Nơi lưu giữ những hiện vật lịch sử

Nếu muốn tìm hiểu về lịch sử đất và người Vĩnh Phúc, chắc chắn Bảo tàng tỉnh là nơi chúng ta không thể bỏ qua. Bởi nơi đây hiện đang lưu giữ, trưng bày trên 21.500 hiện vật, tài liệu, phim ảnh liên quan tới phong tục, tập quán, văn hóa Vĩnh Phúc qua các thời kỳ. Bằng tinh thần, trách nhiệm và lòng nhiệt huyết, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Bảo tàng tỉnh đã và đang làm tốt công tác bảo quản hiện vật, góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền, quảng bá và gìn giữ một phần lịch sử cho các thế hệ mai sau.

Tại Bảo tàng tỉnh, các hiện vật được gìn giữ, bảo quản kỹ càng. Ảnh: Trường Khanh

Trong những lần tới Bảo tàng tỉnh tham quan, tìm hiểu, chúng tôi đều được các cán bộ, nhân viên của Bảo tàng Vĩnh Phúc tận tình giới thiệu, cung cấp thông tin về những hiện vật lịch sử một cách cẩn thận, chu đáo.

Nếu chỉ nhìn bên ngoài, có lẽ nhiều người lầm tưởng công việc của cán bộ ở bảo tàng là nhàn nhã, nhưng sự thật lại trái ngược hoàn toàn, bởi để có được những hiện vật quý giá, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tàng phải dày công nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và tuyên truyền để người dân, khách tham quan hiểu được giá trị văn hóa của chúng.

Hiện, Bảo tàng tỉnh đang bảo quản hơn 21.500 hiện vật, tài liệu, phim ảnh, điển hình là các bộ sưu tập hiện vật bằng gỗ, giấy, kim loại là những vật dụng của con người qua các thời kỳ lịch sử; các bộ di cốt người Việt cổ thuộc văn hóa Phùng Nguyên; đồ dùng sinh hoạt gốm, sứ đặc trưng của văn hóa Đồng Đậu; bảo vật Quốc gia Tháp gốm men chùa Trò (xã Yên Phương, huyện Yên Lạc); trang thiết bị vũ khí của người dân và của các chiến sĩ cách mạng...

Trưởng Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh Đỗ Thị Thu Hà chia sẻ: Để có được kết quả đó, ngoài việc tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học, đội ngũ cán bộ Bảo tàng tỉnh còn chú trọng tìm hiểu tư liệu, lịch sử địa phương; thường xuyên tổ chức các cuộc khảo sát, điền dã, gặp gỡ, ghi chép chuyện kể, khai thác tư liệu của các nhân chứng lịch sử, lão thành cách mạng tại các địa phương để hiểu ý nghĩa, giá trị của hiện vật đã được kiểm định.

Trong công tác sưu tầm, Bảo tàng tỉnh không chỉ giới hạn sưu tầm hiện vật ở địa phương mà còn mở rộng phạm vi sưu tầm với các tổ chức, cá nhân và các tỉnh, thành trong cả nước.

Trong hơn 20 năm qua, có hơn 6.000 hiện vật được tiếp nhận từ các đợt khai quật khảo cổ học trên địa bàn và của các tổ chức, cá nhân, nhà sưu tầm cổ vật tư nhân, cựu chiến binh, gia đình có công với cách mạng hiến tặng.

Để làm “giàu” cho bộ sưu tập hiện vật đã khó, việc bảo quản lại càng khó hơn bởi những hiện vật được lưu giữ nơi đây đều mang “linh hồn” những giá trị lịch sử, văn hóa đầy tự hào của dân tộc, nếu không may bị thất lạc hoặc hư hỏng sẽ không thể tìm lại lần nữa.

