Nỗ lực vươn lên để thoát nghèo

Bị khiếm thị nhưng chị Đỗ Thị Bích Thủy (SN 1981, ngụ ấp Long Thạnh, xã Bình An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) chưa bao giờ đầu hàng số phận. Được tuyên truyền những thông tin về giảm nghèo, chị nỗ lực làm việc, vươn lên trong cuộc sống.

Được sinh ra lành lặn như bao đứa trẻ khác nhưng căn bệnh viêm màng não đã làm ảnh hưởng đến tay, chân và thị lực khi chị 9 tuổi. “Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên việc chữa bệnh cho tôi thời điểm đó vất vả. Tôi phải nằm một chỗ trong một thời gian dài do tay, chân bị co lại, thị lực giảm trên 80%. Được gia đình động viên, giúp đỡ xoa bóp mỗi ngày, tôi dần phục hồi các chức năng của tay và chân nhưng thị lực thì không phục hồi được. Cuộc sống của tôi bất tiện rất nhiều. Còn nhỏ mà phải gánh chịu nỗi đau đó, tôi suy sụp một thời gian nhưng sau khi suy nghĩ thông suốt, tôi dần lấy lại tinh thần và cố gắng làm quen với tình trạng mắt chỉ thấy mờ mờ” - chị Thủy trải lòng.

Chị Đỗ Thị Bích Thủy (bên phải) được địa phương quan tâm, động viên

Nhờ có nghị lực và ý chí vươn lên từ khi còn nhỏ nên sau khi kết hôn, chị Thủy nỗ lực làm việc để chăm lo cho gia đình. Chồng chị cũng bị khiếm thị và đang làm việc tại tỉnh Tiền Giang. Hai người con của anh chị học tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Bồ Đề Phương Duy (thị trấn Thủ Thừa) để được miễn phí các chi phí. Trong đó, người con trai lớn của anh chị ở nội trú tại trường để giảm các chi phí sinh hoạt hàng ngày cho gia đình.

Chị Thủy chia sẻ: “Trước đây, tôi thường đi nhờ xe người quen đến TP.Tân An bán vé số. Mỗi ngày, tôi bán được 500 tờ vé số. Cuối ngày, tôi lại đi xe Honda ôm về. Chi phí đi lại tốn kém nên tôi không có lời nhiều. Ngoài ra, tôi bị khiếm thị nên nhiều lần nhầm, để mất vé số hoặc bị đổi vé số cũ”. Vì vậy, khi được sự động viên của người thân và địa phương hỗ trợ, chị tham gia học nghề xoa bóp, bấm huyệt. Sau khi học xong, chị vừa bán vé số, vừa làm công việc xoa bóp, bấm huyệt dạo để tăng thu nhập. Dần dần có lượng khách quen ổn định, chị chuyển hẳn sang xoa bóp, bấm huyệt. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình chị ổn định hơn trước.

Thời gian ở nhà, chị Đỗ Thị Bích Thủy dọn dẹp, chăm sóc nhà cửa theo khả năng

“Tôi làm việc nhiệt tình, tận tâm nên được khách tin tưởng, ủng hộ. Nhiều khách quen giới thiệu cho tôi khách mới. Mỗi ngày, tôi xoa bóp, bấm huyệt khoảng 3-4 khách. Cuối tuần, số lượng khách nhiều hơn, có khi đến 10 khách/ngày. Họ thường gọi điện thoại đặt lịch trước với tôi. Những khách nhà gần thì tôi tự đi tới. Riêng khách ở xa thì họ đến đón tôi. Thường tôi xoa bóp, bấm huyệt 1 giờ/khách, tuy nhiên, nếu khách còn mệt mỏi, đau nhức thì tôi làm thêm thời gian miễn phí. Có hôm tôi về đến nhà hơn 21 giờ” - chị Thủy cho biết.

Chồng ở xa, con trai lớn học nội trú, chỉ có chị và con gái sớm tối bên nhau. Căn nhà nhỏ của gia đình chị xuống cấp nhiều nên mỗi lần mưa lớn là dột khắp nhà. Thương con, chị càng cố gắng làm việc để thoát nghèo và giúp con được sống trong điều kiện tốt hơn. Chị Thủy thổ lộ: “Công việc có vất vả nhiều hơn nữa tôi cũng không nản lòng mà còn rất vui vì có việc làm, thu nhập để chăm lo cho gia đình”.

Thương mẹ nên dường như con gái 9 tuổi của chị Thủy cũng trưởng thành sớm hơn các bạn cùng trang lứa. Chỉ mới học lớp 4 nhưng con gái chị tự đi học bằng xe đạp, chiều đi học về thì đảm nhận việc đi chợ thay cho mẹ.

“Tôi đi lại bất tiện nên con gái thay tôi làm nhiều việc từ đi chợ, dọn dẹp nhà, nấu cơm,... Những ngày rảnh rỗi, tôi và con cùng trò chuyện, động viên nhau. Tôi dạy con lễ giáo, cách ứng xử với các tình huống trong cuộc sống và biết tự bảo vệ mình” - chị Thủy kể.Hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nên chị Thủy thường xuyên được địa phương quan tâm, giúp đỡ, tặng quà, nhất là thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo, giúp chị có thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống. Mong muốn lớn nhất của chị hiện nay là cố gắng làm việc, có thu nhập ổn định và thoát nghèo./.

An Nhiên

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/no-luc-vuon-len-de-thoat-ngheo-a166800.html