Những chuyện diệu kỳ ở di tích lịch sử Đường Trường Sơn

Tại các di tích lịch sử gắn với tuyến đường Trường Sơn huyền thoại trong chiến tranh có khá nhiều chuyện diệu kỳ, sự trùng hợp đến kỳ lạ…

Sự diệu kỳ ở nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất nước

Để lập nên những chiến công oanh liệt và huyền thoại Trường Sơn, gần 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh trên tuyến chi viện chiến lược này.

Cây bồ đề sau Đài tưởng niệm trong Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Đỗ Phú Thọ

Cây bồ đề sau Đài tưởng niệm trong Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Đỗ Phú Thọ

Trước những mất mát, hy sinh của các đồng chí, đồng đội, ngay từ đầu thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã đề nghị Đảng, Nhà nước và Quân đội tổ chức quy tập các liệt sĩ nằm rải rác trên dọc tuyến đường Trường Sơn và đất bạn Lào, Campuchia lại một nơi, như một “mái nhà chung” để đồng bào, đồng chí và nhất là các gia đình tiện lui tới thăm viếng.

Đề xuất này sau đó đã được Tổng Bí thư Lê Duẩn và Bộ Chính trị thông qua, đồng thời giao cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đi khảo sát và chọn địa điểm. Sau khi cân nhắc, địa danh đồi Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã được lựa chọn. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977. Công trình có tổng diện tích hơn 140.000 m2 quy tụ 10.263 phần mộ của các liệt sĩ là con em của 63/63 thành phố trong cả nước.

Bước vào cổng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, du khách sẽ thấy phía bên trái có một hồ nước rộng lớn với cù lao nằm ngay ở giữa. Sự ra đời của hồ nước này là câu chuyện khá kỳ lạ.

Khi xây dựng nghĩa trang này, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cho đào một hố nhỏ chứa nước để phục vụ xây dựng. Nhưng ngay giữa ngọn đồi khô cằn, khi mới đào được khoảng một mét thì gặp một mạch nước ngầm phun cao. Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn cho đào sâu rộng ra thành một hồ lớn. Có điều kỳ lạ nữa là từ khi đào hồ đến nay, hồ nước lúc nào cũng trong xanh, đầy ắp nước, kể cả những năm khô hạn, chưa bao giờ cạn, tạo nên cảnh quan sinh thái trong lành.

Cây bồ đề trước Đền thờ Bác Hồ và Anh hùng liệt sĩ Trường Sơn. Ảnh: Đỗ Phú Thọ

Cây bồ đề trước Đền thờ Bác Hồ và Anh hùng liệt sĩ Trường Sơn. Ảnh: Đỗ Phú Thọ

Cuối năm 1976, khi nghĩa trang được hoàn thiện, chuẩn bị khánh thành thì Ban quản trang phát hiện một cây bồ đề cao khoảng 20 cm mọc lên ngay sau Đài tưởng niệm. Đứng trước cây bồ đề nhỏ bé có nguồn gốc tâm linh của đạo Phật, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên rất xúc động. Ông giao cho ban quản trang vun đất và chăm sóc cây cẩn thận. Khác với hàng trăm loại cây ở nghĩa trang, cây bồ đề lớn nhanh đến kỳ lạ và chia thành 3 nhánh ôm ấp lấy 3 cạnh của Đài tưởng niệm "Tổ quốc ghi công".

Năm 1999, khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có kế hoạch cải tạo, nâng cấp Đài tưởng niệm, nhiều người có ý chuyển cây bồ đề để lấy mặt bằng. Việc này đến tai Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng ông vẫn vào ngay Quảng Trị đề nghị phải giữ nguyên chỗ cho cây bồ đề. Trong sổ lưu niệm ở nghĩa trang, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên viết: "Đây là một sự tích có tính huyền thoại, một phúc âm, một điềm lành của liệt sĩ an nghỉ nơi này. Mọi người cùng nhau giữ lấy cây bồ đề thiêng, tài sản của liệt sĩ Trường Sơn an nghỉ nơi đây".

