NSƯT Phi Điểu: 'Lao động nghệ thuật luôn cần sáng tạo và bền bỉ'

NSƯT Phi Điểu năm nay 91 tuổi (sinh năm 1933) vừa được vinh danh ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại lễ bế mạc Liên hoan phim ngắn TP Hồ Chí Minh tối 29/10/2023. Sau nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng với 'Gánh gánh gồng gồng' đạt giải 3 năm trước, làng văn nghệ lại có thêm một kỳ tích về lao động, sáng tạo nghệ thuật bền bỉ.

NSƯT Phi Điểu bén duyên với điện ảnh cùng những bộ phim dài tập khá muộn. Với nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng, đây là điều bình thường. Khi đi qua dâu bể, mất mát, những đoạn trường đời thì vào tuổi xa xôi, người nghệ sĩ dường như mới "nở rộ" nên được những tác phẩm, vai diễn để đời. Sự thành công của bà ở vai bà Hai trong phim dài tập đầu tiên "Blouse Trắng" (2002) đã là minh chứng mạnh mẽ nhất cho điều đó.

NSƯT đoạt giải diễn xuất ở tuổi 91.

Năm 2023 này, vai bà Ngọc trong phim "Ai giết bánh bò" của đạo diễn trẻ Trương Thế Thịnh đã giúp bà đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất ở tuổi 91. NSƯT Phi Điểu nói, bà vô cùng bất ngờ khi được xướng tên ở hạng mục này, phim bà đã đóng từ 2-3 năm trước, còn không nhớ đóng ra sao, diễn gì mà được giải. Chỉ vỏn vẹn nhớ lại chút đỉnh khi ban tổ chức chiếu phim vào lễ bế mạc, và cũng chỉ sâu sắc với chi tiết bà gào khóc ở cuối phim khi "bạn diễn" - chú chó của bà mất. Đạt giải khi đã vào tuổi hạc, bà vui lắm. Nhưng NSƯT Phi Điểu lại chỉ thiết tha, ấn tượng với duy nhất một điều: đạo diễn của phim là một người trẻ.

Dường như tâm niệm đặc biệt, bà luôn có lòng tin yêu kỳ lạ với người làm nghệ thuật trẻ. Bà luôn giúp đỡ, nhận đóng phim miễn phí cho sinh viên, cho những người chập chững bước vào ngành điện ảnh. Khen sinh viên, khen người khác, bà không kiệm lời. Nhưng nói về mình lúc nào bà cũng bối rối, cười trừ! "Từng tuổi này bà vẫn cần học các cháu, học tụi con, nhiều cái cần học lắm, không khi nào ngưng nghỉ được đâu. Thời gian của bà ít, bà cũng không muốn uổng phí". Dù đóng phim cho sinh viên, cho người mới hẳn khó và mất nhiều thời gian hơn so với những đoàn phim chuyên nghiệp, bà bảo "bị hành hòa" nhưng vẫn tham gia. Bà làm phần vì thương, phần cũng vì những trân trọng, tâm niệm riêng của bà với nghề diễn.

Nghề diễn cũng chỉ như trăm nghề đã đi qua, trăm nghề bà đã làm để kiếm sống và đóng góp với đời, từ thời bom đạn đến thời bình, như cô giao liên, diễn viên múa, nghệ sĩ cải lương, phát thanh viên… Bà từng tâm sự nặng trĩu: "Có kiếp sau tôi vẫn muốn được làm nghề phát thanh". Nhiều người nói điện ảnh chỉ là một phần nhỏ láy lên trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật lâu dài, thầm lặng nhưng sâu và rộng của bà. Một phần nhỏ ấy giữa cuộc đời nhiều thăng trầm nhưng lại sáng rực không vết xước trong trái tim bao thế hệ người Việt. Cái sáng rực ấy được tích hợp bởi nhiều thứ ở bà, bởi sự đam mê, tính trách nhiệm, tình yêu nghề ngọt ngào và tất nhiên, là cả tài năng.

Đồ rằng, nói bà nghỉ hưu theo đúng nghĩa, dừng hẳn nghề đi diễn ở tuổi 91 mà ở nhà ngắm hoa rụng ban chiều, ra công viên tập thể dục cùng hội phụ lão, thì e rằng không thể. Cái tài của bà trong nghề diễn ai cũng nhắc nhiều, nhưng cái tâm và sức lao động bền bỉ vì nghề của bà là một thứ "của lạ", cực hiếm! Điều này, hẳn bất kỳ nghệ sĩ trẻ nào dù đang sục sôi nhiệt huyết hay hoang mang bám trụ vào nghề cũng đều khát khao có được.

Năm ngoái, 2022, bà Nguyễn Thị Xuân Phượng (sinh năm 1929), một đạo diễn, một nhà văn với cuốn hồi ký "Gánh gánh gồng gồng" đã đoạt giải của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Năm ấy, bà Xuân Phượng cũng 91 tuổi, cũng là tuổi của NSƯT Phi Điểu bây giờ. Những văn nghệ sĩ cao tuổi hết mình với lao động nghệ thuật nhọc nhằn và bền bỉ như vậy ở thời đại mà nghệ sĩ trẻ như "lá rụng mùa thu" là điều vô cùng quý hiếm. Thời chiến, bà Xuân Phượng từng là phóng viên chiến trường, rồi cũng làm đủ mọi nghề. Thời bình, bà là đạo diễn, là nhà văn, mở phòng tranh Lotus Gallery ở TP Hồ Chí Minh. Họ chỉ khao khát đóng góp. NSƯT Phi Điểu nói: "Đi diễn cũng là phục vụ nhân dân thôi. Còn sức khỏe, còn làm được gì thì vẫn sẽ làm".

