Ô tô bị vùi lấp sau trận lũ tại Sóc Sơn, chủ phương tiện có được bồi thường?

'Nếu sự việc xảy ra do thiên tai mà không có lỗi của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào thì chủ phương tiện phải tự chịu rủi ro'... Đây là 1 trong những tình huống pháp lý vụ ô tô bị vùi lấp sau trận lũ tại Sóc Sơn.

Ngày 5/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội thông tin, công tác cứu hộ các ô tô bị mắc kẹt tại đường dân sinh qua thôn Phú Ninh đã hoàn tất, chưa ghi nhận thiệt hại tài sản và người; hiện trường đã được dọn dẹp sạch sẽ.

Trong tối 4/8, máy xúc và người hoạt động hết công suất để xử lý sự cố sạt lở này. Đến 20 giờ ngày 4/8, đã xử lý, giải tỏa xong. Sự cố này không gây thiệt hại về người.

Hiện các biển cảnh báo nguy hiểm cấm người qua lại đã được chính quyền địa phương đặt tại chân dốc nơi xảy ra sự cố sạt lở khiến hàng loạt ô tô mắc kẹt được xác định ở khu vực Đội 5, xóm Ban Tiện, thôn Phú Ninh, xã Minh Phú.

Người dân bàng hoàng trước dòng nước lũ khiến hàng chục phương tiện bị vùi lấp dưới bùn, đất.

Người dân bàng hoàng trước dòng nước lũ khiến hàng chục phương tiện bị vùi lấp dưới bùn, đất.

Liên quan đến sự việc trên, luật sư Nguyễn Văn Đoàn (Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X) phân tích, ô tô là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Nếu cá nhân, tổ chức có lỗi và gây thiệt hại đến tài sản là những ô tô này thì phải bồi thường thiệt hại.

"Nếu sự việc xảy ra do thiên tai mà không có lỗi của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào, chủ các phương tiện này phải tự chịu rủi ro. Nếu thiệt hại do hành vi của tổ chức, cá nhân khác gây ra, chủ phương tiện mới có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật" - luật sư Đoàn nhận định.

Cũng theo luật sư, nếu chủ các phương tiện mua bảo hiểm cho xe, thì trong trường hợp này, hoàn toàn có thể được bồi thường thiệt hại.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm.

Bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Vì vậy, việc chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ được công ty bảo hiểm thực hiện theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng.

Sự cố ngập cục bộ sau mưa lũ tại huyện Sóc Sơn đã được khắc phục.

Sự cố ngập cục bộ sau mưa lũ tại huyện Sóc Sơn đã được khắc phục.

Tại Hợp đồng bảo hiểm vật chất/Quy tắc bảo hiểm xe cơ giới quy định rất rõ các rủi ro được bảo hiểm, phạm vi bồi thường và cả các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

Xe bị ngập nước do thiên tai là trường hợp bất khả kháng (bao gồm nhưng không giới hạn bão lũ, lụt, sét đánh, giông tố, động đất, sóng thần…) đều thuộc trường hợp được bảo hiểm. Trường hợp ngập lụt gây ra cho cả một vùng rộng lớn khiến xe ô tô có mua bảo hiểm vật chất bị ngập nước gây ra thiệt hại thuộc trường hợp được bảo hiểm bồi thường thiệt hại.

Khách hàng cần xem lại Hợp đồng bảo hiểm/Quy tắc bảo hiểm và thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm về thiệt hại theo số điện thoại ghi trong Giấy chứng nhận bảo hiểm/Hợp đồng để được hướng dẫn, phối hợp giải quyết quyền lợi bảo hiểm.

Trong trường hợp xe ô tô được bảo hiểm bồi thường ngập nước do bão lũ, chủ xe cần chú ý chuẩn bị các hồ sơ giấy tờ sau: Giấy tờ liên quan đến xe, lái xe (giấy đăng ký xe, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm); Giấy tờ chứng minh thiệt hại về người; giấy ra viện, giấy chứng thương, giấy chứng nhận phẫu thuật, giấy chứng tử - trong trường hợp nạn nhân tử vong); Giấy tờ chứng minh thiệt hại về tài sản (hóa đơn, chứng từ sửa chữa hoặc thay mới phần bị thiệt hại do ngập nước gây ra theo chỉ định/sự đồng ý của công ty bảo hiểm, giấy từ chứng minh các chi phí hợp lý mà chủ xe đã bỏ ra để giảm thiểu thiệt hại hoặc theo sự hướng dẫn của công ty bảo hiểm).

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/o-to-bi-vui-lap-sau-tran-lu-gay-ngap-cuc-bo-tai-soc-son-chu-phuong-tien-co-duoc-boi-thuong-169230805150041742.htm