Giờ đây, hàng vạn người dân khi đến thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn đều đứng trang nghiêm dưới gốc cây bồ đề tỏa rợp bóng mát. Nhiều đoàn cựu chiến binh khi về thăm viếng liệt sĩ tại nghĩa trang thường ngồi dưới tán bồ đề, đánh đàn ghi ta và cùng hát cho đồng đội nghe.

Vào những năm chín mươi của thế kỷ trước, khi Đền thờ Bác Hồ và các liệt sĩ Trường Sơn trong khuôn viên của Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn xây dựng xong, lại xuất hiện một cây bồ đề mọc tự nhiên cạnh hòn non bộ ngay trong sân và ở vị trí đối diện rất cân đối với Đền thờ. Cây bồ đề này cũng lớn rất nhanh, tạo cảnh quan đẹp và tôn nghiêm ở nơi này.

Hồ nước trong khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Đỗ Phú Thọ

Hồ nước trong khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Đỗ Phú Thọ

Sự trùng hợp đến kỳ lạ ở “Hang Tám Cô”

Đường 20 Quyết thắng là một trong những trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ trên tuyến chi viện Trường Sơn. Sở dĩ đường có tên gọi như vậy là do phần lớn những người tham gia mở, xây dựng, bảo vệ và hy sinh con đường đều đang ở lứa tuổi 20 tươi đẹp. Tại đây hiện có Đền thờ các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh tại Đường 20 Quyết Thắng, cạnh “Hang Tám cô”.

Không biết có sự hiện diện của bàn tay tạo hóa hay không, nhưng những câu chuyện trên đường 20 Quyết Thắng này đều gắn liền với những con số 8: Binh trạm phụ trách đường có 8 tập thể và 8 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Vào những năm 1971-1972, “Hang Tám cô” là nơi trú ẩn của 8 nữ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên đường 20 Quyết Thắng. Vào ngày 14/11/1972, trong lúc các lực lượng đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom, thì máy bay Mỹ ập đến đánh phá. Đội thanh niên xung phong gồm 8 người, 4 nam 4 nữ. Anh lớn tuổi nhất khi đó 37 tuổi, còn 7 người còn lại tuổi từ 18 đến 20. Để tránh bom Mỹ, 8 người này đã vào trong hang đá này.

Đoàn đại biểu Binh đoàn 12 (đơn vị kế tục truyền thống Bộ đội Trường Sơn Anh hùng) tưởng nhớ các liệt sĩ Trường Sơn tại Đền thờ liệt sĩ - Đường 20 Quyết Thắng cạnh Hang Tám Cô. Ảnh: Đỗ Phú Thọ

Đoàn đại biểu Binh đoàn 12 (đơn vị kế tục truyền thống Bộ đội Trường Sơn Anh hùng) tưởng nhớ các liệt sĩ Trường Sơn tại Đền thờ liệt sĩ - Đường 20 Quyết Thắng cạnh Hang Tám Cô. Ảnh: Đỗ Phú Thọ

Lúc đó, bầu trời Đường 20 Quyết Thắng như vỡ vụn bởi tiếng gầm rú của động cơ máy bay và những trận bom. Không chỉ mặt đường bị cày nát mà ngay cả những khối núi chung quanh cũng rung chuyển bởi những đợt bom. Khi khói bụi tan đi, những đơn vị khác chiến đấu gần đó bàng hoàng nhận ra cửa “Hang Tám Cô” đã bị một khối đá khổng lồ nặng hàng trăm tấn bịt kín. Chạy đến nơi thì họ chỉ nghe thấy văng vẳng tiếng kêu cứu của đồng đội phía sau tảng đá. Tảng đá đã ngăn cách bên ngoài với bên trong. Những người bên ngoài sau trận bom đã tìm thấy hang, nhưng không sao có thể mở được đường vào vì khối đá quá lớn.