Bởi vậy, đòi hỏi những người làm công tác bảo quản ngoài kiến thức chuyên môn còn phải hết sức cẩn trọng, kiên trì, tỉ mỉ với tinh thần trách nhiệm cao… Với hàng chục nghìn hiện vật, nên bên cạnh hệ thống tủ, bục, giá đựng, máy điều hòa, quạt thông gió, máy hút ẩm… cán bộ phụ trách còn phải phân loại hiện vật theo chất liệu và đề tài để bảo quản riêng tránh tình trạng bị ẩm mốc, hư hại.

Điển hình, với trên 6 nghìn hiện vật gốm nơi đây là các di vật khai quật tại các di chỉ khảo cổ học gồm gốm thủ công truyền thống và gốm mỹ thuật đương đại có đặc điểm làm bằng đất sét dễ chịu tác động của thời tiết, nhiệt độ (dẻo khi bị ướt, cứng khi bị khô, tan chảy ở 700 độ C) và có kết cấu ở cả 3 thể loại sứ, gốm, sành.

Nắm vững đặc tính đó, cán bộ làm công tác bảo quản phải tỉ mỉ đặt các hiện vật gốm ở giá, kệ tủ chắc chắn, hạn chế di chuyển, bảo quản nơi thoáng mát, chỉ vệ sinh bằng nước cất và chổi mềm.

Đối với hiện vật là tiền cổ, vũ khí thô sơ, súng trường… có chất liệu kim loại, phải duy trì nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng để chống oxy hóa ăn mòn kim loại. Riêng với những hiện vật có chất liệu xương, sừng như các công cụ lao động sản xuất, xương, răng động vật và đặc biệt là 3 bộ di cốt người thời kỳ Văn hóa Phùng Nguyên cách đây khoảng 3.300 - 4.000 năm, ngoài việc vệ sinh sạch sẽ thì phải thực hiện bảo quản bằng phương pháp trị liệu đặc biệt dưới sự hướng dẫn từ các chuyên gia của Viện 69 Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Việc bảo quản phải đúng kỹ thuật theo từng khâu, từng bước, hạn chế thấp nhất sự giảm tuổi thọ, tuyệt đối tránh làm hư hỏng, phá vỡ tính nguyên gốc của hiện vật.

Ngoài nghiên cứu, phân loại, bảo quản, công tác trưng bày, thuyết minh cũng được Bảo tàng tỉnh chú trọng thực hiện sáng tạo và khoa học nhằm phục vụ nhiều mục đích như nghiên cứu, truyên truyền, giáo dục…

Phó trưởng Phòng Thuyết minh – Tuyên truyền Nguyễn Thị Hải Yến chia sẻ: Mỗi lần quan sát hay chạm vào các hiện vật khảo cổ, tôi có thể hình dung người xưa đã sinh tồn, đấu tranh với thiên nhiên như thế nào; thấy rõ những hy sinh, gian khổ của thế hệ cha ông trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ra sao… từ đó càng thêm hiểu và trân trọng những giá trị lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước mình.

Mặc dù đã có 12 năm gắn bó với nghề, nhưng để có những bài thuyết minh tốt, tôi vẫn không ngừng học hỏi, bên cạnh tình yêu với môn lịch sử, nắm rõ những thông tin cơ bản về hiện vật, tôi còn tìm hiểu, sưu tầm thêm những mẩu chuyện, câu thơ, hò vè liên quan để tạo sự hứng thú, tìm hiểu, khám phá của khách tham quan về văn hóa, lịch sử thông qua các hiện vật.

Qua bàn tay của những cán bộ tận tâm, nhiệt huyết của Bảo tàng tỉnh, những hiện vật được bảo quản cẩn thận, được sắp xếp theo từng thời kỳ, từng giai đoạn, theo chuyên đề một cách khoa học để những hiện vật “kể” lại câu chuyện một thời đã qua. Qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa, hình ảnh đất và người Vĩnh Phúc với khách tham quan trong nước và quốc tế, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Phương Loan

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/71214/noi-luu-giu-nhung-hien-vat-lich-su.html