Phận đời cơ cực của người đàn bà gần 20 lần đưa chồng đi cưa tứ chi

(PL&XH) - Xế chiều, chúng tôi mới tới nhà chị Tám ở thôn 8 thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.Nơi có chồng chị là anh Trần Văn Diên bị chứng bệnh viêm tắc tĩnh mạch máu ngày đêm hành hạ.

Hai mươi năm kể từ ngày cưới, gần 20 lần chị đưa chồng cưa dần cơ thể, thế nhưng may mắn chưa một lần mỉm cười với gia đình chị…

Câu chuyện tình đầy cảm động

Từ Đông Hà theo quốc lộ 9 rồi vượt gần 40 km đường Hồ Chí Minh đã đưa tôi đến nhà của chị Hoàng Thị Tám. Căn nhà nửa xây gạch, nửa che ván giữa bốn bề đồi núi, bên trong không có vật dụng nào đáng giá ngoài hai chiếc giường ọp ẹp, cùng với chiếc tủ đặt giữa, phía trên có bát nhang với những cây hương không cháy hết. Chị Tám nói: "Số phận cả thôi chú ạ! Cuộc đời hai vợ chồng tui có nhiều chuyện lắm, kể khi mô cho hết".

Năm 21 tuổi tốt nghiệp trung học quân y, chị công tác tại bệnh viện 268 được ít lâu rồi xin chuyển về làm y tá tại nông trường Quyết Thắng. Vào thời điểm khó khăn ấy, chị tăng gia sản xuất cùng mọi người ở nông trường. Một buổi sáng đi phun thuốc trừ sâu cho vườn chè không may bị thuốc đổ vào người, chị phải đi điều trị bốn tháng tại bệnh viện. Lúc này, anh Trần Văn Diên sau hơn 3 năm chiến đấu với bệnh nặng, trở về địa phương. Chỉ 9 ngày sau khi ra quân anh lại nhập viện khẩn cấp, phải cưa một phần chân phải. "Hồi đó, tui điều trị ở khoa ngoại, còn anh Diên ở khoa nội, nhưng đêm nào cũng nghe anh khóc đòi chết vì cơn đau hành hạ. Anh không chịu ăn gì cả. Nhìn mẹ anh đêm nào cũng ôm anh mà khóc, tui thương họ lắm" - chị Tám kể. Và rồi chị tận tình giúp đỡ anh suốt mấy tháng trời. Có cái gì chị em ở nông trường cho, chị đều san sẻ cùng anh, hai người hiểu nhau hơn về hoàn cảnh gia đình. Hôm chia tay ở bệnh viện, chị để lại địa chỉ và lời hẹn: "Sau này lành bệnh anh lên nông trường Quyết Thắng sẽ gặp em". Chuyện không thể ngờ, sau khi xuất viện vào một chiều thứ 7, anh nhờ người bạn tên là Đông chở lên nông trường thăm chị. Chị xúc động trước tình cảm của anh. Đang dở câu chuyện thì anh Diên nhìn chị Tám nói: "Từ hôm đó tui và bà ni yêu nhau phải không hè?!". Kể từ đó mấy tháng liền anh Diên nhờ người chở lên nông trường thăm chị. Tình yêu của họ ngày càng sâu nặng! Có tuần đợi đến năm giờ chiều vẫn không thấy bóng anh, chị mượn xe đạp của bạn vượt mấy chục cây số về thăm. Thương chị, người em gái (lúc đó cũng lao động tại nông trường) đã can ngăn. Chuyện chị yêu anh nhanh chóng đến tai gia đình, mọi người ai cũng khuyên không nên lấy anh Diên, thời gian trôi qua chị cố gắng thuyết phục gia đình cũng xuôi, đám cưới được tổ chức ngay tại nông trường. "Ngày cưới chỉ có một cái loa của đội để mọi người hò hát, bên nhà trai tặng con dâu đôi dép lê, nhà gái cho chiếc nón gọi là quà đính hôn, áo quần thì mượn của bạn bè sau ba ngày cưới phải trả" - anh Diên tâm sự.

