Nóng trong tuần: Sóng nhiệt mạnh bao trùm châu Á; Kế hoạch tấn công Rafah đe dọa nỗ lực đạt thỏa thuận ngừng bắn

Làn sóng biểu tình phản chiến ở Gaza tại các trường đại học, sóng nhiệt mạnh bao trùm châu Á, kế hoạch tấn công Rafah đe dọa nỗ lực đạt thỏa thuận ngừng bắn và Fed duy trì lãi suất ổn định là các vấn đề quốc tế đáng chú ý thu hút dư luận trong tuần qua.

Làn sóng biểu tình phản đối giao tranh ở Gaza tại các trường đại học

Khu lều trại của sinh viên biểu tình để bày tỏ ủng hộ người Palestines tại khuôn viên đại học Columbia ở New York (Mỹ) ngày 30/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Những căng thẳng chồng chất liên quan cuộc xung đột Hamas - Israel trong các trường đại học ở Mỹ đã bùng phát thành bạo lực trong ngày 1/5 khi một nhóm người biểu tình ủng hộ Israel tấn công một nhóm người ủng hộ Palestine trong khuôn viên chi nhánh Đại học Columbia tại Los Angeles (UCLA). Tình trạng hỗn loạn cũng xảy ra tại Đại học Columbia chi nhánh New York, buộc lực lượng cảnh sát phải can thiệp, bắt nhiều người biểu tình. Thị trưởng New York cho biết cảnh sát đã bắt giữ khoảng 300 người liên quan.

Các cuộc biểu tình lần này được tổ chức sau khi cuộc xung đột Hamas - Israel bùng phát ngày 7/10/2023. Tới nay, biểu tình đã diễn ra tại hơn 20 trường đại học trên khắp bờ Đông, bờ Tây, khu vực phía Nam, Trung Tây nước Mỹ.

Không chỉ ở Mỹ, các cuộc biểu tình như trên cũng bắt đầu làn truyền cảm hứng trong các trường đại học tại một số nước khác.

Tại Australia, hàng trăm người phản đối cuộc xung đột tại Gaza ngày 3/5 đã tập trung tại Đại học Sydney - một trong những cơ sở giáo dục đại học lớn nhất nước này - yêu cầu trường này thoái vốn khỏi các công ty có quan hệ với Israel. Các cuộc biểu tình cũng đã xuất hiện tại các trường đại học ở Melbourne, Canberra và các thành phố khác của Australia.

Tại thủ đô Paris của Pháp, trường Đại học Sciences Po đã đóng cửa trong ngày 3/5 sau khi cuộc tranh luận giữa ban lãnh đạo viện và sinh viên về xung đột tại Gaza không giúp giảm căng thẳng, khiến những người biểu tình chiếm giữ trường qua đêm.

Các nước châu Á chật vật ứng phó với sóng nhiệt bao trùm

Trẻ em giải nhiệt tránh nóng tại đài phun nước ở Seoul, Hàn Quốc ngày 28/4/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Sóng nhiệt mạnh đang bao trùm các vùng rộng lớn của châu Á, gây rối loạn cuộc sống thường nhật và đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Trong những tuần gần đây, Ấn Độ đã trải qua các đợt nắng nóng trong giai đoạn trước gió mùa, với nhiệt độ khoảng 40°C. Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, tần suất, thời gian diễn ra và thời gian tối đa của các đợt nắng nóng đang gia tăng do toàn cầu ấm lên. Các mô hình dự báo của IPCC cho thấy đến năm 2060, xu hướng nắng nóng sẽ tăng thêm 2 đợt và thời gian nắng nóng sẽ kéo dài thêm 12-18 ngày.

Tương tự, Bangladesh, Thái Lan, Philippines, Lào cũng nằm trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, khi nắng nóng làm gián đoạn các hoạt động xã hội, buộc trường học phải đóng cửa. Từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế Thái Lan đã ghi nhận 30 trường hợp tử vong liên quan đến nắng nóng, so với tổng số 37 trường hợp tử vong do sốc nhiệt trong cả năm 2023. Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đang chuẩn bị thúc đẩy các tour du lịch sáng sớm và buổi tối để ổn định thị trường trong bối cảnh thời tiết nắng nóng gay gắt khiến du khách chọn ở nhà thay vì tới các điểm du lịch ngoài trời.

Trong khi đó, tại Philippines, Cục Khí tượng, địa lý và thiên văn vật lý Philippines (PAGASA) cảnh báo chỉ số nhiệt ở nước này có thể đạt mức "cực kỳ nguy hiểm" là 57 độ C. Philippines đã phải tạm đóng cửa trường học trong tuần qua vì gặp phải đợt nắng nóng kỷ lục trong hơn 100 năm.

Tại Lào, Bộ Giáo dục và Thể thao nước này cũng xem xét cho học sinh cả nước nghỉ học trong trường hợp cần thiết trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục liên tục trên 40 độ C.

Nga lên tiếng về hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ

Ngày 3/5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmytro Peskov một lần nữa cảnh báo bất cứ đàm phán nào về cuộc xung đột ở Ukraine mà không có sự tham gia của Nga sẽ không có kết quả.

