Nông nghiệp Điện Biên và hành trình 'cất cánh'

Điện Biên là vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh. Lĩnh vực nông nghiệp cũng bị tác động lớn; có thời điểm ruộng đất bỏ hoang, năng suất thấp, thường xuyên thiếu đói, thiếu ăn… Thế nhưng, trước mọi khó khăn, thách thức, ngành Nông nghiệp tỉnh vẫn nỗ lực vượt khó đi lên. Từ một nền kinh tế canh nông, hàng năm phải phụ thuộc vào nguồn trợ cấp lương thực từ Trung ương, đến nay nông nghiệp Điện Biên đã phát triển với tốc độ nhanh, sản lượng lương thực, thực phẩm ngày càng dồi dào. Nông nghiệp trở thành lĩnh vực thế mạnh, thể hiện vai trò nền tảng, trụ đỡ cho kinh tế địa phương.

Bài 1: Nông nghiệp giữa bộn bề khó khăn

ĐBP - Sau Cách mạng Tháng Tám, cùng với nông nghiệp cả nước, nông nghiệp tỉnh Lai Châu cũ (nay là tỉnh Điện Biên và Lai Châu) được hình thành. Giai đoạn này, nông nghiệp, nông thôn và nông dân Điện Biên đứng trước muôn vàn khó khăn. Phần lớn ruộng đất trong tay địa chủ và bỏ hoang. Sản xuất manh mún, kỹ thuật lạc hậu, độc canh cây lúa và hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên.

“Giặc đói” đe dọa từng ngày

Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), ngành nông nghiệp cả nước nói chung và nông nghiệp miền Bắc nói riêng (bao gồm Điện Biên) gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Nạn đói năm 1945 đã làm hơn 2 triệu người dân Việt Nam chết đói (hơn 1/10 dân số thời điểm đó). Chính quyền cách mạng non trẻ của nước ta ra đời trong thế “ngàn cân treo sợi tóc” vừa “thù trong, giặc ngoài” vừa nạn đói hoành hành, ngân khố cạn kiệt.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, nông nghiệp Điện Biên gặp nhiều khó khăn, tình trạng thiếu đói, thiếu ăn thường xuyên xảy ra. (Ảnh tư liệu)

Ngày 14/11/1945 Bộ Canh nông (tiền thân của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ra đời theo Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, Ty Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy lợi, Ban Định canh định cư Điện Biên (tiền thân của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên ngày nay) cũng được thành lập trong điều kiện khó khăn chồng chất.

Kỷ yếu 70 năm ngành nông nghiệp Điện Biên ghi lại: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Điện Biên trước ngày giải phóng, dưới ách thống trị của thực dân phong kiến hết sức nghèo nàn, lạc hậu. Nông nghiệp, nông thôn chủ yếu là du canh, du cư, sản xuất quảng canh, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là tự cung, tự cấp. Đời sống nhân dân các dân tộc cực khổ, nghèo đói, quanh năm thiếu muối, thiếu dầu và mọi thứ đồ dùng khác; tuyệt đại bộ phận là mù chữ với hàng trăm tục lệ lạc hậu, mê tín dị đoan, nghiện hút. “Giặc đói” từng ngày, từng giờ đe dọa tính mạng của mỗi người dân, đe dọa sự tồn tại của chính quyền mới.

Nông nghiệp Điện Biên thời điểm này gặp khó khăn toàn diện. Như trong lĩnh vực thủy lợi chủ yếu các phai, mương tạm, không đảm bảo sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Thượng Quất, nguyên Giám đốc Sở Thủy lợi Điện Biên đã ghi lại trong kỷ yếu 70 năm ngành nông nghiệp: Kể từ năm 1963 về trước, các công trình thủy lợi chủ yếu là mương phai nhỏ và các biện pháp truyền thống của địa phương như cọn, ruộng bậc thang, giữ nước và tưới lúa là chính. Thời điểm đó, trên địa bàn tỉnh đất lúa ít, diện tích nhỏ, lẻ, phân tán nên chưa có công trình thủy lợi nào đáng kể. Vì vậy, phương châm hoạt động chủ yếu dựa vào “3 chính” (tưới nước là chính, công trình nhỏ là chính và nhân dân làm là chính).

Cánh đồng Mường Thanh trải dài hơn 20km với chiều rộng trung bình 6km.

Trong lĩnh vực trồng trọt (chủ yếu trồng lúa), mặc dù sở hữu cánh đồng Mường Thanh nổi tiếng rộng lớn nhất Tây Bắc, trải dài hơn 20km với chiều rộng trung bình 6km, nhưng chủ yếu bỏ hoang hoặc do chiến tranh tàn phá.

Ông Lò Văn Hặc, bản Noong Nhai, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) nhớ lại: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cánh đồng Mường Thanh hứng chịu biết bao trận mưa bom, lửa đạn. Trên cánh đồng Mường Thanh, mỗi tấc đất, mỗi gốc cây, ngọn cỏ đều thấm máu của những chiến sĩ Điện Biên quả cảm năm xưa đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Thời kỳ đó cánh đồng “nhất Thanh” chỉ cấy được một vụ lúa mỗi năm vì không có nguồn nước tưới và năng suất rất thấp. Ngay sau ngày giải phóng, trên cánh đồng Mường Thanh chỉ có cỏ hoang và chi chít hố bom, dây thép gai chằng chịt.

Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp dựa vào kinh nghiệm, chưa có khoa học kỹ thuật và hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, chưa kể trình độ dân trí trong giai đoạn này còn thấp. Vì vậy, sản lượng làm ra không đủ ăn; nhiều người dân phải ăn rau rừng, củ mài, củ chuối. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, trên địa bàn tỉnh chỉ trồng lúa được 1 vụ, còn 1 vụ bỏ hoang; năng suất cây lúa chỉ hơn 10 tạ/ha; đến năm 1963 năng suất lúa mới chỉ đạt hơn 20 tạ/ha, ngô đạt hơn 9,4 tạ/ha… Thời điểm đó, cả tỉnh phải phụ thuộc vào nguồn trợ cấp lương thực từ Trung ương và huy động hỗ trợ từ các địa phương khác trong cả nước.

Vượt lên khó khăn

Những năm đầu sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, nông nghiệp Điện Biên vẫn chủ yếu là độc canh, tự cấp, tự túc, đói nghèo đè nặng lên cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Thực tiễn đòi hỏi khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn là bài toán cấp bách hơn bao giờ hết. Xác định nông nghiệp là chủ lực, nên mọi nỗ lực của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn này đều dành ưu tiên cho việc phục hồi và phát triển nông nghiệp. Nhiều chính sách khuyến khích đã được đưa ra đối với nông dân như: miễn giảm thuế nông nghiệp; khuyến khích nông dân khai hoang, phục hóa các vùng đất mới, đất bỏ hoang do chiến tranh; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho nông dân các vùng quá khó khăn; đầu tư phục hồi các công trình thủy lợi cũ và xây dựng các công trình thủy lợi mới nhằm tăng năng lực tưới cho các loại cây trồng...

Công nhân nông trường quân đội Điện Biên khắc phục chiến tranh, khai hoang ruộng đất sản xuất nông nghiệp. Ảnh tư liệu

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch “cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ”, nhiều phong trào thi đua trong sản xuất nông nghiệp tại Điện Biên đã được phát động, nhân rộng, như phong trào “ba sẵn sàng”, “Toàn dân tăng gia sản xuất”. Nhiều cánh đồng lớn do thanh niên đảm nhiệm, phong trào thả bèo hoa dâu làm phân xanh bón lúa, phong trào làm thủy lợi, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất… rất sôi nổi.

Năm 1958 Nông trường quân đội Điện Biên được thành lập (sau đó đổi tên thành Nông trường Quốc doanh Điện Biên) có nhiệm vụ vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vừa phá dỡ bom mìn, khai hoang cải tạo đồng ruộng, mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp để sản xuất lương thực, thực phẩm và phát triển cây cà phê. Phương châm thời điểm đó là: Sản xuất trước, quy hoạch sau; trồng trọt trước, xây dựng sau; lấy cây ngắn nuôi cây dài, trồng cây lâu năm và phát triển các ngành nghề khác. Cán bộ nông trường đồng thời hướng dẫn đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất và sẵn sàng chiến đấu. Sau 3 năm đầu vừa khai hoang, cải tạo chiến trường ngổn ngang bom đạn thành đồng ruộng; vừa tổ chức sản xuất, vừa thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Điện Biên, Nông trường đã khai hoang được 1.108ha đất, trồng được 38ha cà phê, 830ha cây lương thực và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Thôn C9, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên trước đây thuộc Nông trường Quân đội Điện Biên.

Được sự quan tâm của Trung ương, năm 1963 Điện Biên được đầu tư xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm, với sự tham gia của hơn 2.000 thanh niên. Suốt gần 7 năm (1963 - 1969) xây dựng công trình, vượt qua muôn vàn khó khăn, Đại thủy nông Nậm Rốm đã hoàn thành, là công trình thủy nông lớn nhất khu vực Tây Bắc. Kể từ khi đi vào hoạt động, Đại thủy nông Nậm Rốm đảm bảo nước tưới cho cánh đồng Mường Thanh, góp phần mở rộng diện tích đến nay hơn 4.000ha. Trên cánh đồng màu mỡ ấy, các giống gạo chất lượng cao như: IR64, Bắc thơm số 7, séng cù... đã được ngành nông nghiệp và người dân canh tác hiệu quả.

Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm đã tạo đột phá cho nông nghiệp Điện Biên.

Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm đã thay đổi ngành nông nghiệp Điện Biên. Từ đó khoa học kỹ thuật được áp dụng, các giống lúa năng suất, chất lượng cao được đưa vào sử dụng; diện tích lúa nước ngày càng tăng.

Bà Lò Mai Trinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên khẳng định: Cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có sự chuyển dịch tích cực từ độc canh cây lúa sang trồng rau mầu, cây công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung (cà phê, chè…), sản phẩm đang dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Trình độ canh tác của nông dân ngày càng cao, sản xuất nông nghiệp luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư, nâng cấp. Diện mạo nông thôn đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng nâng cao; an ninh quốc phòng được giữ vững.

Bài 2: Nền tảng kinh tế kháng chiến, kiến quốc

Bài, ảnh: Văn Tâm - Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/214463/nong-nghiep-dien-bien-va-hanh-trinh-%E2%80%9Ccat-canh%E2%80%9D