Nỗ lực 'bơm' vốn vào nền kinh tế, cân đối hạ lãi suất cho vay

Để thúc đẩy tín dụng, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, ngành Ngân hàng đang tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh

Nhiều giải pháp về vốn cho doanh nghiệp

Cùng với tình hình kinh tế quý I khởi sắc tích cực, nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp cũng ngày càng tăng. Đáp ứng nhu cầu đó, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất và lãi suất cho vay cũng đang được đánh giá là thấp nhất trong 20 năm qua. Những dòng vốn ưu đãi này là trợ lực quan trọng để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.

Cuối tháng 4, Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) triển khai chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024” với quy mô 20.000 tỷ đồng ưu đãi tín dụng ngắn hạn bằng VND từ nay đến hết ngày 31/12/2024. Theo đó, lãi suất của chương trình này sẽ thấp hơn sàn lãi suất cho vay thông thường đến 2,4%/năm. Ưu đãi dành cho khách hàng pháp nhân và doanh nghiệp tư nhân hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu có nhu cầu vốn ngắn hạn.

Từ đầu năm, Agribank dành 95.000 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng doanh nghiệp lớn, tập đoàn/tổng công ty, tài trợ dự án đầu tư, doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng dành hơn 60.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh.“Agribank cam kết dành tối đa nguồn lực đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế đất nước”, đại diện Agribank khẳng định.

Hệ thống ngân hàng đã và đang tích cực thúc đẩy tín dụng lãi suất thấp, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên

Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay VND cho các khoản vay hiện hữu của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với thời gian áp dụng trong 3 tháng từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6; đồng thời sẽ triển khai đồng loạt các gói cho vay mới với lãi suất giảm tới 1,5%/năm so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay nhằm giúp doanh nghiệp, người dân tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất cho vay thấp.

“Chương trình sẽ hướng đến các khách hàng thuộc các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, các lĩnh vực xuất khẩu, năng lượng, khoa học công nghệ và phục vụ nhu cầu đời sống của người dân nhằm thúc đẩy tín dụng, tạo động lực tăng trưởng kinh tế...”, đại diện Vietcombank cho biết.

Hiện, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng đang đẩy mạnh cho vay trên kênh số, ưu đãi vay kinh doanh với lãi suất từ 6,2%/năm cho nhu cầu vay vốn kinh doanh. Theo đó, với hình thức vay tín chấp, MSB đang áp dụng tài trợ kinh doanh không cần tài sản đảm bảo tới 1,5 tỷ đồng - hỗ trợ nguồn vốn liên thông cho cả vai trò cá nhân (chủ kinh doanh) và vai trò doanh nghiệp với mức lãi suất từ 1,08%/tháng; cho vay đơn lẻ cho chủ doanh nghiệp với hạn mức tới 1 tỷ đồng, lãi suất 1,20%/tháng và cho vay hộ kinh doanh với hạn mức 700 triệu đồng. Đặc biệt, MSB áp dụng mức lãi suất chỉ từ 0% cho khách hàng vay trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác, hỗ trợ tối đa cho hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp siêu nhỏ ổn định sản xuất, phát triển kinh doanh.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng triển khai hàng loạt gói vay ưu đãi cho từng đối tượng khách hàng. Trong đó, với khách hàng doanh nghiệp lớn, Techcombank ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng vay mới với chỉ từ 5,5%/năm. Với khách hàng hiện hữu, ngân hàng vẫn đang duy trì biểu lãi suất ưu đãi cho các khách hàng có lịch sử tín dụng tốt cũng như chọn Techcombank là ngân hàng giao dịch chính, sử dụng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp do ngân hàng cung cấp với mức lãi suất dao động từ 4,5 - 6,5%/năm.

“Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được phê duyệt trước với hạn mức tín dụng tới 20 tỷ đồng, tín chấp tới 10 tỷ đồng. Nếu sử dụng phần mềm MISA, khách hàng được cấp hạn mức lên tới 20 tỷ đồng, tín chấp tới 10 tỷ đồng... Khách hàng cá nhân được hỗ trợ vay chuyển nhượng bất động sản đang thế chấp với lãi suất từ 5,5%/năm, miễn trả nợ gốc lên đến 24 tháng...”, đại diện Techcombank nêu.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) đang áp dụng cho doanh nghiệp siêu nhỏ vay với lãi suất từ 6,7%/năm, cho khoản vay lên đến 7 tỷ đồng... Thời gian vay vốn lên đến 12 tháng đối với các khoản vay bổ sung vốn lưu động và lên đến 84 tháng đối với các khoản vay đầu tư tài sản cố định, vay mua ô tô...

Dù lãi suất cho vay hạ, song để tìm được khách hàng vay, đẩy mạnh vốn trong lúc này không dễ

Lãi suất không còn là rào cản

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong quý I/2024, ngành Ngân hàng đã tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn. Lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần phục hồi.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02. Nhằm tiếp tục tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung, gia hạn Thông tư 02 đang được rà soát.

