán, kế hoạch, tiến độ...) của dự án thi công trên địa bàn cho ban thanh tra nhân dân, ban GSĐTCCĐ. Có như vậy mới nâng cao được trách nhiệm của các chủ đầu tư đối với việc phối hợp để ban thanh tra nhân dân, ban GSĐTCCĐ thực hiện nhiệm vụ.

Dạ Đăng

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/phat-huy-vai-tro-ban-giam-sat-dau-tu-cua-cong-dong-3168870.html