'Ông cụ' MiG-19 của Trung Quốc có thể biến thành máy bay cảm tử

Trung Quốc đang có kế hoạch biến hàng nghìn chiếc chiến đấu cơ cổ MiG-19 thành những UAV tự sát, để tiến công trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Lực lượng Không quân Trung Quốc từ lâu được cho là đang âm thầm biến hàng trăm (và có thể hàng nghìn) chiếc tiêm kích cổ lỗ J-6 (phiên bản nội địa của tiêm kích MiG-19) không còn trong biên chế chiến đấu, thành máy bay không người lái tấn công cảm tử.

J-6 là một phiên bản sao chép từ MiG-19 của Liên Xô, và là nòng cốt của Không quân Trung Quốc trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, với số lượng đến 3.000 chiếc trong biên chế, cho đến khi Trung Quốc mua được chiến đấu cơ hiện đại của Liên Xô vào năm 1989.

Vào thời kỳ đỉnh cao, chiến đấu cơ J-6 chiếm khoảng 75% trong lực lượng Không quân Trung Quốc; nhưng cũng phải công nhận là phiên bản J-6 của Trung Quốc, có thiết kế hiện đại và tiêu chuẩn cao hơn nhiều so với MiG-19 của Liên Xô.

Điều này cũng dễ hiểu vì MiG-19 chỉ được Liên Xô sản xuất với số lượng nhỏ và sau đó họ tập trung loại chiến đấu cơ hiện đại hơn là MiG-21. Trung Quốc thậm chí còn phát triển phiên bản J-6 hai chỗ ngồi, và vẫn sử dụng làm máy bay huấn luyện phi công quân sự cho đến tận ngày nay.

Mặc dù trong những năm qua, với phương châm tập trung phát triển lực lượng không quân để bắt kịp Mỹ, cho nên lĩnh vực hàng không quân sự của Trung Quốc có những bước tiến vượt bậc, khi họ là quốc gia chỉ sau Mỹ sở hữu chiến đấu cơ tàng hình trong biên chế chiến đấu, đó là máy bay J-20.

Tuy nhiên chiến đấu cơ J-6 cổ lỗ vẫn có vai trò quan trọng tiềm năng, trong các kế hoạch chiến tranh của Quân đội Trung Quốc; đặc biệt là xung quanh eo biển Đài Loan, nơi giữa đại lục và Đài Loan bị ngăn cách địa lý bởi eo biển tương đối rộng.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc nhiều lần tuyên bố sớm thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, nếu hòn đảo này kiên quyết tuyên bố độc lập; đặc biệt Trung Quốc phản ứng gay gắt khi Đài Loan mua sắm nhiều vũ khí hiện đại của Mỹ.

Các bức ảnh vệ tinh gần đây đã cho thấy, không chỉ việc mở rộng các căn cứ không quân của Trung Quốc gần eo biển Đài Loan, mà phía Trung Quốc còn triển khai hàng trăm máy bay chiến đấu J-6 tới các sân bay này.

Công ty dữ liệu vệ tinh Planet Labs có trụ sở tại San Francisco đã cung cấp hình ảnh vào tháng 10 của J-6 tại căn cứ không quân Liên Thành thuộc tỉnh Phúc Kiến (đối diện đảo Đài Loan). Sân bay Liên Thành dự kiến sẽ là một trong những căn cứ quân sự hàng đầu của Quân đội Trung Quốc, để sẵn sàng đáp ứng cho những điểm nóng xung đột tương lai.

Chiến đấu cơ J-6 có tầm hoạt động tương đối ngắn, nhưng với eo biển Đài Loan chỉ rộng 130km, nó hoàn toàn đủ khả năng vượt qua khoảng cách này, thậm chí đủ tầm bay để tiếp cận từ nhiều hướng khác nhau (đi đường vòng).

Với việc các máy bay chiến đấu J-6 loại biên và đã lạc hậu, nhưng có thể chuyển đổi thành máy bay không người lái với chi phí tương đối thấp; tránh lãng phí máy bay cũ, nhưng cũng không có gì mạo hiểm về mặt con người.

Để tiêu diệt số UAV J-6 này, sẽ cần một lượng tên lửa phòng không không hề nhỏ, bản thân Trung Quốc, cũng hoàn toàn đủ tiềm lực để triển khai chiến thuật "biển máy bay cảm tử", gây khó dễ cho mọi hệ thống phòng không vì cường độ tấn công quá dồn dập.

Ngoài ra, các máy bay J-6 cũng có khả năng cơ động tốt, tác chiến không đối không trong khoảng cách gần khá hiệu quả, nên việc sử dụng tiêm kích để bắn hạ các loại máy bay này bằng pháo hàng không, là điều rất tốn thời gian và thậm chí là mạo hiểm.

Khi xung đột bùng nổ giữa hai bờ eo biển, trong làn sóng hỏa lực đầu tiên của PLA nhằm giành ưu thế trước Đài Loan, có thể bao gồm các UAV J-6, được hỗ trợ bởi các phương tiện chiến tranh điện tử, cũng như sự hỗ trợ chi viện hỏa lực của các máy bay tấn công hạng nặng như J-16, từ một khoảng cách an toàn bằng vũ khí tầm xa.

Hiện nay ngoài kịch bản dùng cho xung đột giữa hai bờ eo biển Đài Loan, thì máy bay không người lái J-6 có tương đối ít mục đích sử dụng; tuy nhiên cũng không ngoại trừ khả năng, PLA sẽ tìm cách dự trữ chúng cho một cuộc xung đột khác.

Cũng cần phải khẳng định lại thêm một lần nữa, Trung Quốc hoàn toàn không phải đầu tư quá nhiều cho đội máy bay già cỗi này để biến chúng thành UAV cảm tử, đây sẽ là khoản đầu tư tương đối nhỏ (so với tiềm lực của Trung Quốc), nhưng lại mang lại lợi thế to lớn trên chiến trường và quan trọng nhất, giúp giảm thiểu thương vong về người xuống mức bằng 0. Nguồn ảnh: Sina.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/ong-cu-mig-19-cua-trung-quoc-co-the-bien-thanh-may-bay-cam-tu-1624071.html