Nữ giám đốc 9x và hành trình ứng dụng công nghệ đưa hàng Việt 'xuất ngoại'

Trong Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu trên sàn Alibaba.com đã có một doanh nghiệp nhỏ Việt Nam đưa đa dạng mặt hàng thủ công mỹ nghệ thương hiệu Việt tới nhiều quốc gia trên thế giới. Đó là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sáng tạo Đông Dương.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sáng tạo Đông Dương (tên tiếng Anh Indochina JSC, tên thương hiệu Viettime Craft) đã phát triển từ một doanh nghiệp với vỏn vẹn 3 nhân sự phụ trách hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu tới doanh nghiệp có tên trong Top 10 xuất khẩu trên sàn Alibaba.com. Nữ Giám đốc điều hành sinh năm 1990 Hoàng Thị Thanh Tâm đã chia sẻ với chúng tôi về hành trình không hề dễ dàng ấy.

Giám đốc Điều hành Công ty Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sáng tạo Đông Dương Hoàng Thị Thanh Tâm.

Mong muốn bảo tồn làng nghề truyền thống, lan tỏa văn hóa Việt ra thế giới

"Năm 2015, Indochina có một cửa hàng bán lẻ ở 93 Mã Mây (Hà Nội), chuyên bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho khách du lịch quốc tế. Hồi ấy, các cửa hàng khác chủ yếu nhập hàng từ chợ Đồng Xuân hoặc đại lý bán buôn, còn chúng tôi trực tiếp về các làng nghề ở Nam Định, Hà Nam, Hà Tây… để tìm nguồn hàng chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Vì thế, sản phẩm của chúng tôi thu hút sự quan tâm của rất nhiều khách nước ngoài. Thậm chí có người còn mua buôn với số lượng lớn để mang về nước”, Giám đốc điều hành Hoàng Thị Thanh Tâm đưa chúng tôi ngược dòng thời gian khi mở đầu câu chuyện.

Qua những lần về làng nghề, chứng kiến sự tỉ mỉ của những nghệ nhân và những người thợ thủ công, đa phần là người cao tuổi, nữ doanh nhân 9x cảm thấy mình cần phải làm một việc gì đó giúp bảo tồn những làng nghề đang đứng trước nguy cơ bị mai một, đồng thời lan tỏa văn hóa dân tộc Việt Nam ra thế giới.

Cuối năm 2015, Hoàng Thị Thanh Tâm chính thức dấn thân vào lĩnh vực xuất nhập khẩu khi đảm nhận vai trò phụ trách Phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu của Indochina.

Hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu yêu cầu khá cao về tiêu chuẩn chất lượng, tính thẩm mỹ…, trong khi các nghệ nhân làng nghề và thợ thủ công thường chỉ làm theo kinh nghiệm tự phát chứ không theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên nghiệp. Nhân viên quản lý chất lượng của Indochina phải thường xuyên đến từng hộ sản xuất để kiểm hàng rất kỹ, từ khâu đan tạo hình đến màu sắc chuẩn.

Sau một thời gian gom hàng nhỏ lẻ từ các hộ sản xuất ở làng nghề, nhằm tăng hiệu quả kinh doanh, Indochina quyết định xây dựng hai nhà máy tại Ninh Bình và Chương Mỹ, tuyển công nhân về làm việc, ưu tiên những người trẻ tuổi. Hàng năm đều có chuyên gia trong ngành thủ công mỹ nghệ hoặc các đơn vị chuyên về kỹ thuật, chất lượng đến đào tạo cho công nhân ngay tại xưởng.

Hai nhà máy của Indochina đều áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng của châu Âu.

Khoảng 2 năm gần đây, hai nhà máy đều áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng của châu Âu, khá khắt khe. Vì thế, sản phẩm của Indochina sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, kể cả sang những thị trường khó tính.

Lên sàn thương mại điện tử để tìm hướng đi mới

Một doanh nghiệp nhỏ như Indochina khó có kinh phí để đi hội chợ nước ngoài mỗi năm vài lần như những doanh nghiệp lớn đã có tên tuổi trong ngành xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ.

“Cái khó ló cái khôn”. Ngay cuối năm 2015, Indochina tìm hướng đi mới – kênh kinh doanh online (trực tuyến).

Thời điểm ấy, ở một số quốc gia khác, thương mại điện tử rất phát triển, nhưng trong nước vẫn chưa nhiều doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ tiếp cận kênh kinh doanh hiện đại này.

