Phát huy 'sức mạnh mềm' xây dựng đô thị Ninh Bình trở thành đô thị Cố đô - Di sản

Ninh Bình là địa danh rất đặc biệt với sự phân bố đậm đặc các di sản văn hóa truyền thống lâu đời. Ngay cả danh xưng Ninh Bình (nghĩa là bình yên và vững chãi) đã có lịch sử hơn 200 năm.

Đặc biệt, từ năm 2014, sau khi Tràng An được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, tỉnh đã định hướng chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng từ nâu sang xanh, hướng tới một đô thị di sản; quyết tâm lấy giá trị di sản, giá trị truyền thống, giá trị con người vùng đất Hoa Lư là cốt lõi, là động lực cho sự phát triển.

Tràng An vào hội.

Điều này không chỉ tạo dựng hình ảnh riêng cho Ninh Bình mà còn đóng góp vào uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là trong UNESCO. Tôi đánh giá rất cao việc Ninh Bình lựa chọn hướng đi rất riêng cho mình đó là gắn phát triển đô thị di sản với đô thị thông minh, điều này chắc chắn sẽ tạo nên sự phát triển xanh và bền vững trong tương lai.

Ninh Bình là mảnh đất của di sản, đặc biệt, trong đó có lễ hội truyền thống là những di sản văn hóa vô cùng quan trọng, nó thể hiện rất rõ bản sắc của mỗi địa phương. Thông qua lễ hội, các giá trị truyền thống tiếp tục được bồi đắp trong cộng đồng và phát huy trong đời sống đương đại. Đây cũng là một hoạt động để thu hút khách du lịch.

Thời gian qua, Ninh Bình đã làm rất tốt việc phát huy vai trò của chủ thể cộng đồng địa phương trong duy trì, phát triển các lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, để xây dựng thành một nền công nghiệp văn hóa thì chưa phải là mạnh. Vì vậy, Ninh Bình cần quan tâm hơn đến triển khai mô hình "4 nhà" bao gồm Nhà nước có vai trò là quản lý; nhà thiết kế sáng tạo, tạo ra những sản phẩm dịch vụ du lịch cụ thể; doanh nghiệp đầu tư tài chính, cơ sở vật chất phục vụ du lịch, thực thi các chính sách phát triển của Nhà nước và người dân với vai trò là chủ thể tham gia sâu hơn vào quá trình giữ gìn, bảo tồn các giá trị truyền thống trong lễ hội.

Lễ hội Đền Thái Vi.

Ninh Bình là địa phương có nguồn lực văn hóa phong phú và đa dạng trong các hình thức biểu đạt, thể hiện ở nguồn lực con người, nguồn tài nguyên văn hóa và nguồn tài nguyên văn hóa đã được thể chế hóa bằng các danh hiệu như di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, bảo vật quốc gia...

Theo tôi, có một số giải pháp để Ninh Bình tận dụng, phát huy tốt nguồn lực văn hóa cho sự phát triển của địa phương.

Thứ nhất phải có những chính sách cụ thể để hiện thực hóa chủ trương phát triển, trở thành trung tâm du lịch của đất nước, của khu vực Đông Nam Á; quan tâm tháo gỡ khó khăn, thách thức, hóa giải những mâu thuẫn, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn di sản với phát triển, tăng trưởng kinh tế mà vẫn đảm bảo về vấn đề môi trường.

Tuần Du lịch Ninh Bình 2023 - Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An.

Thứ hai là phải quan tâm đến nguồn nhân lực, ở đây tôi muốn nói đến cả nguồn nhân lực lãnh đạo quản lý, nguồn nhân lực văn hóa nói chung, nguồn nhân lực để phát huy bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng, nguồn nhân lực du lịch. Cần đào tạo, bồi dưỡng, khai thác, sử dụng, thậm chí là cả đãi ngộ, khuyến khích, động viên tất cả những nguồn nhân lực này. Ví dụ nguồn nhân lực du lịch trong vùng di sản, họ vốn là những người nông dân trong quá trình chuyển đổi sinh kế, đã trở thành người làm du lịch thì mình phải có sự đào tạo, bồi dưỡng như thế nào đó để họ kịp thời đáp ứng được yêu cầu cho các dịch vụ du lịch, làm hài lòng khách hàng.

Du khách thăm Ninh Bình mùa hoa sen tại hang Múa.

Thứ ba, giải pháp về quản trị về truyền thông, trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin để các giá trị di sản hữu xạ tự nhiên hương thì con đường đi sẽ rất chậm, phải thúc đẩy nhanh quá trình Ninh Bình đến với thế giới bằng cách sử dụng công nghệ thông tin, phải xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu của Ninh Bình thật chuyên nghiệp từ logo, slogan... Phải có chiến dịch truyền thông dài hơi và hiệu quả, không chỉ là truyền thông trong tỉnh, trong nước mà còn phải mời các hãng thông tấn báo chí nước ngoài đến với Ninh Bình.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ thường xuyên diễn ra dịp cuối tuần tại Phố cổ Hoa Lư.