Vẫn đi diễn, những khó khăn là không kể hết, nhất là khi đòi hỏi phải sáng tạo khi tuổi đã quá cao. Những vai diễn… na ná nhau, những vai về mẹ, về bà, bà đã diễn suốt hàng chục năm nay, nếu không nghiên cứu kỹ, thiếu đổi mới thì cũng chỉ ra một hình ảnh na ná, sẽ không bao giờ ra được cái "hồn" của nhân vật. Bà làm nhiều nhưng không làm cho xong, không làm qua loa mà luôn đặt trọn thời gian, công sức và tâm huyết của mình vào từng vai. Bà đùa với tôi: "Diễn nhiều, khi khó mà tròn thì ít nhất cũng không để vai nó méo". Rồi bà cười một nụ cười đôn hậu, bao dung, một nụ cười bình yên nhưng chưa bao giờ ngừng trăn trở về cuộc đời, về cách làm nghề, về lao động nghệ thuật.

NSƯT Phi Điểu cùng chiếc xe máy bà hay đùa là “đôi chân” để đi diễn của mình.

Ở tuổi 91, NSƯT Phi Điểu vẫn giữ được cho mình ngọn lửa nghề bền bỉ sáng, theo bà nói âu cũng nhờ những động lực, những "viên thuốc bổ" mà khán giả mến mộ tiếp sức cho bà mỗi ngày. Bà mỉm cười khi nhắc tới những thức quà nho nhỏ mà người ta treo lên xe máy bà mỗi lần ra chợ Tân Định, cái cuốc xe ở Hà Nội năm nào không nhớ rõ người ta chở bà đi mà dứt khoát không chịu nhận tiền. Cũng bởi vì bà là NSƯT Phi Điểu, người đã sống trong tâm thức họ từ rất lâu, qua những Chuyện đêm khuya trên đài phát thanh thành phố, qua những vai diễn bà Hai trong "Blouse Trắng", bà Sáu trong "Cổng mặt trời" ...

Những miền ký ức mờ nhòe trong lời kể của bà, để điều cuối cùng bà trân trọng trong nghề, điều níu bà lại sau những mệt mỏi, những bền bỉ bà chuẩn bị mỗi ngày để tự lái xe máy đi diễn một mình, chính là tình yêu thương của mọi người dành cho bà - bà mẹ quốc dân của màn ảnh Việt.

Yêu nghề không đắn đo, nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất khiến bà ngỡ ngàng. "Bà mừng vì cũng có được sự đóng góp nho nhỏ, cái kỷ niệm… để dành chắc cũng là cuối đời".

Loay hoay sắp xếp chữ nghĩa, tôi gọi điện cho bà để băn khoăn về một chuyện… hơi cũ, nhưng nhắc lại vẫn mới, vì chưa rõ ngọn ngành. Đó là chuyện hơn ngần ấy năm lao động nghệ thuật nhọc nhằn và bền bỉ, tại sao bà vẫn chưa được xét phong NSND. Đây cũng là câu hỏi, suy tư chung của những người thầm yêu mến bà. Bà cười: "Không có danh hiệu NSND vì bà không làm đơn xin xét duyệt. Ngày trước, nhờ Đài làm hồ sơ mà bà mới có tên NSƯT. Nhưng làm nhân dân vui, sống trong lòng nhân dân cũng đã là một nghệ sĩ của nhân dân rồi cháu ạ".

Tôi thấy mình xấu hổ và ngây ngô. Một nghệ sĩ chân chính với những đóng góp lâu dài và thầm lặng như bà sẽ không bận tâm nhiều đến một danh xưng, một cách gọi. Với nghệ thuật, danh hiệu chưa bao giờ là cứu cánh. Nhưng tôi vẫn băn khoăn, những đóng góp của bà đã sống trong lòng dân mà chưa ít nhiều được công nhận chính thức, đầy đủ, có lẽ cũng là điều nên nghĩ. Nhà nước nên chăng cần một cơ chế thoáng hơn để vinh danh, ghi công những văn nghệ sĩ cao tuổi vẫn bền bỉ với hoạt động nghệ thuật, vẫn tận hiến. Một sự công nhận như vậy sẽ góp phần cổ vũ, thúc đẩy văn nghệ sĩ có thêm động lực sáng tạo, đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân cũng từ đó được nâng cao.

"Tôi khóc những chân trời không có người bay/ Lại khóc cho những người bay không có chân trời" (Trần Dần), nếu không có "những người bay" như bà, ắt hẳn lao động nghệ thuật chỉ như những cánh chim hoang lạc. Chiều nay trời quang, trong lòng tôi quẩn quanh suy nghĩ cứ mãi cảm phục cánh chim không ngưng nghỉ của bà…

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nsut-phi-dieu-lao-dong-nghe-thuat-luon-can-sang-tao-va-ben-bi-i714047/