TP Hồ Chí Minh: Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động làm việc tốt

Chiều 11/5, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Chương trình 'Cảm ơn người lao động' để biểu dương cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động.

Đại diện người lao động bày tỏ tâm tư, nguyện vọng để chính quyền TP Hồ Chí Minh quan tâm tới các chính sách nhà ở xã hội, khám chữa bệnh... cho công nhân.

Tại buổi gặp mặt, đại diện công nhân lao động Thành phố đã bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo Thành phố về giải quyết chỗ ở, chính sách an sinh xã hội nhằm giúp người lao động "an cư lạc nghiệp" lâu dài.

Ông Trần Anh kiệt, Công ty TNHH Hitachi Zosen Việt Nam cho biết, hiện nay, chính sách xây dựng nhà ở xã hội, các thiết chế công đoàn cho người lao động và con em của công nhân được nhiều người lao động quan tâm nhất. Tuy nhiên, các chương trình này còn nhiều vướng mắc về cơ chế và chính sách. Vì vậy, người lao động kỳ vọng chính quyền Thành phố cần quan tâm tháo gỡ nhanh chóng hơn.

“Thực tế hiện nay, tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đều thiếu thốn về nơi khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động. Đặc biệt là vấn đề nhà ở xã hội, mặc dù nhu cầu công nhân rất cao nhưng các dự án lại không nhiều. Vì vậy, lãnh đạo Thành phố cần ưu tiên dành quỹ đất hợp lý để quy hoạch và xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động. Ngoài ra, đối với các khu nhà trọ, Thành phố cần chỉnh trang, quy hoạch để bảo đảm phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tư, qua đó đáp ứng đời sống tốt hơn, chất lượng và văn minh hơn… cho người lao động”, ông Trần Anh Kiệt chia sẻ.

Trong khi đó, bà Đoàn Trần Lan Phương, bộ phận bán hàng thuộc Công ty TNHH Lotte Việt Nam (Quận 7) cho biết, hiện nay, người lao động đang “ăn đong” về tài chính, hầu hết họ đều ở trọ, mức thu nhập không ổn định trong khi phải gồng gánh nhiều khoản chi phí cho bản thân và gia đình. Vì vậy, Thành phố và các cấp công đoàn cần quan tâm miễn giảm học phí cho con em công nhân, thực hiện các chính sách an sinh để hỗ trợ phần nào đời sống người lao động trong thời kỳ khó khăn.

Ông Phạm Quang Thắng, bộ phận Công đoàn tại Trung tâm phát triển Nông nghiệp công nghệ cao, nêu thực tế công ty có 60% là lao động nữ, phần nhiều ở lứa tuổi 28 - 35. Đây cũng là độ tuổi sinh đẻ và thực tế phát sinh là khi hết thời gian nghỉ thai sản, nữ lao động không thể tìm được chỗ gởi trẻ công lập để đi làm, bởi hầu hết các trường mần non công lập đều quy định nhận trẻ từ 12 - 15 tháng tuổi trở lên. Trước khó khăn này, công nhân phải gởi trẻ tại các cơ sở tự phát không bảo đảm về điều kiện cơ sở vật chất hoặc đưa ông bà ở quê vào chăm sóc giúp, từ đó làm tăng chi phí sinh hoạt, tạo thêm gánh nặng cho kinh tế cho công nhân lao động. Vì vậy, để công nhân yên tâm làm việc, doanh nghiệp mong Thành phố quan tâm, có giải pháp hỗ trợ, xây dựng các nhà trẻ, trường mầm non an toàn, giá cả phải chăng...

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh trao quà lưu niệm cho đoàn viên, công nhân tiêu biểu của Thành phố.

Lắng nghe các nguyện vọng, tâm tư của người lao động, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, người lao động, công nhân đã có nhiều đóng góp quý báu, sáng tạo đối với sự phát triển của Thành phố thông qua kết quả lao động, sản xuất, thi đua, học tập tại doanh nghiệp.

“Lãnh đạo Thành phố không chỉ ghi nhận sự đóng góp của người lao động thông qua con số về tăng trưởng, không đơn giản chỉ có việc làm, thu nhập mà hơn hết là câu chuyện xây dựng và phát triển thành phố, phát triển bền vững. Do đó, Thành phố cần xác định mục tiêu, giải pháp cụ thể để tạo điều kiện cho người lao động đóng góp, sáng tạo, làm việc, sinh sống, kể cả hỗ trợ điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Ông Phan Văn Mãi cũng cho biết, dưới góc độ chính quyền, Thành phố sẽ phấn đấu tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, tạo việc làm để người lao động có thu nhập ổn định, có môi trường làm việc tốt hơn. Trong đó, Thành phố sẽ nỗ lực giải quyết nhà ở xã hội, y tế và giác dục. Thực tế, vấn đề nhà ở là vấn đề người lao động hết sức quan tâm nhưng số lượng nhà ở xã hội vừa qua được xây dựng không nhiều, nguyên nhân là do vướng quy hoạch, đất đai, các doanh nghiệp đầu tư không sinh lợi nên không quan tâm...

"Sắp tới, để giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động, Thành phố sẽ tập trung vào ba nội dung. Trước hết, đối với nhà trọ, Thành phố đang rà soát lại và yêu cầu các chủ nhà trọ phải bảo đảm đạt chuẩn về phòng cháy chữa cháy; nghiên cứu hỗ trợ về sinh hoạt phí như điện, nước đối với công nhân lao động. Thứ hai, hình thành loại nhà cho thuê đối với công nhân ở mức chi phí hợp lý, giúp người lao động bức bách về nhà ở. Thứ ba, đối với nhà ở xã hội, Thành phố xem xét hỗ trợ lãi suất cho vay hợp lý để làm sao người lao động tiếp cận nhà ở nhanh và hiệu quả hơn so với thực tế hiện nay", ông Phan Văn Mãi cho biết thêm.

Ngoài ra, người đứng đầu chính quyền Thành phố cũng giao các Sở Y tế, Giáo dục phối hợp cùng Liên đoàn lao động Thành phố thực hiện khám, chữa bệnh định kỳ cho công nhân lao động, ưu tiên quan tâm về các cơ sở giáo dục mần non, đầu tư các thiết chế đặc thù cho công nhân lao động thành phố…

Theo Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, chương trình "Cảm ơn người lao động" là một trong những nội dung trọng tâm của các cấp Công đoàn trong Tháng công nhân gắn với Tháng an toàn vệ sinh lao động. Đây là hoạt động tôn vinh giá trị của người lao động, cảm ơn những đóng góp tích cực của lực lượng cán bộ, đoàn viên, người lao động và quá trình phát triển của thành phố, đất nước.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/tp-ho-chi-minh-tiep-tuc-tao-dieu-kien-thuan-loi-cho-nguoi-lao-dong-lam-viec-tot-20240511200552751.htm