'Nội soi' kim ấn triều Nguyễn được đấu giá 3 triệu Euro ở Pháp

Nhiều người bày tỏ mong muốn ấn 'Hoàng đế chi bảo' - chiếc kim ấn có giá trị lịch sử và mỹ thuật đặc biệt của Việt Nam - sẽ được trở về với quê hương sau phiên đấu giá sẽ diễn ra ít ngày nữa.

Cổ vật khiến giới nghiên cứu Việt Nam đặc biệt quan tâm

Millon là một hãng đấu giá ra đời từ năm 1928, có trụ sở chính tại Paris và các chi nhánh ở Nice (Pháp) và Brussels (Bỉ). Cách đây ít ngày, hãng đấu giá này đã khiến dư luận Việt Nam xôn xao khi đưa ra đấu giá một cổ vật được coi là báu vật của nhà Nguyễn – vương triểu phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Phiên đấu giá sẽ diễn ra vào 11h ngày 31/10/2022 (theo giờ Paris), với giá khởi điểm dự kiến từ 2-3 triệu Euro.

Hình ảnh kim ấn “Hoàng đế chi bảo”, nhà đấu giá Millon công bố.

Theo thông tin do hãng đấu giá công bố, cổ vật này có số hiệu 101/329, là một ấn vàng đúc năm 1823, thời vua Minh Mạng (1820-1841). Chiếc ấn có chiều cao 10,4 cm, mặt ấn hình vuông, kích thước 13,8 x 13,7 cm, nặng 10,78 kg. Quai ấn đúc hình một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng; trán rồng có khắc chữ “Vương” (王, nghĩa là vua), vây lưng và đuôi rồng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước, bốn chân rồng đúc rõ năm móng.

Mặt trên của ấn, ở hai bên quai ấn, có khắc chìm hai dòng chữ “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (明命肆年貳月初肆日吉時 鑄造, nghĩa là Đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4) và “Thập thành hoàng kim trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân” (拾成黃金重貳佰捌拾兩玖錢貳分", nghĩa là làm bằng vàng, nặng 280 lạng 9 chỉ 2 phân).

Mặt dưới của ấn khắc nổi bốn chữ triện “Hoàng đế chi bảo” (皇帝之寶, nghĩa là Báu vật của hoàng đế).

Số phận ly kỳ của chiếc bảo ấn “báu vật”

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, triều đình nhà Nguyễn đã tạo tác và sử dụng rất nhiều loại ấn triện, trong đó quý nhất là ấn làm bằng vàng, gọi là kim ấn, và triện làm bằng ngọc, gọi là ngọc tỉ. Theo sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, do Nội các triều Nguyễn biên soạn, có 20 kim ấn và ngọc tỉ được tạo tác dưới hai triều vua đầu thời Nguyễn, gồ 6 chiếc thời Gia Long (1802 - 1820) và 14 chiếc thời Minh Mạng (1820 - 1841).

Trong đó, kim ấn “Hoàng đế chi bảo” là kim ấn lớn nhất, đẹp nhất và quý nhất của triều Nguyễn. Vì thế, khi tuyên bố thoái vị vào ngày 30/8/1945, trong số hơn 200 ấn triện các loại còn lưu giữ tại Hoàng thành Huế), vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn “số một” này, cùng thanh bảo kiếm mà vua cha Khải Định trao lại cho ông, để bàn giao cho chính quyền cách mạng.

Do diễn biến thời cuộc giai đoạn 1945-1954, chiếc ấn này đã thất lạc và lưu lạc nhiều nơi trong những hoàn cảnh khác nhau trước khi trở thành tài sản riêng của cựu hoàng Bảo Đại khi ông sang Pháp định cư.

Lễ trao trả ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại được tổ chức ngày 8/3/1952.

Năm 1972, cựu hoàng Bảo Đại kết hôn với bà Monique Baudot, một công dân Pháp. Trước khi qua đời vào tháng 8/1997, ông để lại di chúc, trao quyền thừa kế toàn bộ tài sản của ông ở Pháp, trong đó có kim ấn “Hoàng đế chi bảo”, cho bà vợ người Pháp của mình. Sau khi Bà Monique Baudot qua đời vào năm 2021, có lẽ những người thừa kế tài sản của bà đã mang kim ấn Hoàng đế chi bảo đến hãng Millon để đem bán đấu giá.

Theo TS Trần Đức Anh Sơn, người từng có nhiều năm làm Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, chiếc ấn mà Millon đang rao bán là một bảo vật của nhà Nguyễn và là một vật chứng lịch sử rất quan trọng đối với lịch sử Việt Nam thời hiện đại.

Trên các diễn đàn và mạng xã hội, nhiều người bày tỏ mong muốn chiếc kim ấn có giá trị lịch sử và mỹ thuật đặc biệt của Việt Nam sẽ được trở về với quê hương sau phiên đấu giá sẽ diễn ra ít ngày nữa.

Được biết, hồi tháng 10/2021, một chiếc mũ quan nhất phẩm triều Nguyễn do hãng Balclis ở Barcelona (Tây Ban Nha) đưa ra đấu giá đã tăng vọt từ 600 Euro (giá khởi điểm) lên 600.000 Euro (giá mua, chưa tính thuế và phí).

Một số cổ vật quý giá của triều Nguyễn đang lưu lạc ở nước ngoài

- Thái A kiếm: Đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân đội Pháp ở Paris.

- Sách phong bằng bạc mạ vàng đời Thiệu Trị: Ban đầu thuộc sưu tập của ông Hồ Đình Xuân (Paris, Pháp), đã được bán đấu giá hai lần vào các năm 1996 và 2010 ở Paris

- Trấn phong bằng vàng đời Khải Định: Thuộc sở hữu của hoàng thái tử Bảo Long (con trai vua Bảo Đại), được đưa ra bán đấu giá ở London vào năm 2008.

- Trấn phong bằng vàng đời Khải Định: Thuộc sở hữu của cựu hoàng Bảo Đại, đã được đưa ra bán đấu giá ở London vào năm 2008.

- Chậu quán tẩy bằng vàng: Thuộc bộ sưu tập của Ralph Marty - một nhà sưu tầm người Anh

- Sách phong bằng vàng đời vua Gia Long: Cũng thuộc bộ sưu tập của Ralph Marty.

Thanh Bình

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/noi-soi-kim-an-trieu-nguyen-duoc-dau-gia-3-trieu-euro-o-phap-1765697.html