Nông thôn giàu đẹp trên thủ phủ trám đen Hà Châu

Xã Hà Châu, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên được nhiều người biết đến với đặc sản quả trám đen thơm, bùi. Loại cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao này đang được phát triển bởi HTX bảo tồn và phát triển trám đen Hà Châu, từ đó không chỉ giúp quả trám vang danh mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương, nhất là khi HTX đã có 2 sản phẩm từ trám đạt chuẩn OCOP 3 sao.

"Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ mùa nham trám Hà Châu mà về". Mùa thu hoạch trám ở Hà Châu thường diễn ra từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hàng năm với đa dạng các món được chế biến từ quả trám.

Cây trám... nhả tiền

Nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp ven sông Cầu, cây trám đen Hà Châu phát triển tươi tốt, cho quả có lớp thịt dày, vị béo, bùi, hương thơm đặc trưng, khác hẳn với trám ở các nơi khác. Trám ngon có quả hình thoi dài, khi chín có màu xanh đen, cùi vàng, hạt nhọn hai đầu, nhân bên trong hạt trắng ngần. Những năm được mùa, một cây trám có thể cho thu hoạch từ 1- 1,5 tạ quả.

Ông Tạ Quang Đăng, Giám đốc HTX bảo tồn và chế biến trám đen Hà Châu, cho biết ngoài diện tích hiện có, HTX đã cùng chính quyền địa phương phát triển 10ha cây trám với 110 hộ dân tham gia. Sản lượng thu hoạch hàng năm khoảng 25 tấn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Điều đặc biệt là trám ở Hà Châu thường là giống trám thoi, chất lượng được đánh giá là ngon hơn hẳn. Đặc biệt, trám ngon còn bởi được người dân trồng ở chân núi, nơi có chất đất nặng và ẩm ướt. Loại trám này nhỏ quả nhưng ngon, thịt trám vàng, mềm tan và béo ngậy.

Nhờ hương vị đặc trưng và chất lượng vượt trội, giá trám tại Hà Châu đang được bán với giá 100.000- 120.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ đã vượt ra khỏi tỉnh Thái Nguyên, đến với nhiều vùng đất mới, cả ở miền Trung và miền Nam. Trám Hà Châu ít khi có mặt ở chợ quê bởi thông thường, chưa đến mùa thu hoạch, HTX và người dân đã có các đơn đặt hàng từ trước nên thường xảy ra tình trạng sản xuất không đủ bán. Nhiều thương lái còn phải vào tận vườn mua cả cây từ rất sớm.

Cả xã Hà Châu có 15 xóm thì hiện đã có đến 8 xóm trồng trám đen. Riêng ở xóm Hương Chúc, nhà nào cũng có trám, nhà ít thì vài ba cây, nhà nhiều thì khoảng chục cây. Với thời giá bán trám tươi như hiện nay, mỗi cây có thể giúp thành viên, người dân thu được khoảng 10-20 triệu đồng/năm. Với cách tính đơn giản của người Hà Châu, khi quy ra thóc, mỗi cây trám cho giá trị kinh tế bằng cả mẫu ruộng mà không mấy vất vả chăm bón.Việc vất vả nhất đối với người dân chỉ ở thời điểm thu hoạch, khi phải trèo lên cây trám cổ thụ hái quả. Tuy nhiên chính những ngày thu hoạch lại giúp vùng quê Hà Châu có không khí nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Ngoài bán trám tươi, HTX Hà Châu còn đầu tư cho chế biến như trám muối, trám đen hút chân không, nham trám, trám ngâm mắm… Lý giải lý do đầu tư cho chế biến trong khi đầu ra cho quả trám tươi luôn trong tình trạng cung không đủ cầu, ông Tạ Quang Đăng, cho biết do trồng được một cây trám phải mất đến ít nhất 8 năm mới cho thu hoạch quả. Không chỉ dừng lại ở đó, trong khi trồng thì không phải cây trám nào cũng cho quả bởi có thể là trám cái, nhưng cũng có thể là trám đực trong khi việc phân biệt giống là không hề dễ mà chủ yếu theo kinh nghiệm.

Người dân Hà Châu thu hoạch trám.

Đi liền với sự khan hiếm trong khi nhiều người muốn thưởng thức đặc sản nhưng không có điều kiện mua trám tươi nên HTX đã đẩy mạnh chế biến. Việc này vừa giúp nâng cao giá trị kinh tế, vừa giúp trám có thể vận chuyển xa và đặc biệt là nâng tầm thương hiệu trám Hà Châu, tạo động lực cho người dân, thành viên HTX trong bảo tồn và phát triển loại cây đặc sản của địa phương.

“Trám Hà Châu trước đây dù có ngon nhưng chỉ dùng để ăn chơi, tiêu thụ quanh quẩn trong huyện hoặc trong tỉnh Thái Nguyên. Nhưng nếu chế biến, nhiều người sẽ biến đến hơn, nhu cầu tiêu thụ sẽ lớn hơn”, ông Đăng tâm sự.