Sau khi tìm hiểu thị trường, Indochina quyết định đăng ký làm thành viên của sàn thương mại điện tử Alibaba.com; các sản phẩm khi “lên sàn” mang thương hiệu Viettime Craft.

Giai đoạn đầu không ít khó khăn. Đội ngũ kinh doanh xuất nhập khẩu của Indochina chỉ có Thanh Tâm cùng 2 nhân viên và 1 cộng tác viên, đã tự vận hành kênh thương mại điện tử, từ chuẩn bị nội dung tới đăng bài, chăm sóc khách hàng…

“Hơn 1 tháng sau khi “lên sàn”, sản phẩm Viettime Craft có thư hỏi hàng đầu tiên. Thêm khoảng 2 tuần nữa thì có đơn hàng đầu tiên từ Brazil, trị giá tầm 800 USD, đặt làm 50 chiếc giỏ cói có treo quả len. Chúng tôi cặm cụi ngồi làm quả len và xếp hàng cho khách để tiết kiệm chi phí. Đơn hàng thứ hai đến từ Ấn Độ, đặt hơn 2.000 chiếc túi thổ cẩm, và cả công ty lại ngồi treo tem mác cho túi rồi đóng gói để chuyển đi”, Giám đốc Thanh Tâm nhớ lại những kỷ niệm vui thuở mới “nhập cuộc chơi” thương mại điện tử.

Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ khá đa dạng chất liệu như: Bèo, cói, mây, tre, sợi chuối, lá buông, dừa… Mỗi lô nguyên liệu chuyển về đều được đánh mã số, hỗ trợ theo dõi cả quá trình nguyên liệu đó đưa vào xưởng/nhà máy nào, làm ra sản phẩm gì, của đơn hàng nào… Mỗi đơn hàng đều có mã số riêng, khách hàng có thể nhập mã số vào hệ thống để biết chi tiết thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm từ khi còn là nguyên liệu tới khi đến tay người sử dụng. Hệ thống truy xuất nguồn gốc, xuất xứ giúp khách hàng quốc tế yên tâm hơn về sản phẩm thương hiệu Việt.

Xác định mình là “lính mới”, để thu hút khách hàng, Indochina triển khai chính sách bán tối thiểu 50 sản phẩm cho mỗi mã đặt hàng, trong khi các doanh nghiệp lớn thường bán với mức tối thiểu 100 – 500 sản phẩm/mã để tối ưu chi phí logistics.

“Chính sách bán tối thiểu 50 sản phẩm/mã của Indochina được nhiều khách hàng quốc tế quan tâm, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tháng 4/2016, Indochina xuất khẩu container đầu tiên sang Pháp. Khách hàng là một người mới kinh doanh tại thị trường Pháp, muốn đặt hàng nhiều loại sản phẩm trong 1 container vì chưa biết sản phẩm nào sẽ bán chạy. Container đấy có hơn 20 mã sản phẩm. Chúng tôi chấp nhận tạo điều kiện cho họ có cơ hội kinh doanh. Sau này một số mã hàng bán khá chạy, họ đã đặt lại nhiều lần”, nữ Giám đốc 9x kể tiếp.

Đa dạng sản phẩm thủ công mỹ nghệ thương hiệu Viettime Craft đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang cả những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu.

Rất nhiều khách hàng quốc tế khác cũng rất hài lòng khi mua sản phẩm thủ công mỹ nghệ thương hiệu Viettime Craft bởi sự thấu hiểu và chiều khách tối đa của doanh nghiệp Việt. Giai đoạn Covid-19 và hậu Covid-19, có khách hàng đặt hơn 100 mã hàng cho 1 container, mỗi mã hàng chỉ khoảng 30 sản phẩm, vẫn được phục vụ chu đáo.

Rất nhiều dòng thư và tin nhắn từ khách nước ngoài gửi nữ Giám đốc trẻ sau khi mua sản phẩm Viettime Craft đã tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực cho đội ngũ Indochina trên hành trình đã chọn.

“Tôi không thể không khen ngợi độ tinh tế và đẹp mắt của hàng mây tre đan đến từ Việt Nam, đặc biệt là xưởng sản xuất của các bạn! Tôi cảm nhận được sự tôn trọng và tình yêu của người thợ đan đối với nghề của mình”, Vicky Lauren, một khách từ Mỹ chia sẻ cảm nghĩ.

