Phân bón hữu cơ của nhóm học sinh trung học

Từ những nguyên liệu quen thuộc ở địa phương như: quả nhàu, cây thì là, lá cây cúc quỳ… nhóm học sinh Trường THPT A Sanh (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã tạo ra phân bón hữu cơ DHT cho cây trồng, góp phần bảo vệ môi trường.

Cây thì là và cây nhàu được người dân trồng nhiều ở xã Ia Krai, huyện Ia Grai. Trong khi cây thì là được người dân dùng làm rau ăn hàng ngày thì quả nhàu ít được sử dụng. “Qua tìm hiểu, chúng em biết được cây thì là và quả nhàu có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, hoạt chất kháng khuẩn, có khả năng chống oxy hóa nên có thể làm phân bón cho cây trồng. Chính vì thế, chúng em đã nghiên cứu quy trình để tạo phân bón hữu cơ từ trái nhàu và cây thì là”-em Nguyễn Công Danh (lớp 12A6) chia sẻ.

Nhóm tác giả nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ từ quả nhàu, cây thì là, lá cây dã quỳ. Ảnh: M.N

Ý tưởng này được Danh cùng 4 bạn: Trần Gia Hưng (lớp 10A1), Hoàng Thị Thanh Thảo (lớp 11A1), Nguyễn Vũ Thùy Dương (lớp 12A2), Phạm Lê Minh (lớp 12A6) của Trường THPT A Sanh nghiên cứu từ mùa hè năm học 2022-2023. Theo đó, cây thì là, quả nhàu và lá cây cúc quỳ tươi được phơi khô trong 5 giờ, sau đó nghiền nhỏ và cho vào 3 thùng nhựa có lỗ thông khí, hòa 10 gram chế phẩm EM Fert-1 vào 100 ml nước vo gạo, tưới lên chất bã đã trộn đều và làm ẩm đến 50% ở mỗi thùng, ủ trong 10 ngày, đảo trộn 2-3 lần trong quá trình ủ. Trong quá trình ủ, nhóm cho 5 ml chế phẩm EM-Pro-1 hòa với 15 ml nước trộn đều trong thùng ủ để hạn chế mùi hôi.

Quá trình phân hủy sinh học hiếu khí (ủ compost) diễn ra với nhiệt độ khoảng 25,9 độ C-43,7 độ C, pH dao động từ 5 đến 7, độ ẩm từ 45,5% đến 66,68%. Sau 25 ngày ủ, nhóm thu được loại bột mịn màu đen, mềm, có mùi thơm, kết cấu dính, đem bảo quản để đóng gói sản phẩm. Qua gửi mẫu phân tích tại một viện nghiên cứu ở Hà Nội, nhóm nhận được kết quả: phân bón DHT có chứa các yếu tố vi sinh có lợi với mật độ phù hợp để bón cho cây trồng. Phân bón có hàm lượng hữu cơ cao, đạt 25,36% với tỷ lệ N:P:K cân đối, đạt tiêu chuẩn của phân bón hữu cơ. Do đây là sản phẩm ủ compost có bổ sung vi sinh vật trong quy trình ủ ở điều kiện hiếu khí nên sự xuất hiện vi sinh vật có vai trò chuyển hóa các chất dinh dưỡng cho cây trồng. Đồng thời, nguyên liệu ủ là bã đã được làm sạch từ trước khi chiết dịch nên không chứa vi sinh vật gây bệnh. “Sau khi có thành phẩm, nhóm đã thử nghiệm đưa vào chăm sóc cây cảnh, rau màu ở vườn nhà và thấy quá trình sinh trưởng của cây khá tốt”-em Thảo cho hay.

Để tạo ra sản phẩm này, nhóm nghiên cứu đã mày mò tìm kiếm tài liệu và thử nghiệm trong suốt 4 tháng.Em Trần Gia Hưng chia sẻ: “Các thành viên học ở các khối lớp khác nhau, việc học chính khóa, học thêm khiến việc nghiên cứu nhiều lúc bị gián đoạn. Tuy nhiên, vì mục đích đặt ra từ ban đầu là tạo ra phân bón để nâng cao năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường nên nhóm đã kiên trì thực hiện. Tranh thủ thời gian buổi tối, chúng em trao đổi, thử nghiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên thực hiện đề tài”.

Một hộp phân bón hữu cơ DHT 0,5 kg do nhóm học sinh Trường THPT A Sanh sản xuất có giá thành 28.000 đồng. Ảnh: M.N

Sau khi hoàn thành, nhóm tác giả đã tặng sản phẩm phân bón DHT cho một số gia đình để áp dụng trong trồng rau màu. Qua phiếu khảo sát, sản phẩm nhận được kết quả đánh giá tích cực. Hiện tại, giá bán của sản phẩm phân bón DHT là 28.000 đồng/hộp 0,5 kg. Chị Lê Thị Thủy (thôn 2, xã Ia Krai) bày tỏ: “Khi biết đến sản phẩm phân bón DHT, tôi liền mua về sử dụng xem như thế nào. Kết quả cho thấy, đây là loại phân bón rất tốt cho cây trồng, an toàn, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, giá sản phẩm khá thấp nên phù hợp với khả năng của bà con nông dân”. Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung-Bí thư Đoàn trường THPT A Sanh-cho biết: “Sản phẩm phân bón hữu cơ DHT của nhóm học sinh tuy chỉ mới áp dụng ở phạm vi nhỏ nhưng đã nhận được những phản hồi tích cực. Những nguyên liệu tạo ra các sản phẩm này đều rẻ tiền và có sẵn ở địa phương. Đặc biệt, thông qua sản phẩm, các em còn chuyển tải thông điệp ý nghĩa bảo vệ môi trường sống”.

Nói về mục tiêu trong thời gian tới, Trưởng nhóm nghiên cứu Nguyễn Công Danh tâm sự: “Chúng em rất vui vì đã tạo ra một sản phẩm có ích để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Nhóm sẽ tiếp tục quảng cáo, giới thiệu để sản phẩm phân bón DHT được nhiều người biết hơn, sử dụng trong sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, hạn chế nguy cơ ô nhiễm cho môi trường”.

MINH NHẬT

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/phan-bon-huu-co-cua-nhom-hoc-sinh-trung-hoc-post252953.html