Đặc biệt, hiện nay để phục vụ nhu cầu thưởng thức đặc sản của địa phương với du khách, các nhà hàng trên địa bàn Hà Châu đều có món liên quan đến trám trong thực đơn. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh chế biến sẽ đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, tạo thuận lợi cho HTX trong liên kết, quảng bá, xây dựng thương hiệu.

Thúc đẩy xây dựng nông thôn mới

Hiện, các hộ thành viên trong HTX đã đầu tư cơ sở vật chất, chế biến các sản phẩm từ trám theo hướng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các sản phẩm sau khi chế biến đã được đầu tư nhãn mác, bao bì để tham gia chương trình OCOP.

Với sự nỗ lực không ngừng thời gian qua, mới đây, vào tháng 10/2023, UBND huyện Phú Bình đã có Quyết định về việc công nhận 6 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2023, trong đó có hai sản phẩm là trám đen muối và trám đen hút chân không của HTX bảo tồn phát triển và chế biến sản phẩm trám đen Hà Châu. Điều này đang góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Bởi dù đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2016 nhưng khi xây dựng nông thôn mới nâng cao, một trong những tiêu chí mà Hà Châu gặp không ít khó khăn đó là tiêu chí Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Trong khi HTX Chế biến và bảo tồn cây trám đen Hà Châu do mới thành lập trong năm 2022 nên quá trình sản xuất kinh doanh, phát triển thương hiệu gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên bằng sự nỗ lực của các thành viên và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX Chế biến và bảo tồn cây trám đen Hà Châu đã đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt là tham gia chương trình OCOP và đã thu được thành quả khả quan khi có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Trong khi, theo quy định của Bộ tiêu chí Nông thôn mới nâng cao, muốn đạt chuẩn về tiêu chí Tổ chức sản xuất và phát triển nông thôn, địa phương phải có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương còn thời hạn.

Sự phát triển của HTX trám đen Hà Châu bên cạnh HTX Dịch vụ chăn nuôi Hà Châu đã giúp xã Hà Châu hóa giải những khó khăn của tiêu chí Tổ chức sản xuất và phát triển nông thôn, từ đó giúp xã hoàn thiện 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao vào tháng 8 năm nay. Điều này góp phần không nhỏ vào việc giúp huyện Phú Bình hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao vào cuối năm nay.

Thay đổi số phận cho cây trám đực

Đóng góp không nhỏ vào quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao nên chính quyền địa phương xã Hà Châu luôn đánh giá cao vai trò của HTX trám đen Hà Châu. Chính vì vậy, UBND xã luôn đồng hành cùng HTX này trong việc bảo tồn và phát triển cây trám đen cũng như xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làm từ quả trám.

Nếu như trước đây, các thành viên và người dân lựa chọn hạt từ những quả trám chất lượng để ươm giống từ tháng 8-10 âm lịch. Sau chừng 1 tháng, hạt nảy mầm sẽ được cho vào bầu chăm sóc đến khi 3 tháng có thể mang ra trồng. Nhưng cách làm này cũng không thể giải quyết được tình trạng trám đực sau khi trồng nhiều năm nhưng không cho quả khiến chật vườn, không mang lại giá trị kinh tế xảy ra.

Trước thực trạng này, HTX đã áp dụng kỹ thuật ghép mắt. Theo đó, mắt từ những cây trám cái sẽ được ghép lên thân, cành của cây trám đực. Hoặc nhiều cây trám giống được phân biệt đặc tính đực bằng kinh nghiệm cũng sẽ được ghép mắt. Điều này giúp rút ngắn thời gian thu hoạch quả, không phải chặt bỏ những cây trám đực đã được trồng một thời gian dài. Đồng thời những cây trám giống đực cũng không bị vứt bỏ.

Theo ông Tạ Quang Đăng, trám đen xưa nay vẫn là loại quả được người dân vùng Hà Châu ven sông Cầu gìn giữ như đặc sản riêng quê hương. Chính vì vậy, bên cạnh những cây trám cổ, việc phát triển diện tích cây trám bằng hình thức trồng mới giúp giữ gìn đặc sản quý hiếm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhằm phát huy giá trị loài cây này, HTX đang tích cực cùng huyện Phú Bình, xã Hà Châu tích cực quảng bá sản phẩm trám thông qua các triển lãm, hội chợ xúc tiến thương mại, giới thiệu tại các gian hàng nông sản sạch, đồng thời quảng bá và bán hàng qua mạng xã hội. Nhờ đó, trám đen Hà Châu đã được nhiều người biết đến, có cả những khách hàng đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài cũng thích thú với sản phẩm của HTX.

Tùng Lâm

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 -2025

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nong-thon-giau-dep-tren-thu-phu-tram-den-ha-chau-1096865.html