Trước đó cùng ngày, Thụy Sỹ thông báo nước này đã mời hơn 160 đoàn tham dự hội nghị hòa bình Ukraine vào tháng tới theo yêu cầu của tổng thống Ukraine và dựa trên "công thức hòa bình" 10 điểm mà nhà lãnh đạo Ukraine đưa ra, đồng thời kêu gọi tất cả các đoàn tham dự đóng góp ý tưởng cũng như tầm nhìn vì một nền hòa bình công bằng lâu dài ở Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là sẽ dự hội nghị. Trung Quốc hồi tháng 3 cũng cho biết đang cân nhắc cử đại diện dự hội nghị. Theo kế hoạch, hội nghị sẽ diễn ra trong ngày 15-16/6 tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock gần thành phố Lucerne, miền Trung Thụy Sĩ.

Theo Bern, ở giai đoạn này, Nga không nằm trong danh sách các đoàn được mời. Dẫu vậy, Thụy Sỹ vẫn tin rằng một tiến trình hòa bình mà không có Nga là không thể được.

Về phía Ukraine, Chánh Văn phòng Tổng thống nước này, ông Andriy Yermak cũng xác nhận Nga sẽ không có mặt tại hội nghị hòa bình vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ. Theo ông Yermak, việc không mời Nga là quan điểm mang tính nguyên tắc của Ukraine.

Lo lạm phát chững lại, Fed duy trì lãi suất ổn định

Bên ngoài trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ảnh: AFP

Sau cuộc họp chính sách thường kỳ ngày 1/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất chính sách lần thứ 6 liên tiếp, trong khoảng 5,25 đến 5,5% - mức cao nhất trong 23 năm.

Chủ tịch Fed Jerome Powell chỉ rõ nguyên nhân khiến các nhà hoạch định ra quyết định như trên là dotiến triển về lạm phát đã chững lại trong vài tháng gần đây. Theo ông Powell, để Fed nâng lãi suất trở lại thì cần thấy bằng chứng thuyết phục rằng lãi suất hiện tại chưa đủ thắt chặt để kéo giảm lạm phát về 2%. Chủ tịch Fed cũng loại trừ khả năng tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 6.

Sau quyết định của Fed, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến diễn biến trái chiều của các chỉ số chính. Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/5, chỉ số Dow Jones đã tăng điểm nhưng chỉ số S&P 500 và chỉ số Nasdaq lại bất ngờ giảm. Còn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phần lớn thị trường chứng khoán giảm điểm. Trong khi đó, giá vàng thế giới hôm 1/5 đã quay đầu đi lên, tăng 1,3%, đạt mức 2.314,99 USD/ounce. Theo các chuyên gia, đó là do lạm phát vẫn ở mức cao, khiến các nhà đầu tư đang hướng tới vàng như một công cụ hữu hiệu chống lại lạm phát.

Kế hoạch tấn công Rafah ngăn cản nỗ lực đạt thỏa thuận ngừng bắn

Binh sĩ Israel tham gia chiến dịch quân sự tại Dải Gaza ngày 25/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 3/5, các cơ quan nhân đạo, y tế của Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo chiến dịch tấn công quân sự của Israel nhằm vào thành phố Rafah ở miền Nam Dải Gaza có thể dẫn đến một cuộc tàn sát dân thường.

Người phát ngôn của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ cho rằng một cuộc tấn công bộ binh nhằm vào Rafah sẽ gây tổn thất lớn hơn, đe dọa tính mạng của hàng trăm nghìn người và gây gián đoạn cho hoạt động viện trợ nhân đạo vốn dĩ gặp khó khăn tại vùng chiến sự. Cùng ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đã lập kế hoạch dự phòng ứng phó với một cuộc tấn công trên bộ vào Rafah.

Trước đó, Tham mưu trưởng quân đội Israel Herzi Halevi ngày 29/4 đã phê duyệt kế hoạch tấn công trên bộ nhằm vào nơi trú ẩn của hơn 1 triệu người tị nạn Palestine này.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nhà hòa giải quốc tế đang nỗ lực giúp Israel và Hamas đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Israel đã đặt thời hạn 1 tuần để Hamas đồng ý thỏa thuận giải quyết vấn đề con tin, nếu không nước này sẽ tiến hành cuộc tấn công vào Rafah. Theo đề xuất của Israel, giai đoạn ngừng bắn đầu tiên kéo dài 40 ngày, trong đó Hamas thả tối đa 33 trong hơn 100 con tin của Israel vẫn bị giữ tại Gaza kể từ khi xảy ra xung đột hôm 7/10/2023. Giai đoạn ngừng bắn thứ hai sẽ kéo dài ít nhất 6 tuần, các bên sẽ đồng ý thả con tin với số lượng lớn hơn và cam kết tạm dừng giao tranh trong thời gian dài, có thể tới 1 năm.

Tuy nhiên, theo kênh ABC News, một quan chức Israel ngày 4/5 khẳng định Tel Aviv sẽ không đồng ý kết thúc chiến tranh với Hamas như một phần của thỏa thuận bất kỳ nào.

Bảo Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nong-trong-tuan-song-nhiet-manh-bao-trum-chau-a-ke-hoach-tan-cong-rafah-de-doa-no-luc-dat-thoa-thuan-ngung-ban-20240504181031954.htm