Chị Tám vẫn luôn ân cần chăm sóc chồng. Ảnh: Linh Linh

Hạnh phúc chỉ có thế

Cưới được một năm, anh chị sinh cháu đầu lòng, cuộc sống buổi đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng anh chị rất hạnh phúc. Vậy mà chỉ 3 tháng sau khi đứa bé chào đời, anh phát bệnh và phải nhập viện điều trị 6 tháng, lần này anh phải cắt một phần chân phải. Mình chị lo nuôi con thơ, lại phải chăm chồng ốm đau. Tích lũy được bao nhiêu chị lo chạy chữa cho anh hết. Nhưng căn bệnh quái ác cứ bám riết lấy đời anh. Càng ngày đôi vai gầy của người vợ càng trĩu nặng. Ba năm sau chị sinh đứa con thứ hai, một cậu con trai bụ bẫm. Anh Diên lại tiếp tục nhập viện, gia đình hai bên cũng nghèo nên chỉ giúp được cân gạo củ khoai. "Hồi đó thấy hoàn cảnh tui bế tắc nên bác Thanh trưởng thôn bây giờ huy động bà con mỗi người góp cho năm ba đồng giúp anh Diên chữa bệnh. Lúc đó ai cũng kẹt lấy đâu mà cho mãi được. Hết tiền tui đưa anh về nhà sống trong cảnh đói khát. Mẹ con tui nhịn đói được còn ba nó đau thì phải ăn khoai… Nói đến đây giọng chị Tám chững lại, nước mắt lăn dài trên gò má - Không còn cách nào khác, tui bế đứa nhỏ ra chợ xin ăn. Ngoài chợ ai cũng thấy thương trước hoàn cảnh, người cho con cá, người gửi con tôm nhờ vậy mà cả gia đình cũng tạm sống qua ngày… Nghèo đói tui không sợ mà nỗi lo lớn nhất là mỗi lần đưa chồng đi viện và lại cưa chân, tui đau đớn đến tận cùng...".

Hơn hai mươi năm qua chị nhiều lần đưa chồng đi viện khắp Nam Bắc. Đã hơn một lần cả nhà cứ tưởng anh không qua được. Năm 2002, cả nhà đã làm rạp đợi đưa anh về, bác sĩ bảo lần này không cứu được, nhưng vì mệnh lớn đang nằm ở bệnh viện chờ chết thì anh khỏe lại và sống cho tới ngày nay.

Những điều ước…

Canh tác trên hai sào ruộng cũng đủ cho cả nhà ăn trong sáu tháng, nửa năm còn lại làm ngày nào ăn ngày ấy. Tài sản duy nhất của gia đình là hai con trâu - một mẹ, một nghé. Hôm trâu mẹ đẻ, hai mẹ con chị Tám mừng lắm, mong sang năm nó đẻ con nữa để trả nợ. Nhìn đứa con đứng ngoài sân, chị Tám nói: "Ai kêu việc gì cũng làm hết, thằng cu giỏi lắm ! Nó đi làm thuê cho người ta một ngày cũng kiếm được mười mấy ngàn".

Mặc dù là bộ đội xuất ngũ, nhưng anh Diên không được hưởng chế độ nào ngoài 52 nghìn đồng/tháng của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Mấy năm trước, gia đình anh thuộc hộ đói nghèo nay đã bị cắt trợ cấp với lý do hai cháu đã lớn... (?)

Tình cờ năm 2005, ông Nguyễn Văn Thưởng, hồi đó là Chủ tịch hội chữ thập đỏ Việt Nam đến công tác tại tỉnh Quảng Trị, thấy tình cảnh anh Diên quá éo le, bấp bênh nên đã đưa ra Hà Nội chữa trị. Cũng chính nhờ ông Thưởng mà vợ chồng chị có được căn nhà tình thương ở quê. Nhưng do hồi đó anh chị nghĩ cạn quá cứ nghĩ về xây nhà ở Vĩnh Lâm quê nội để sớm hôm ốm đau có người mà nhờ, nhưng xây xong không thể về đó vì ở đó không biết làm gì ăn.

Giờ đây chị Tám đang bị mắc bệnh thần kinh tọa và bệnh ung thư buồng trứng, mấy hôm trước chị phải vào viện cắt đi phần hư ấy. Con gái đầu lòng đi lấy chồng ngoài Quảng Bình… lâu lâu mới về thăm bố mẹ được.

Cuộc sống của vợ chồng anh Diên, chị Tám hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn, bạn đọc có tấm lòng hảo tâm xin gửi về địa chỉ: Chị Hoàng Thị Tám, thôn 8, thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Linh Linh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20120406093513383p1043c1045/phan-doi-co-cuc-cua-nguoi-dan-ba-gan-20-lan-dua-chong-di-cua-tu-chi.htm