Ông Lý Khắc Cường - vị Thủ tướng 'bình dân' của Trung Quốc

Trải qua một thập kỷ, ông Lý Khắc Cường đã lèo lái nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vượt qua giai đoạn khó khăn khi nợ chính phủ tăng cao, căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang và đại dịch Covid-19 hoành hành.

Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã qua đời vì một cơn đau tim rạng sáng 27/10 ở tuổi 68. Thông tin này ngay lập tức đã gây chấn động trong dư luận Trung Quốc.

Theo nội dung cáo phó đăng vào tối cùng ngày, các nhà phân tích nhận định, Trung Quốc dự kiến sẽ tổ chức tang lễ cho ông Lý Khắc Cường tương tự như cố Thủ tướng Lý Bằng.

Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Sân bay Quốc tế Phnom Penh tối 8/11/2022 để tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á và thăm chính thức Campuchia. Ảnh: Tân Hoa xã

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường từ trần vào lúc 0h10 ngày 27/10 khi đang nghỉ tại Thượng Hải sau một cơn “đau tim đột ngột” dù đã được “tận tình cứu chữa”.

Vị Thủ tướng với nhiều cái nhất

Ông Lý Khắc Cường sinh tháng 7/1955 tại huyện Định Nguyên, tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc. Theo một bài báo trên mạng Đảng viên Cộng sản của nước này, ông xuất thân từ một gia đình bình thường và được gọi là vị “Thủ tướng bình dân”.

Còn theo cáo phó công bố tối 27/10, trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa (1966-1976), chàng thanh niên Lý Khắc Cường khi đó mới 19 tuổi, đã được đưa đi tham gia đội sản xuất ở một vùng nông thôn thuộc tỉnh An Huy trong vòng 4 năm.

Ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1976. Từ năm 1978-1982, ông theo học ngành luật tại Đại học Bắc Kinh, sau khi kỳ thi tuyển sinh đại học được khôi phục năm 1977. Sau đó, ông lấy thêm bằng thạc sĩ và tiến sĩ kinh tế vào các năm 1988 và 1994.

Là người thông thạo tiếng Anh, ông từng tham gia dịch một số tài liệu pháp lý quan trọng từ tiếng Anh sang tiếng Trung khi đang theo học, trong đó có cuốn “The Due Process of Law” về nguyên tắc xét xử công bằng của Lord Denning. Luận án của ông về cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc đã giành được Giải Kinh tế Tôn Dã Phương, giải thưởng danh giá nhất trong giới kinh tế Trung Quốc.

Năm 1985, ông Lý Khắc Cường, khi đó mới 30 tuổi, đã giữ chức Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản, trở thành cán bộ cấp cục/vụ trẻ nhất Trung Quốc lúc bấy giờ. Đến năm 1993, ông giữ chức Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn ở tuổi 38, trở thành quan chức cấp bộ trưởng trẻ nhất Trung Quốc khi đó.

Từ 1998-1999 và 1999-2002, ông giữ chức quyền Tỉnh trưởng và Tỉnh trưởng Hà Nam, cũng là Tỉnh trưởng trẻ nhất Trung Quốc vào thời điểm đó.

Sau Đại hội 16 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2002, ông Hồ Cẩm Đào trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam. Năm 2004, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh.

Sau Đại hội 17 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2007, ông được bầu làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Một năm sau, ông giữ chức Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc. Vào thời điểm nhậm chức tháng 3/2008, ông Lý Khắc Cường ở tuổi 53, là Phó Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Trung Quốc mới.

Sau Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012, ông xếp thứ hai trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Tháng 3 năm sau, ông trở thành Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc và nắm giữ chức vụ này trong suốt 10 năm. Ông cũng là Thủ tướng có học vị cao nhất Trung Quốc.

Tháng 3/2023, Quốc hội Trung Quốc bầu ông Lý Cường, 63 tuổi, làm tân Thủ tướng, kế nhiệm ông Lý Khắc Cường. Sau khi mãn nhiệm, ông Lý Khắc Cường đã về nghỉ tại Thượng Hải.

Người dân Trung Quốc bàng hoàng trước tin buồn

Ông Lý Khắc Cường được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào tháng 3/2013, khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Là vị Thủ tướng đầu tiên có bằng tiến sĩ kinh tế, ngay đầu nhiệm kỳ ông đã đưa ra các ý tưởng phát triển kinh tế. Tháng 6 cùng năm, ông Hoàng Ích Bình (Huang Yiping), khi đó là nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Barclays Capital (Anh), đã đưa ra thuật ngữ “Kinh tế học Lý Khắc Cường” (Likonomics) khi đề cập đến các ý tưởng này. Likonomics tập trung vào ba trọng tâm: không đưa ra các gói kích thích kinh tế quy mô lớn, giảm đòn bẩy tức các chương trình giảm nợ để kiểm soát rủi ro tài chính và cải cách cơ cấu kinh tế Trung Quốc theo hướng ưu tiên hơn cơ chế thị trường và cởi mở hơn với khu vực kinh tế tư nhân.

