Phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở để giữ vững ổn định an ninh nông thôn

Bức xúc trước những mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất đai chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, hơn 60 người dân xã Nuông Dăm (Kim Bôi) kéo nhau vào hủy hoại tài sản của người khác, gây mất ANTT, ảnh hưởng đến tình hình an ninh nông thôn (ANNT); làm các cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng mất nhiều thời gian để xử lý, giải quyết...

Theo Trung tá Bùi Việt Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, thời gian qua, tình hình ANCT - TTATXH, ANNT trên địa bàn tỉnh cơ bản được giữ vững, ổn định; không có điểm "nóng”. Các đầu đơn khiếu kiện không có diễn biến, hoạt động phức tạp. Tuy nhiên, tình hình ANNT còn tiềm ẩn phức tạp, khó lường.

Công an xã Hang Kia (Mai Châu) bám cơ sở nắm tình hình, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân giữ vững ổn định an ninh nông thôn.

Qua công tác nắm tình hình trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra vụ việc tập trung đông người, dựng lều bạt, cản trở hoạt động của doanh nghiệp, tranh chấp đất đai với đơn vị quân đội. Điển hình như ngày 4/1/2022, tại công trường thi công cụm công nghiệp Tiên Tiến thuộc địa phận xóm Mè, xã Quang Tiến (TP Hòa Bình) có khoảng 100 người dân dựng lều bạt, ngăn không cho xe chở bê tông vào công trường để phản đối chủ đầu tư không xây dựng tuyến đường dân sinh cho người dân; vụ việc tập trung đông người, cản trở hoạt động dự án xây dựng công trình phục vụ mục đích QP-AN tại huyện Yên Thủy; vụ việc tranh chấp đất đai giữa một số hộ dân với đơn vị quân đội tại huyện Cao Phong. Hoặc như việc hơn 20 người dân thôn Đồng Om, xã Cao Dương (Lương Sơn) kéo đến đường vào 5 dự án khai thác đá trên địa bàn cản trở không cho các phương tiện ra, vào khu vực khai thác để phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân...

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh có trên 30 lượt đoàn, trên 130 lượt người đến khiếu nại, kiến nghị UBND tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét, giải quyết những vấn đề liên quan đến đất đai. Có 9 vụ, 10 lượt đoàn với 49 lượt người lên T.Ư gửi đơn khiếu kiện (tăng 2 vụ, tăng 1 lượt đoàn, tăng 40 lượt người so với năm 2021). Trên địa bàn tỉnh hiện còn 8 vụ tranh chấp, khiếu kiện tiềm ẩn phức tạp về ANTT. Trong đó, có 1 vụ tranh chấp, 5 vụ khiếu kiện đất đai và các chính sách khác, 2 vụ khiếu kiện liên quan đến vấn đề môi trường. Như vụ việc tập trung đông người tranh chấp, hủy hại tài sản trên đất giữa các hộ dân xóm Nước Đúc, xã Đú Sáng (Kim Bôi) với ông Mai Hồng Hải, trú tại tiểu khu 3, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn); vụ khiếu kiện của 72 hộ dân liên quan đến đất công trường sông Đà quy hoạch dự án khu dân cư tổ 6, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình); vụ khiếu kiện của ông Nguyễn Việt Bắc đại diện 40 hộ dân trú tại khu 1, thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) trong thu hồi đất... Nguyên nhân của tình trạng trên do một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, quan tâm đúng mức lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm ANTT. Công tác quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực ở nông thôn còn hạn chế. Thêm nữa là do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở một số địa bàn, vùng nông thôn diễn ra mạnh, liên quan đến công tác thu hồi đất, GPMB; việc khai thác tài nguyên khoáng sản trái quy định, các hành vi gây ô nhiễm môi trường; việc xây dựng nếp sống văn hóa, quản lý thanh thiếu niên còn những hạn chế... tiềm ẩn phát sinh các yếu tố gây phức tạp về ANTT.

Từ thực tế trên, thời gian qua, lực lượng công an đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp làm tốt công tác bảo đảm ANTT ở nông thôn, coi đây là nền tảng bảo đảm ANCT - TTATXH. Trong đó, nhấn mạnh và đảm bảo các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH được ban hành, tổ chức thực hiện phải đặt lợi ích chính đáng của người dân lên trên hết, giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa "tăng trưởng và ổn định”, giữa "phát huy dân chủ và tăng cường kỷ cương”. Thực hiện tốt phương châm "Chủ động phòng ngừa, phát hiện từ sớm, ngăn chặn từ xa, xử lý kịp thời các nguy cơ ngay từ cơ sở”. "Thực tế đã chứng minh, những nơi làm tốt công tác bảo đảm ANTT ở nông thôn, có sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; cán bộ, đảng viên sâu sát cơ sở, vận động, tuyên truyền Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì ở nơi đó, ANNT luôn được giữ vững, ổn định, không phát sinh vụ việc khiếu kiện kéo dài; vụ việc phức tạp nảy sinh được giải quyết triệt để ngay từ cơ sở” - Trung tá Bùi Việt Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh.

Mạnh Hùng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/170216/phat-huy-quy-che-dan-chu-o-co-so-de-giu-vung-on-dinh-an-ninh-nong-thon.htm