Họ chỉ biết lấy cây tre dài thông qua một chỗ hở để đưa nước uống, sữa và lương khô cho những người ở trong hang. Mỗi lần có xe qua, người ta lại tìm cách phá đá cứu người, nhưng máy móc hồi ấy không làm gì được... Sau 8 ngày, những người bên ngoài không còn nghe thấy tiếng kêu bên trong nữa…..

Ngày 16/5/2009, khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định công nhận Tập thể Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho 8 thanh niên xung phong hy sinh tại đây thì cây chuối mọc tự nhiên trước cửa hang bỗng nhiên nảy ra đúng 8 nải.

Cuộc kỳ ngộ của hai nữ anh hùng

Trên tuyến lửa Trường Sơn có hai người bạn nữ cùng công tác trên Đường 20 Quyết Thắng, sau đó cả hai đều hy sinh anh dũng và đều được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là chị Nguyễn Thị Vân Liệu và Nguyễn Thị Nhạ. Sau chiến tranh, hài cốt của Anh hùng Nguyễn Thị Nhạ đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Còn hài cốt của Anh hùng Nguyễn Thị Vân Liệu vẫn chưa tìm được.

Vào ngày 27/7/2004, nhân kỷ niệm 57 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp Huyền thoại Trường Sơn tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, người dẫn chương trình là nhà báo Diễm Quỳnh khi dâng hương và đặt hoa trắng lên phần mộ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Nhạ đã nhắc đến tên chị Nguyễn Thị Vân Liệu - nữ Anh hùng liệt sĩ cùng đơn vị chiến đấu với Nguyễn Thị Nhạ, kèm theo một chi tiết quan trọng được sóng truyền hình gửi đi khắp cả nước: Phần mộ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Vân Liệu hiện chưa được tìm thấy. Ai có thông tin về chị xin thông báo về số điện thoại nóng 090...

Nữ sĩ quan Binh đoàn 12 trước mộ hai nữ Anh hùng: Nguyễn Thị Vân Liệu và Nguyễn Thị Nhạ. Ảnh: Đỗ Phú Thọ

Nữ sĩ quan Binh đoàn 12 trước mộ hai nữ Anh hùng: Nguyễn Thị Vân Liệu và Nguyễn Thị Nhạ. Ảnh: Đỗ Phú Thọ

Biên tập viên Thạch Lựu, người trực tiếp nhận thông tin gọi vào đường dây nóng kể lại: Chỉ ít phút sau khi VTV3 phát trực tiếp cảnh quay MC Diễm Quỳnh tại khu mộ Anh hùng - Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, đã có người gọi điện đến. Đó là một bác sĩ người miền Bắc, ông cho biết mình là bạn của vị bác sĩ đã trực tiếp phẫu thuật cho Vân Liệu nhưng không thành công tại bệnh viện dã chiến ở biên giới Việt - Lào.

Theo lời kể của bạn ông sau khi hy sinh, chị Vân Liệu đã được đưa về an táng tại khu mộ tạm của Bộ đội Trường Sơn ngày ấy và một thời gian sau được đưa vào khu mộ Hà Nam Ninh - Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.

Thông tin đến nhanh và bất ngờ không chỉ với người xem truyền hình trên cả nước mà còn cả với những người làm chương trình. Đây là một chi tiết thật ý nghĩa cho một chương trình truyền hình lớn tại Quảng Trị.

Những ngày cuối tháng 12/2004, lãnh đạo tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng với Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đã trang trọng làm lễ đưa hài cốt liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Vân Liệu từ khu mộ Hà Nam Ninh về an táng tại khu mộ Những anh hùng Trường Sơn. Cuộc hội ngộ sau 36 năm của hai người nữ anh hùng trên tuyến lửa Trường Sơn ngày nào - Nguyễn Thị Vân Liệu và Nguyễn Thị Nhạ đã diễn ra như thế.

Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-chuyen-dieu-ky-o-di-tich-lich-su-duong-truong-son-320909.html