Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới, ngày 01/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức 'Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc' và quyết định lấy ngày 18/11 hàng năm làm ngày tổ chức 'Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc' ở khu dân cư (Nghị quyết số 04).

Đồng chí Trần Thị XíLìne, Bí thư Đảng ủy thị trấn Càng Long tặng quà cho hộ nghèo Khóm 9, thị trấn Càng Long. Ảnh: BTV

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 04, dưới sự lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng thuận ủng hộ của Nhân dân, đến nay Trà Vinh đã phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Tỉnh Trà Vinh có 03 dân tộc chính (Kinh, Khmer, Hoa), trong đó đồng bào Khmer chiếm 31,53% dân số, dân tộc Hoa chiếm 0,65%. Tổng kết 20 năm tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (giai đoạn 2003 - 2023) trên địa bàn tỉnh cho thấy, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư thực sự trở thành ngày hội toàn dân, là hình thức tập hợp, biểu dương lực lượng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy mọi nguồn lực từ mỗi con người, gia đình, mỗi cộng đồng khu dân cư, phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết từ cơ sở, tạo nên sức mạnh chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tăng cường đồng thuận xã hội, cùng xây dựng và phát triển tỉnh nhà nói riêng, xây dựng và phát triển đất nước nói chung.

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm được tổ chức từ ngày 01 - 18/11; trong 20 năm qua, toàn tỉnh có 15.041 lượt khu dân cư tổ chức Ngày hội, đạt 95,6% so với tổng số các khu dân cư trong toàn tỉnh (trong đó, có 13.455 lượt khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội, đạt 85%) với gần 2.174.000 lượt người tham dự, trong đó, có gần 15.000 lượt lãnh đạo các cấp tham dự.

Thông qua ngày hội, đã biểu dương, khen thưởng hơn 7.000 tập thể; 26.671 hộ gia đình và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Sau phần lễ, có 13.041 lượt khu dân cư tổ chức “Bữa cơm đại đoàn kết”, đạt 86,7% so với lượt khu dân cư tổ chức ngày hội.

Từ Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm, những nét đẹp văn hóa của các dân tộc, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tiếp tục được giữ gìn, phát huy và chuyển giao giữa các thế hệ nối tiếp thông qua các hoạt động tuyên truyền về truyền thống văn hóa, các hoạt động thể thao, các trò chơi dân gian… mang đậm nét văn hóa, đoàn kết của cộng đồng dân cư. Qua đó, đã huy động được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong việc đóng góp, bảo tồn, gìn giữ các di tích lịch sử văn hóa của địa phương; gìn giữ và phát huy truyền thống trọng nhân nghĩa, hiếu học, nhân ái, đoàn kết, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn…

Tham gia Ngày hội, đã có trên 45.000 lượt ý kiến của người dân góp ý về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quyền lợi của công dân… tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Nhằm phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, tại Ngày hội, Ban công tác Mặt trận phối hợp chính quyền tổng kết một năm thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương; xin ý kiến bàn bạc và biểu quyết của cộng đồng dân cư về các chỉ tiêu, mục tiêu thực hiện kinh tế - xã hội và bổ sung, sửa đổi quy ước ở khu dân cư.

Ban công tác Mặt trận tập hợp đầy đủ, phản ánh đến cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận cấp trên theo quy định; kịp thời tham mưu cho cấp ủy Đảng lãnh đạo, phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên trong việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, giải quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.

Tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023, tổ chức ngày 04/11 tại chùa KompongKsan, Khóm 8, Phường 6, thành phố Trà Vinh, bà Thạch Thị Thuận rất vui, vì không chỉ được gặp gỡ giao lưu với người dân địa phương, với các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, hôm nay bà Thuận còn được tặng nhà “Đại đoàn kết”. Bà Thuận chia sẻ: căn nhà tôi đang ở đã xuống cấp, mưa tạt, gió lùa, tôi rất lo, nhưng không có tiền cất sửa lại. Nay được tặng nhà “Đại đoàn kết”, tôi rất vui mừng, rất biết ơn Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm chăm lo cho người dân.

Ông Thạch Trường thì: từ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đời sống người dân ở đây đã thay đổi, phát triển đáng kể.

Qua 20 năm tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng chí Trần Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thành phố Trà Vinh cho biết: theo thời gian, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tiếp tục được củng cố về tổ chức, thay đổi theo hướng nâng cao nội dung, phương thức hoạt động.

MTTQ Việt Nam các cấp ngày càng khẳng định vị trí trung tâm, cầu nối giữa hệ thống chính trị với các tầng lớp nhân dân. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên triển khai, được thực hiện rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bao trùm nhiều mặt trong đời sống Nhân dân. Thông qua tổ chức ngày hội, đã tạo điều kiện để Nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương ngày càng vững mạnh.

HÀ THANH

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chinh-tri/phat-huy-suc-manh-dai-doan-ket-toan-dan-toc-33101.html