Nỗ lực 'đánh thức' cây bút viết cho thiếu nhi

Để tạo sức sống mới cho văn học thiếu nhi, mấu chốt vẫn là tạo ra nhu cầu, thói quen cho sáng tác và thưởng thức đề tài này, tránh tình trạng hô hào, thực hiện không đến nơi đến chốn.

Lấp đầy khoảng trống trong văn học thiếu nhi

Với nỗ lực “đánh thức” ngòi bút viết cho trẻ em, tháng 6/2023, Giải thưởng sách thiếu nhi TP.HCM lần đầu tiên được công bố khởi động. Cũng trong tháng này, với thế mạnh là đơn vị phát hành sách dành cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng công bố tổ chức Giải thưởng sách Kim Đồng để khuyến khích các cây bút sáng tác cho đối tượng nhỏ tuổi.

Trước đó, tháng 1/2022, Hội Nhà văn Việt Nam đã phát động Cuộc vận động sáng tác văn học viết về đề tài thiếu nhi. Năm 2020, Báo Thể thao và Văn hóa sáng lập Giải thưởng Dế Mèn nhằm khuyến khích sáng tác, trình diễn nghệ thuật dành cho trẻ em.

Cuộc thi sáng tác truyện đồng thoại Enos & Mogu có rất lâu ở Nhật Bản được phát động tại Việt Nam năm 2018 cũng hướng tới mục đích khuyến khích và lan tỏa việc sáng tác văn học thiếu nhi.

Nhà văn Lê Phương Liên - nguyên Trưởng ban Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ với VietNamNet về việc viết cho độc giả nhỏ tuổi rất khó bởi phải hướng đến quỹ đạo chung là chức năng giáo dục, nội dung thể hiện tinh tế, phù hợp với tâm sinh lý trẻ em.

“Việc này cần những văn nghệ sĩ nhiệt huyết, yêu trẻ, giỏi tiếng Việt mới viết được. Tìm được các tác giả như vậy không dễ dàng.

Không ít người tham gia cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi, nhưng họ thiếu trí tưởng tượng, câu chữ chưa được bay bổng, chất hồn nhiên không có nhiều. Bên cạnh đó, cũng có tác giả nhỏ tuổi viết tốt, tuy nhiên do môi trường sống của chúng ta chưa khích lệ nên các em ít sáng tạo, còn viết theo kiểu văn mẫu", nhà văn Lê Phương Liên nhận xét.

Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, trở ngại đang diễn ra - ở thời đại mà ChatGPT, AI phát triển mạnh mẽ, đó là văn học nói chung, đặc biệt là văn học thiếu nhi bị các hình thức giáo dục, giải trí hiện đại chiếm mất vị thế.

Ông đánh giá: “Trong thời đại kỹ thuật số, sách thiếu nhi gặp sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều loại hình giải trí khác khiến thời gian đọc sách của các em ngày một ít đi. Tôi nghĩ người viết cần chấp nhận thách thức, 'sống chung với lũ' bởi không thể ngăn cản sự phát triển của xã hội”.

Muốn độc giả nhí đón nhận, hãy viết bằng cảm xúc

Nhà văn Trần Thiên Hương - biên tập viên kỳ cựu của NXB Kim Đồng thể hiện sự lạc quan trước “nỗi e ngại của người viết khi các phương tiện truyền thông lấn át, văn học viết sẽ khó phát triển được”.

Bà cho biết, chỉ cần đưa một đoạn thơ của Truyện Kiều yêu cầu AI vẽ hình minh họa ngay lập tức ra kết quả nhưng hoàn toàn vô hồn.

“Công nghệ không thể thay thế con người bởi nó không có cảm xúc. Tôi hoàn toàn không hứng thú với sáng tác viết bằng trí thông minh (IQ). Là biên tập viên “sát giải”, may mắn biên tập cuốn nào cũng đều có giải thưởng, tôi nhận thấy tác giả viết bằng cảm xúc (EQ) đều được độc giả nhí đón nhận", nữ nhà văn khẳng định.

Cho nên, theo bà Trần Thiên Hương: "hãy viết cho trẻ bằng cảm xúc, chắc chắn sẽ có nhiều tác phẩm hay, không sợ thiếu người đọc”.

Nhà văn, nhà báo Gia Bảo - người vẫn đang miệt mài viết cho thiếu nhi hiến kế, các tác giả cần phân ra từng độ tuổi để quyết định tác phẩm của mình dành cho đối tượng nào. Như vậy sẽ có những cách khác nhau để truyền tải thông điệp đến các em một cách phù hợp.

Đối với nhóm tuổi mầm non, tiểu học thì truyện đồng thoại là thể loại mà các cháu yêu thích, dễ cảm, dễ đọc. Lên cấp 2, cuộc sống của các em bây giờ đã thay đổi so với thời thơ ấu của những nhà văn lớn tuổi. Ngay cả trải nghiệm tuổi thơ của một số tác giả 9X, dù có thể tiệm cận nhưng thực tế cũng nhiều khác biệt.

“Do đó, các tác phẩm văn học dành cho trẻ em ở lứa tuổi này cần mang đúng hơi thở cuộc sống từ ngôn ngữ, hình ảnh, bối cảnh, chất liệu…”, nhà văn Gia Bảo gợi ý.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thừa nhận, lâu nay các nhà văn vốn quen viết về những vấn đề lớn của thời đại nên khi chạm vào văn học thiếu nhi thì lúng túng. Họ mang vào trang viết sự cồng kềnh của người lớn, trong khi mảng sáng tác này cần sự trong sáng, ngây thơ, trí tưởng tượng phong phú và kỳ diệu.

"Tôi muốn kêu gọi các nhà văn hãy dành một phần tư quỹ thời gian sáng tác để viết cho thiếu nhi. Không cần đề tài gì lớn lao mà hãy viết về con, cháu, chắt của mình với lòng yêu thương, chân thật", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều quả quyết.

Ngoài ra, theo ông Lê Hoàng - Giám đốc Đường sách TP.HCM, muốn khơi dậy sức sống mới cho văn học thiếu nhi, mấu chốt vẫn là tạo ra nhu cầu, thói quen cho sáng tác và thưởng thức đề tài này, tránh tình trạng hô hào, thực hiện không đến nơi đến chốn.

Ông mong Giải thưởng sách thiếu nhi TP.HCM vừa khởi động "đánh trống không bỏ dùi", nghĩa là sau khi những tác phẩm được công bố và vinh danh cần thực hiện chiến dịch truyền thông nghiêm túc.

Các cuốn sách sẽ được đưa xuống nhà trường cho học sinh dễ tiếp cận. Đó mới là kết quả lớn nhất mà giải thưởng đạt được.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/no-luc-danh-thuc-cay-but-viet-cho-thieu-nhi-2152645.html