Sam Green, một giám đốc ở Anh bày tỏ: “Tôi đã không có cơ hội đi thăm nhà máy vì Việt Nam ở rất xa. Tôi đã chọn tin tưởng các bạn và tôi đã đúng. Các bạn làm rất tốt, sẽ quay lại cho lần tiếp theo. Xin cảm ơn”.

Tuy nhiên, hành trình phát triển của Indochina không phải lúc nào cũng bằng phẳng, thăng tiến.

Năm 2017, sự cố lớn xảy ra. Một cộng tác viên phát triển kinh doanh online báo giá riêng cho khách hàng với mức thấp hơn giá quy định của công ty. Indochina mất nhiều đơn hàng lớn, uy tín bị ảnh hưởng khi kẻ xấu lấy thương hiệu của công ty để bán hàng nhưng sản phẩm không đảm bảo chất lượng xuất khẩu.

“Chúng tôi khá sốc khi biết chuyện này, nhưng sau đó nhanh chóng hoàn thiện quy trình quản lý nhân sự, quản lý khách hàng để tránh rủi ro tương tự khi mở rộng hoạt động kinh doanh trực tuyến”, nữ Giám đốc trẻ không giấu giếm kỷ niệm buồn trong quá khứ bởi cho rằng trong rủi lại có may, sự cố này cũng đem lại kinh nghiệm quản lý tốt hơn cho công ty.

Cùng với gian hàng trên Alibaba.com, Indochina còn triển khai nhiều kênh kinh doanh trực tuyến khác như website, mạng xã hội… Doanh số kinh doanh trực tuyến giai đoạn 2020 – 2021 tăng tới 40 – 50% so với 2018 – 2019; năm 2022 tăng 15% so với năm 2021.

Đặc biệt, trong năm 2022, Indochina bất ngờ có tên trong danh sách Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com.

Chinh phục nhiều khách hàng kỹ tính

Dù chỉ là một doanh nghiệp nhỏ, song hiện tại, Indochina đã đưa đa dạng mặt hàng thủ công mỹ nghệ thương hiệu Việt tới nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong đó, thị trường Mỹ gồm Mỹ, Mexico, Canada là thị trường xuất khẩu trực tuyến chính, chiếm hơn 40% doanh số của Indochina. Thị trường châu Âu có Pháp, Đan Mạch, Đức. Thị trường châu Á chủ yếu là Nhật Bản. Ngoài ra còn có những thị trường tiềm năng khác như Ý, Braxil, các nước trong khối Ả rập...

Với thị trường Mỹ, sản phẩm thương hiệu Viettime Craft được đưa vào một hệ thống siêu thị với mức giá không cao, dưới 5 USD/sản phẩm, nhưng khách đặt hàng liên tục, mỗi lần 3 – 4 container với số lượng hàng chục ngàn chiếc, thường xuyên phải có mẫu mã mới.

“Lúc đầu chúng tôi cũng nghĩ với giá đấy thì mình không thể nào làm được. Nhưng qua quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm, chúng tôi đã tìm ra cách làm vừa lòng khách hàng, đó là thay đổi màu sắc, thêm họa tiết trang trí theo trend (xu hướng thị trường) để tạo tính mới cho sản phẩm. Bây giờ đang là cuối năm 2023 nhưng chúng tôi đã làm xong mẫu sản phẩm mùa Giáng sinh năm 2024 và đã có đơn hàng từ khách Mỹ, thậm chí đã có cả mẫu cho năm 2025”, nữ Giám đốc 9x tiết lộ bí quyết.

Phòng Nghiên cứu và Phát triển (R&D) sản phẩm của Indochina đều đặn 2 tháng/lần sẽ ra bộ sưu tập mới đối với các thị trường xuất khẩu. Thị trường Mỹ có tần suất ra bộ sưu tập mới nhiều nhất, có khi tới 6 – 7 lần/năm. Thị trường châu Âu tần suất thấp hơn, chỉ 3 – 4 lần/năm…

Đội ngũ Indochina liên tục nghiên cứu và thiết kế ra bộ sưu tập mới cho các thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, khi kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới, không phải đơn hàng nào cũng đến tay doanh nghiệp Việt một cách dễ dàng.

