Nỗ lực ngăn chặn dịch tả heo châu Phi

Chưa đầy 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2024 nhưng người nuôi heo trên cả nước hiện rất e ngại tái đàn để phục vụ thị trường tết, do dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đang bùng phát trên diện rộng. Trong khi đó, tại nhiều địa phương, việc triển khai các giải pháp phòng ngừa bệnh dịch rất lơ là, thiếu quyết liệt.

Dịch bùng phát trên diện rộng

Giữa tháng 10 vừa qua, 10 con heo của một hộ chăn nuôi tại huyện Tân Hưng (tỉnh Long An) bất ngờ đổ bệnh và chết. Ngành thú y tỉnh Long An lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện có virus gây bệnh DTHCP. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã cho tiêu hủy toàn bộ số heo còn lại trong đàn với tổng trọng lượng 4.620kg.

Tại Tiền Giang, từ ngày 21-10 đến nay, ở xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo) xuất hiện 15 ổ DTHCP với tổng đàn heo 6.500 con. Qua phân loại, xét nghiệm, ngành chức năng địa phương đã tiêu hủy 300 con (trọng lượng 16 tấn). Còn tại Hà Tĩnh, từ cuối tháng 10 đến nay, ngành chức năng cũng đã tiêu hủy gần 50 con heo bị DTHCP với tổng trọng lượng hơn 4.000kg tại 3 huyện Cẩm Xuyên, Đức Thọ và Nghi Xuân.

Ngành thú y tỉnh Long An lấy mẫu bệnh phẩm heo chết để xét nghiệm. Ảnh: NGỌC PHÚC

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước xảy ra 481 ổ dịch tại 44 tỉnh, thành phố. Theo đó, hơn 18.100 con heo buộc phải tiêu hủy để cô lập các ổ dịch, dù vậy tại các tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Đắk Lắk, Sơn La, Nghệ An... mầm dịch vẫn tồn tại dai dẳng, chưa khống chế hoàn toàn. Đáng ngại hơn, từ đầu tháng 11 đến nay, ổ dịch đã xuất hiện thêm ở nhiều địa phương khác như: Tiền Giang, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Quảng Trị... Một số nơi, heo bị nhiễm dịch nên người dân “bán tháo chạy dịch”, càng khiến giá heo hơi rớt mạnh. Ở Nghệ An xuất hiện tình trạng vứt xác heo chết trôi nổi ra kênh, mương… khiến dịch bệnh có nguy cơ lan rộng hơn.

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết, DTHCP đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương, bùng phát trên diện rộng trong cả nước. “Tại miền Bắc, thời tiết liên tục thay đổi, các đợt rét đậm bắt đầu xuất hiện; ở miền Nam, tình trạng gia tăng mua bán, vận chuyển heo lậu (không qua kiểm dịch) dịp cuối năm, tạo điều kiện để virus phát triển. Đây là các yếu tố có thể khiến DTHCP diễn biến phức tạp trong thời gian tới”, ông Minh nhận định.

Mặc dù hầu hết các ổ DTHCP đã được chính quyền, ngành chức năng các địa phương phát hiện sớm, không để lây lan trên diện rộng, nhưng từ thực tế cũng đã phần nào ảnh hưởng đến việc tái đàn heo phục vụ thị trường tết. Ông Nguyễn Văn Tư, chủ trại heo ở xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, chia sẻ: “Dù dịch bệnh chưa xuất hiện trên địa bàn nhưng để an toàn, dịp tết năm nay gia đình tôi chỉ tái đàn một nửa so với mọi năm, chủ yếu để giữ mối các thương lái uy tín”.

Còn bà Trần Thị Huệ, chủ hộ nuôi heo ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, cho hay: “DTHCP diễn biến phức tạp, nguồn cung dịp tết có thể giảm, khi đó giá heo sẽ tăng cao. Tuy nhiên, gia đình tôi không dám mạo hiểm, hiện đang kêu gọi thương lái đặt cọc thu mua với giá hiện tại”.

Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, trước diễn biến phức tạp của DTHCP, hiện các hộ chăn nuôi trên địa bàn chưa mạnh dạn tái đàn, vì lo sợ mầm bệnh còn ngoài môi trường. Số ít các hộ tái đàn chủ yếu ở mức nuôi thăm dò (khoảng hơn 10% so với trước đây).

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh DTHCP, nhất là vào dịp tết. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết, chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán vận chuyển heo bệnh, vứt xác heo chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường…

Bộ NN-PTNT chỉ đạo lực lượng thú y tại cơ sở bám sát địa bàn, chủ động hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn heo, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, bộ tiếp tục chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế và các nước trong việc chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nghiên cứu, sản xuất vaccine DTHCP cho heo nái, đực, giống… Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng thú y, công an, thanh tra giao thông xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm heo không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường.