Thủ tướng Lý Khắc Cường thăm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia và Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 23/02/2023. Ảnh: Tân Hoa xã

Ngoài ra, để đảm bảo có được các số liệu thật về nền kinh tế, ông còn đưa ra ba chỉ tiêu quan sát gồm lượng vận tải hàng hóa đường sắt, sản lượng điện tiêu thụ và các khoản vay được ngân hàng giải ngân. Dựa trên ba chỉ số này, tạp chí “The Economist” của Anh đã đưa ra “Chỉ số Lý Khắc Cường” vào năm 2010 để đánh giá mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc.

Vào năm 2020, trong cuộc họp báo sau kỳ họp Quốc hội, ông đã thẳng thắn tuyên bố vẫn còn 600 triệu người Trung Quốc sống nghèo đói dưới mức 140 USD/tháng - tức là chuẩn mới 5 USD/ngày của thế giới. Phát ngôn này càng làm nổi bật hình ảnh “gần dân và thực tế” của ông trước công chúng.

Cáo phó của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Trung Quốc đã khẳng định những nỗ lực của ông trong việc liên tục thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, xử lý tốt mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường, thúc đẩy sự kết hợp tốt hơn giữa thị trường hiệu quả và chính phủ triển vọng, đồng thời ca ngợi ông là người “có tình cảm sâu đậm với nhân dân, ra sức giải quyết những khó khăn nổi cộm của người dân trong các lĩnh vực việc làm, giáo dục, nhà ở, y tế, dưỡng lão...” trong thời kỳ làm Thủ tướng

Thực tiễn cho thấy, trải qua một thập kỷ, ông Lý Khắc Cường đã lèo lái nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vượt qua giai đoạn khó khăn khi nợ chính phủ tăng cao, căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang và đại dịch Covid-19 hoành hành. Ông cũng liên tục thúc đẩy kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Theo dữ liệu chính phủ, từ năm 2011 đến 2021, GDP của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi từ 54.000 tỷ nhân dân tệ (hơn 7.380 tỷ USD) lên 114.000 tỷ nhân dân tệ (hơn 15.580 tỷ USD), với tỷ trọng của nước này trong nền kinh tế thế giới tăng 7,2 điểm phần trăm, lên 18,5%.

Trên cương vị người đứng đầu chính phủ, ông cũng bắt tay vào giải quyết một trong những vấn nạn của Trung Quốc: ô nhiễm không khí. Ngày 4/3/2014, khi trình bày báo cáo công tác thường niên, ông nhấn mạnh Trung Quốc sẽ “tuyên chiến với ô nhiễm”, từ bỏ chính sách đã được nước này áp dụng lâu nay là đặt tăng trưởng kinh tế lên trên môi trường.

Sau tuyên bố trên, Trung Quốc đã công bố kế hoạch hành động về chất lượng không khí quốc gia, yêu cầu tất cả các khu vực đô thị giảm nồng độ bụi mịn trong không khí ít nhất 10%. Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các chiến dịch vì môi trường do ông phát động.

Những nỗ lực của ông Lý trong hai nhiệm kỳ Thủ tướng đã giúp Trung Quốc đạt tiến bộ đáng kể về môi trường. Nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí đã giảm 2/3 ở Bắc Kinh và hầu hết những nơi khác ở miền Bắc nước này.

Trong hai nhiệm kỳ làm Thủ tướng của mình, ông Lý Khắc Cường đã để lại nhiều dấu ấn trong nền kinh tế Trung Quốc cũng như nỗ lực cải cách. Thông tin ông qua đời đã nhanh chóng đứng đầu danh sách tìm kiếm những chủ đề “hot” trên mạng xã hội Trung Quốc và gây chấn động trong dư luận nước này.

Nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã bày tỏ bàng hoàng và tiếc thương. Không ít cư dân mạng để lại những bình luận như “Quá đột ngột và khó tin”, “Ông ấy vẫn còn trẻ”. Một video phát vào tháng 3 năm nay tóm lược 10 năm làm Thủ tướng của ông Lý Khắc Cường cũng đã được chia sẻ với tốc độ chóng mắt. Nhiều người còn trích dẫn những câu nói kinh điển của ông. Một số trang web của chính phủ đã đổi sang màu đen - trắng. Chủ đề “Đồng chí Lý Khắc Cường từ trần” trên Weibo đã nhận được hơn 2,3 tỷ lượt xem.

Đánh giá về cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường, cáo phó khẳng định, ông là “đảng viên ưu tú của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chiến sĩ cộng sản trung thành tôi luyện qua thử thách, nhà cách mạng và chính trị gia vô sản kiệt xuất, lãnh đạo trác việt của Đảng và Nhà nước”. Đánh giá này tương tự với những đánh giá dành cho cố Thủ tướng Lý Bằng, người qua đời năm 2019.

Các nhà phân tích nhận định, lễ tang ông Lý Khắc Cường cũng sẽ được tổ chức tương tự với lễ tang của ông Lý Bằng. Khi đó, một tuần sau khi ông Lý Bằng qua đời, thi hài của ông đã được hỏa táng tại Nghĩa trang Cách mạng Bát Bảo Sơn ở thủ đô Bắc Kinh. Toàn thể Ban Thường vụ Bộ Chính trị, trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tham dự. Cờ rủ được treo tại các địa điểm quan trọng, cửa khẩu biên giới, các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc ở nước ngoài.

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/ong-ly-khac-cuong-vi-thu-tuong-binh-dan-cua-trung-quoc-post1055550.vov