Một công ty bán đồ trang trí nội thất rất lớn tại Đan Mạch đặt hàng khay sơn mài, hộp sơn mài, thuộc loại hàng kỹ thuật rất cao. Phía Indochina phải vẽ mẫu sản phẩm rồi chuyển sang Đan Mạch 4 – 5 lần, chấp nhận mức phí chuyển phát cao, mỗi lần họ chỉ chỉnh sửa một chút, lúc thì chỉnh lại ngôi nhà hơi lệch, lúc lại chỉnh mắt con ngựa hơi liếc… Công ty Đan Mạch còn yêu cầu sản phẩm phải bóng loáng, không vết gợn. Thông thường Indochina chỉ kiểm tra chất lượng theo tiêu chuẩn AQL (xác suất một số phần trăm nhất định trong đơn hàng). Riêng lô hàng sơn mài này được kiểm tra 100% sản phẩm để đảm bảo không có chi tiết lỗi nhỏ nào. Sau khi nhận hàng và thấy hài lòng, 3 năm nay, công ty Đan Mạch đã trở thành khách hàng thường xuyên của doanh nghiệp Việt.

Một khách hàng kỹ tính khác có hệ thống cửa hàng khá lớn tại châu Âu. Dự án Lighting (làm hàng đèn trang trí) cho khách hàng này được Indochina bắt đầu triển khai từ tháng 9/2021. Sau khi đưa ra chuỗi thiết kế riêng, đặt tên sản phẩm liên quan đến châu Âu, làm catalogue sản phẩm phù hợp thị hiếu theo đúng yêu cầu của khách..., là chuỗi ngày dài chờ đội ngũ quản lý chủ chốt của khách hàng duyệt mẫu, giá bán và số lượng sản phẩm. Tiếp đến là 3 – 4 lần gửi mẫu sang châu Âu để duyệt. Qua gần 2 năm, khách hàng đặc biệt này mới chốt đơn với số lượng lớn, xuất khẩu trong cả năm 2024, kèm yêu cầu Indochina phải mua bảo hiểm trách nhiệm hàng hóa cho sản phẩm xuất khẩu, lên đến hơn 200 triệu đồng/năm.

“Những khách hàng kỹ tính luôn muốn mang lại sản phẩm hoàn hảo nhất, giá trị tốt nhất cho người mua hàng của họ. Indochiana học hỏi được rất nhiều từ những khách hàng chuyên nghiệp đó. Với slogan “The best choice for you – Mang điều tốt nhất tới cho bạn”, quan điểm kinh doanh xuyên suốt của chúng tôi là phải luôn mang lại lựa chọn tốt nhất cho khách hàng, không bán cho khách hàng cái mình có mà phải bán cho họ cái họ cần, để họ trở thành những khách hàng hạnh phúc. Khách hàng càng khó tính mà mình vẫn chiều được, chứng tỏ mình cũng ngày càng trưởng thành”, Giám đốc Thanh Tâm phân tích.

Nhấn mạnh cảm giác tự hào khi hàng xuất khẩu “Make in Vietnam” với thương hiệu Indochina và Viettime Craft ngày càng được nhiều khách hàng quốc tế biết đến, nữ Giám đốc trẻ cũng thẳng thắn bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Việt có tính liên kết cao hơn khi kinh doanh trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

“Các doanh nghiệp Trung Quốc liên kết với nhau rất chặt chẽ để nhận đơn hàng quốc tế trên Alibaba.com. Khi có 1 thư hỏi hàng chung, chỉ cần thấy sản phẩm đó doanh nghiệp trong nước làm được, một nhà cung cấp Trung Quốc bất kỳ sẽ không ngần ngại nhận luôn về rồi bảo nhau làm. Trong khi các doanh nghiệp Việt thường chỉ quan tâm tới những sản phẩm cá nhân mình có thể cung cấp được. Doanh nghiệp Việt cần linh hoạt và đoàn kết hơn khi kinh doanh thương mại điện tử để có thể cạnh tranh với các đối thủ mạnh trên thế giới. Chẳng hạn đơn hàng lớn nếu 1 doanh nghiệp làm phải mất 7 tháng, nhưng nhiều doanh nghiệp kết hợp làm sẽ rút ngắn được thời gian, giảm chi phí, giá thành, sẽ dễ có thêm đơn hàng. Khi đó, sản phẩm thủ công mỹ nghệ thương hiệu Việt sẽ hiện diện nhiều hơn trên phạm vi toàn cầu”, nữ Giám đốc 9x tranh thủ khuyến nghị thêm khi đứng cạnh tấm bản đồ thế giới trong phòng khách để chúng tôi chụp tấm hình đăng kèm bài viết này.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nu-giam-doc-9x-va-hanh-trinh-ung-dung-cong-nghe-dua-hang-viet-xuat-ngoai-2223878.html