Người dân xã Xuân Phổ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh đưa heo bệnh đi tiêu hủy. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Tăng cường tiêm vaccine, nuôi sinh học

Để ngăn chặn DTHCP bùng phát, đại diện Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) đề nghị Bộ NN-PTNT xây dựng cơ chế bắt buộc tiêm vaccine (các loại dịch bệnh) áp dụng tại tất cả các địa phương, song để làm được việc này, cần phải có chính sách hỗ trợ trong giai đoạn đầu để người dân hiểu, quen dần vaccine DTHCP.

Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, đảm bảo nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương đẩy mạnh việc tiêm vaccine phòng ngừa, không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh. Đồng thời tăng cường chăn nuôi sinh học, ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm vào Việt Nam (nhất là con giống) trong dịp cuối năm, để giảm nguy cơ các loại dịch bệnh tràn vào nội địa, lây lan.

Về phía doanh nghiệp, ông Trầm Quốc Thắng, Giám đốc HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (huyện Củ Chi, TPHCM), cho hay, định kỳ hàng tháng, doanh nghiệp sẽ phối hợp với nhân viên thú y kiểm tra dịch tễ để tăng cường phòng bệnh cho heo, kịp thời xử lý khi phát hiện có heo bệnh.

Còn ông Tô Văn Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Hóc Môn (TPHCM), cho biết, để phòng ngừa DTHCP lây lan, doanh nghiệp luôn kiểm tra kỹ heo tại nhà máy giết mổ. “Trước khi nhập heo vào nhà máy, bảo vệ soi chiếu, kiểm tra từng con heo. Vào đến chuồng chờ giết mổ, heo được nhân viên thú y kết hợp nhân viên phòng kinh doanh kiểm tra một lần nữa. Mục đích là để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời biết rõ nguồn dịch (trường hợp có dịch), để phối hợp với ngành chức năng phong tỏa trại nuôi cung cấp, không để dịch lây lan trên diện rộng”, ông Liêm cho biết.

Bà Huỳnh Thị Kim Phượng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An, lưu ý, chủ nuôi khi mua heo giống phải có nguồn gốc rõ ràng, mua heo từ vùng an toàn dịch bệnh động vật. Ngoài ra, mua heo từ ngoài tỉnh bắt buộc phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y nơi xuất bán. Việc gieo tinh nhân tạo cho heo nái từ tinh heo có nguồn gốc rõ ràng, từ vùng an toàn dịch bệnh. Trước khi vào khu vực chăn nuôi, người chăm sóc heo phải mặc quần áo, giày dép (ủng) của trại; toàn bộ xe, vật dụng chăn nuôi, bao thức ăn đều phải được khử trùng, tiêu độc triệt để. Người chăn nuôi tuyệt đối không sử dụng nước mặt (sông, mương, ao...) chưa được khử trùng để sử dụng chăn nuôi heo; kiểm soát côn trùng và tiêu diệt chuột; tuyệt đối không thả chó, gà, vịt... vào khu vực chăn nuôi heo; có biện pháp ngăn ngừa nước (vùng ngập nước) từ bên ngoài tràn vào chuồng heo.

Theo Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, mặc dù Bộ NN-PTNT đã cho phép tiêm vaccine DTHCP trên diện rộng, nhưng vừa qua mới triển khai được gần 375.000 liều trên diện rộng. Hiện nay, số lượng vaccine đã sản xuất và đang tồn đọng, bảo quản tại kho của các công ty lên tới hơn 2 triệu liều.

Từ tháng 6-2022 đến thời điểm này, tại Việt Nam đã có 2 loại vaccine DTHCP được Bộ NN-PTNT cấp giấy chứng nhận lưu hành, gồm sản phẩm “NAVET-ASFVAC” của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương (NAVETCO) và sản phẩm “AVAC ASF LIVE” của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất. Việt Nam là quốc gia đầu tiên nghiên cứu thành công vaccine DTHCP và bắt đầu cho phép lưu hành rộng rãi từ tháng 7-2023 đến nay. Dù nguồn vaccine dồi dào nhưng trên thực tế, việc tiêm phòng rất chậm. Như tại tỉnh Yên Bái, hơn 10 tháng qua mới tiêm được 160 liều vaccine DTHCP.

Ông Trần Xuân Hạnh, Phó Tổng Giám đốc NAVETCO cho rằng, DTHCP tồn tại dai dẳng và tái phát nhiều chủ yếu do nhiều địa phương chậm triển khai tiêm vaccine cho heo. Theo ông Hạnh, sở dĩ các địa phương không mặn mà vì đây là vaccine mới, nên người dân còn e dè, lo ngại vaccine có thể rủi ro. Thêm nữa, bà con cũng thường có tâm lý khi có dịch bệnh mới tiêm phòng cho heo.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/no-luc-ngan-chan-dich-ta-heo-chau-phi-post714857.html