Nơi lo khô khát, chỗ lo cháy rừng

Mới bước vào đầu mùa khô nhưng sự khắc nghiệt của thời tiết khiến nhiều vùng ở Tây Nguyên và ĐBSCL đứng trước tình trạng hạn hán gay gắt và nguy cơ cháy rừng.

Nông dân Tây Nguyên lo thiếu nước

Vụ Đông Xuân 2023-2024, các tỉnh Tây Nguyên gieo trồng hơn 180.000 ha cây trồng các loại, trong đó, lúa nước chiếm hơn một nửa. Thời điểm này, tại nhiều địa phương, mực nước các sông, suối, ao, hồ đang sụt giảm nhanh.

Cánh đồng thôn Đoàn Kết (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, Gia Lai) rộng hơn 265 ha, địa hình bằng phẳng, người dân canh tác nhiều loại cây trồng như lúa, khoai lang, bắp, rau màu.

Tuy nhiên, năm nay mới giữa tháng 2 lượng nước tại suối Ia Ake và ao hồ, giếng khoan đã giảm mạnh dẫn đến nguy cơ hạn hán, mất mùa trên cánh đồng này. Hiện có khoảng 3 ha lúa nước bị mất trắng do không còn nước tưới. Người dân đang tận dụng nguồn nước ít ỏi để bơm tưới cho khoảng 262 ha cây trồng khác.

Suối Đắk Sôr cạn kiệt nước

Tương tự, tại Đắk Nông, ông Nguyễn Khả Triền (xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô) cho biết, suối Đắk Sôr được xem là dòng suối lớn nhất huyện này. Tuy nhiên, từ ngày mồng 3 Tết Giáp Thìn đến nay, suối đã cạn, không còn nước để tưới. Những ngày này, các hộ dân tận dụng nguồn nước ngầm chảy ra vào ban đêm để cứu cây.

Thời tiết Tây Nguyên đang bước vào cao điểm mùa khô, nguy cơ cháy rừng được cảnh báo ở cấp 4, cấp 5 - cấp cực kì nguy hiểm với hơn 1 triệu ha rừng đang bị "giặc lửa" đe dọa. Tây Nguyên có hơn 2,1 triệu ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực này là gần 46%.

Tình trạng hạn hán cũng xuất hiện tại các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Đạ Tẻh của tỉnh Lâm Đồng. Hậu quả, nhiều khu vực bị thiếu nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chăn nuôi, tưới tiêu.

Đặc biệt, phía thượng nguồn hồ Đan Kia - Suối Vàng, nơi cung cấp nguồn nước cho các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt cho người dân thành phố Đà Lạt và một phần huyện Lạc Dương gần như cạn khô, trơ đáy.

Nơi thiếu nước trầm trọng nhất ở huyện Lạc Dương là xã Đạ Sar. Công trình nước sạch nông thôn với hình thức tự chảy của xã đã được đầu tư từ năm 1997, nay đã xuống cấp.

Cùng với dự án Đầu tư, cải tạo hệ thống điện, hệ thống nước đường trung tâm Đạ Sar với tổng chiều dài khoảng 7.800m chỉ phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 600 hộ dân, trong khi toàn xã hiện có hơn 1.500 hộ với hơn 6.000 khẩu.

Hiện hàng trăm hộ dân đang thiếu nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Tại thành phố Bảo Lộc, nắng nóng kéo dài suốt mấy tháng qua khiến nguồn nước ngầm tại nhiều khu vực bị suy kiệt. Hàng trăm giếng đào ở các xã Đại Lào và Lộc Châu cạn trơ đáy dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Theo UBND xã Đại Lào (thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng), có hơn 300 hộ dân lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt, phải đi xin nước từ các hộ có giếng khoan, đến con suối ở đèo Bảo Lộc để chở nước về dùng hoặc mua nước từ nơi khác vận chuyển đến. Xã đang thống kê cụ thể số hộ thiếu nước sinh hoạt để báo cáo đề xuất UBND thành phố Bảo Lộc có phương án hỗ trợ người dân trong thời gian tới.

Miền Tây căng mình phòng cháy rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang cho biết, nắng nóng kéo dài những ngày qua đã khiến mực nước Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng rút nhanh, độ ẩm xuống thấp. Vì vậy, Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiến nghị Ban Chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2021 -2030 tỉnh Hậu Giang xem xét nâng cấp dự báo cháy rừng từ cấp I (cấp thấp) lên cấp III (cấp cao); tổ chức ứng trực PCCC rừng từ ngày 15/3 tới.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, dù diện tích rừng trên địa bàn được bảo vệ tốt, nhưng các địa phương có đất rừng và chủ rừng trên địa bàn tỉnh vẫn phải triển khai có hiệu quả các giải pháp PCCC rừng. Trước mắt, UBND tỉnh thống nhất đề xuất nâng cấp dự báo cháy rừng từ ngày 15/3 tới, tuy nhiên cấp dự báo cụ thể phải căn cứ vào tình hình thực tế.

Tại Trà Vinh, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ thành lập đoàn kiểm tra công tác PCCC rừng mùa khô tại các khu rừng có khả năng cháy cao.

Ông Đỗ Văn Ràng, Đội kiểm lâm cơ động và PCCC rừng tỉnh Trà Vinh cho biết, đội tăng cường lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong thời gian cao điểm mùa khô; phương tiện, dụng cụ PCCC rừng luôn sẵn sàng xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân ven rừng ký cam kết thực hiện các quy định về PCCC; rèn luyện cho lực lượng PCCC tại chỗ nâng cao trình độ chữa cháy, nhạy bén trong thao tác, sử dụng thành thạo trang thiết bị, phương tiện chữa cháy, đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay.

Còn ông Lê Thanh Dũng, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau) cho biết, hiện nay trên toàn lâm phần của vườn có hơn 5.000ha dự báo cháy cấp III, cấp IV. Trước tình hình đó, vườn đã triển khai lực lượng ứng trực 24/24, mỗi ngày khoảng 135 người gồm lực lượng tại chỗ, kiểm lâm, công an, dân quân tự vệ.

Tại buổi kiểm tra công tác PCCC rừng tại khu vực rừng U Minh Hạ mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - Huỳnh Quốc Việt đề nghị các lực lượng PCCC rừng tuyệt đối không để người dân vào rừng bắt cá, lấy mật ong hoặc đốt đồng, gây nguy cơ cháy rừng. Duy trì các chốt, trạm và tổ, đội tuần tra lưu động; thường xuyên kiểm tra, vận hành máy móc, trang thiết bị, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt...

Nhóm PV

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/noi-lo-kho-khat-cho-lo-chay-rung-post1617955.tpo