Thứ tư, phải tăng cường tính liên kết trong khai thác sử dụng, phát huy các nguồn lực văn hóa Ninh Bình, thể hiện ở việc liên kết giữa các loại hình di sản với nhau, giữa di sản vật thể và vi phật thể, liên kết trong việc khai thác các tiểu vùng văn hóa Ninh Bình, tăng tính liên kết giữa Ninh Bình với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, với khu vực Bắc Trung bộ, với khu vực phía Tây của đất nước. Ngoài ra cần khai thác mạng lưới con em quê hương Ninh Bình đang sinh sống ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Ninh Bình có rất nhiều lợi thế, đặc biệt là những lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa truyền thống có khả năng chuyển thành lợi thế cạnh tranh thật, thành sức mạnh thật chuyển hóa thành lợi ích phát triển, chứ không phải là lợi thế tiềm năng, lợi thế so sánh. Không thể phủ nhận những năm gần đây, Ninh Bình đã có những chuyển động tích cực, bước đầu phát huy được lợi thế, tạo ra quỹ đạo phát triển mới, vừa tạo sự khác biệt, vừa vươn lên tầm thế giới, định vị rõ hơn vị trí của mình.

Tuy nhiên kết quả đó mới chỉ là bước đầu, mới hút được một số người, một số doanh nghiệp vào lĩnh vực thế mạnh, chứ chưa phải tạo ra sự thay đổi căn bản đời sống kinh tế - xã hội của Ninh Bình. Thực tế, thực lực kinh tế của tỉnh còn yếu, quy mô kinh tế còn nhỏ nên khả năng tập trung nguồn lực để giải quyết những nút thắt phát triển, điểm nghẽn về tăng trưởng của Ninh Bình khó. Ninh Bình cần kết nối được với các vùng kinh tế trọng điểm, các dự án lớn để tạo sự xoay chuyển.

Chọn du lịch là mũi nhọn trong phát triển kinh tế là đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhưng riêng Ninh Bình càng phải lựa chọn du lịch với mức độ tập trung cao hơn. Tôi rất ủng hộ cách tiếp cận của Ninh Bình du lịch là mũi nhọn dẫn dắt các ngành kinh tế. Nhọn là phải đi trước, nhọn là để dẫn dắt, là tạo ra sự bứt phá, muốn như thế phải biết cách phát triển du lịch.

Đoàn đại biểu thành phố Asan (Hàn Quốc) thăm Tràng An.

Trình diễn thời trang tại Fashion show "Tinh hoa Cố đô".

Tài nguyên hàng nghìn năm nay vẫn còn đó, phải sử dụng một cách thông minh và Ninh Bình phải tạo ra các điều kiện để có sự thay đổi, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực, năng lực để tạo ra chân dung phát triển hoàn toàn mới, động lực phát triển khác thường, tạo ra sự xoay chuyển; tiếp tục đầu tư hạ tầng kết nối các khu điểm du lịch, kết nối các vùng kinh tế để Ninh Bình trở thành nơi hội tụ, lan tỏa các giá trị.

Bây giờ chúng ta có điều kiện rất thuận lợi bởi khoa học công nghệ đã cho phép cung cấp các giải pháp, các công cụ góp phần vào công tác quản lý, bảo tồn và phát triển các di sản, bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể. Đối với Ninh Bình, chúng ta đang sở hữu hệ thống di sản mang tầm quốc gia, quốc tế nên sẽ là mảnh đất rất tốt để ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và cần thiết phải làm điều đó.

Có mấy phương diện mà tỉnh có thể triển khai: Thứ nhất là số hóa di sản, không chỉ là để lưu trữ mà còn để cho du khách, người dân và các nhà nghiên cứu trực tiếp truy cập vào để có thể nghiên cứu online, nghiên cứu những điều kiện rất chi tiết đối với các di sản, các hiện vật, cảnh quan. Chúng ta đang chuyển đối số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, vì vậy số hóa di sản cũng là yêu cầu nằm trong chương trình chuyển đổi số quốc gia và địa phương. Đây là công cụ rất quan trọng để quản lý và bảo tồn phát huy các giá trị di sản.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cùng các đại biểu tỉnh Ninh Bình thực hiện nghi thức bấm nút ra mắt phần mềm du lịch thông minh "Ninhbinhtourisminfo".

Thứ hai, những công cụ liên quan đến công nghệ mới và số hóa giúp cho chúng ta có thể phục dựng những hình ảnh của các di sản trong quá khứ, bằng công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, đó là xu hướng thế giới họ đang làm rất là tốt. Và bây giờ có thể nói các công cụ như vũ trụ ảo kết hợp với các hình ảnh, kể cả hình ảnh thực tế, thực tế tăng cường, tạo dựng nhân tạo làm cho giá trị di sản đẹp hơn rất nhiều và có điều kiện để phát huy tốt hơn các giá trị trên phạm vi thế giới và trường tồn với thời gian.

Các đại biểu huyện Hoa Lư và khách du lịch trải nghiệm quét mã QR giới thiệu về Đền Thái Vi (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư).

Thứ ba là ứng dụng công nghệ cảm biến trong quản lý thiên nhiên và môi trường và các vấn đề khác tác động đến di sản để giúp công tác quản lý, điều hành kịp thời, hiệu quả.

Giới thiệu các sản phẩm du lịch Ninh Bình tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2022.

Thứ tư, chúng ta có thể ứng dụng công nghệ số hóa và các công nghệ khác để giảm tải cho lực lượng hướng dẫn viên du lịch. Khách du lịch chỉ cần bước vào địa phận Ninh Bình là đã có phần mềm ứng dụng giới thiệu thuyết minh online về các điểm đến, cách thức di chuyển, thủ tục vào cửa... Ứng dụng được điều này sẽ rất tốt để chúng ta phát triển du lịch.

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/-emagazine-phat-huy-suc-manh-mem-xay-dung-do-thi-ninh-binh/d20231016180931794.htm