Phía Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, chương trình cho vay lâm sản và thủy sản sẽ tăng lên 30.000 tỷ đồng thay vì 15.000 tỷ đồng như kế hoạch ban đầu.

Tuy nhiên, ở khía cạnh doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, hiện nay khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là tiêu thụ sản phẩm hàng hóa khá chậm. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giảm quy mô kinh doanh. Do vậy, nhu cầu vay vốn ngân hàng cũng giảm theo.

Theo ông Tuệ, những tháng đầu năm 2024 tình hình xuất khẩu đang có dấu hiệu khởi sắc. Các ngành như ngành du lịch và một số ngành bán lẻ có tốc độ tăng trưởng khá. Tuy nhiên, khảo sát ở doanh nghiệp nhiều ngành hàng thì vẫn chưa có nhu cầu vay vốn, ngay cả khi lãi suất cho vay đã được các ngân hàng áp dụng ở mức thấp và niêm yết công khai.

Từ thực tế ngân hàng, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho hay: “Dù lãi suất cho vay hạ, song để tìm được khách hàng vay, đẩy mạnh vốn trong lúc này không dễ”. Lãnh đạo MB nhấn mạnh: “Nhu cầu vốn năm nay chưa thể kỳ vọng đột biến nhưng sẽ dần tăng trở lại. Hiện nhu cầu về tín dụng mua nhà, ô tô đang đi ngang, nếu giữ vững được phương án đi ngang trong năm 2024 cũng đã là tín hiệu khởi sắc”.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với cơ chế điều hành tín dụng mới của Ngân hàng Nhà nước, khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp trong năm 2024 sẽ có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn và lãi suất trên thị trường hiện nay không còn là rào cản đối với khách hàng trong tiếp cận vốn ngân hàng, bởi mặt bằng lãi suất hiện nay đã về mức khá thấp. Cụ thể, lãi suất cho vay ở tất cả các kỳ hạn, thuộc mọi lĩnh vực đều giảm được khoảng 2,5% so với cuối năm 2022, đầu năm 2023. Trong đó, lãi suất cho vay thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ chỉ còn dưới 4%/năm.

Chuyên gia kinh tế- TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, lãi suất cho vay không phải là trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp, mà nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn, hay nói cách khác là không biết vay vốn ngân hàng để làm gì bởi không có đầu ra. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp có đầu ra nhưng lại không đủ điều kiện để vay... nên không thể tiếp cận vốn tín dụng.

Trong thực tế, theo ông Nghĩa, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để đầu tư đổi mới công nghệ nhằm thực hiện mục tiêu xanh hóa sản xuất, nhưng sẽ rất khó thuyết phục được ngân hàng cho vay. “Do vậy, phía ngân hàng thương mại cần nâng cao trình độ thẩm định dự án, đánh giá khả năng trả nợ cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt kịp thời cơ hội kinh doanh mới...”, ông Nghĩa gợi ý.

Trong cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 1/2024 mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng và thông báo công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà Nước cũng đang sử dụng các biện pháp về hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại và đưa ra thông điệp với nền kinh tế là trong năm 2024, tín dụng tăng khoảng 15% và có thể tăng hơn nếu như nhu cầu nền kinh tế vẫn cần và chỉ số kinh tế vĩ mô cho phép.

Về mặt bằng lãi suất, Phó Thống đốc cho biết, lãi suất đến thời điểm hiện nay là thấp nhất trong nhiều chục năm qua. Lãi suất là một vấn đề quan trọng, nó là chỉ tiêu vĩ mô cực kỳ phức tạp và đòi hỏi điều hành phải hợp lý bởi còn quan hệ với các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tỷ giá.

“Ngân hàng Nhà nước đưa ra quan điểm chỉ đạo điều hành trên tinh thần hạ lãi suất nhưng phải phù hợp trong bối cảnh kinh tế vĩ mô và vẫn phải kiểm soát được lạm phát, bởi nguy cơ áp lực lạm phát vẫn không phải là nhỏ. Chính vì vậy, lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước hiện tại và trong thời gian tới chưa đặt vấn đề điều chỉnh tăng hay giảm mà duy trì mức lãi suất như hiện nay, nhưng vẫn khuyến khích và chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm những chi phí của mình để hạ được lãi suất cho vay”, Phó Thống đốc khẳng định.

Ngày 2/5/2024 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai tích cực các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả và kiểm soát rủi ro thanh khoản.

Đồng thời, tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý; thực hiện nghiêm túc việc công bố công khai, minh bạch lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng cho vay có lãi suất thấp, phù hợp yêu cầu sử dụng vốn tín dụng.

Dành thời gian, công sức tập trung rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với từng doanh nghiệp, từng dự án đủ điều kiện; có giải pháp tín dụng phù hợp đối với các dự án BOT, BT giao thông khả thi, hiệu quả, lĩnh vực xăng dầu; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách...

Tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến. Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là các nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.

Đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án, chính sách tín dụng như: Chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội...

Linh Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/no-luc-bom-von-vao-nen-kinh-te-can-doi-ha-lai-suat-cho-vay-318037.html