Ninh Hòa: Vốn chính sách tiếp sức hộ dân vùng khó khăn

Chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thị xã Ninh Hòa đã giúp nhiều hộ dân có vốn đầu tư làm ăn, nâng cao thu nhập để từng bước ổn định kinh tế gia đình.

Mạnh dạn đầu tư

Nguồn thu nhập chính của gia đình bà Nguyễn Thị Hà (thôn Suối Mít, xã Ninh Tây) là trồng keo và chăn nuôi bò. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên việc sản xuất của gia đình bà còn hạn chế. Mấy năm trước, khi biết gia đình mình thuộc đối tượng của chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, bà mạnh dạn vay 50 triệu đồng của Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Ninh Hòa thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn của Đoàn Thanh niên. Với số vốn này, bà Hà đã mua keo giống trồng trên diện tích 2ha. Vừa qua, gia đình thu hoạch keo được 100 tấn, trừ chi phí thu lãi 60 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, tháng 8-2023, bà tiếp tục vay 50 triệu đồng từ chương trình, cùng với tiền tiết kiệm của gia đình để trồng mới 2ha keo.

Ông Phạm Thành Phương (xã Ninh Tây) chăm sóc đàn bò của gia đình.

Gia đình ông Phạm Thành Phương (thôn Suối Mít) vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn gần 5 năm trước. Ông dùng số vốn này để mua 2 con bò sinh sản. Nhờ bò sinh sản tốt nên ông đã bán được 3 con bò đực với giá hơn 30 triệu đồng/con và có 4 bò cái để tiếp tục gây dựng đàn. Hiện nay, ông đã đầu tư phát triển đàn bò lên hơn 20 con. Vừa qua, ông tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng của chương trình để trồng 5ha keo trên đất rẫy của gia đình.

Tăng mức cho vay lên 100 triệu đồng/hộ

Ngày 8-8-2023, Quyết định số 17/2023 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 31 ngày 5-3-2007 về tín dụng chính sách cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn có hiệu lực thi hành. Theo đó, mức cho vay của chương trình được nâng lên 100 triệu đồng/hộ (thay vì 50 triệu đồng/hộ như trước), lãi suất vốn vay ở mức 9%/năm. Đây là tín hiệu vui cho hộ vay, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế cho người dân ở vùng khó khăn. Đến nay, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa đã có những hộ vay mới được giải ngân 100 triệu đồng/hộ và những hộ đã vay đợt trước được nâng mức cho vay.

Ông Lại Quyết Thắng - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Ninh Hòa cho biết, trước đây, trên địa bàn thị xã có 4 xã được tiếp cận chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn là: Ninh Tây, Ninh Sơn, Ninh Tân, Ninh Thượng. Tuy nhiên, hiện nay, các xã: Ninh Sơn, Ninh Tân, Ninh Thượng đã đạt xã nông thôn mới nên không còn được tiếp cận chương trình này. Qua kết quả điều tra, số hộ dân tại xã Ninh Tây có nhu cầu nâng mức vay theo Quyết định số 17 khá lớn. Do đó, địa phương đã tổ chức rà soát, bình xét các hộ gia đình có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, có hiệu quả và có khả năng trả nợ để cho vay nâng mức. Đồng thời, Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Ninh Hòa đã tham mưu, đề xuất UBND thị xã xin nguồn vốn của cấp trên khoảng 5 tỷ đồng để tiếp tục nâng mức cho vay, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân.

Trong quá trình triển khai, NHCSXH thị xã Ninh Hòa đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể xã Ninh Tây kiểm tra, giám sát, bảo đảm vốn tín dụng đến đúng đối tượng thụ hưởng. UBND xã Ninh Tây đã chỉ đạo các trưởng thôn, hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện bình xét cho vay công khai, minh bạch, đúng quy trình, nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ vay vốn để NHCSXH khẩn trương giải ngân vốn vay giúp người dân sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Theo báo cáo của Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Ninh Hòa, tính đến hết tháng 8-2023, dư nợ chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn trên địa bàn thị xã hơn 38,2 tỷ đồng, giảm hơn 3,1 tỷ đồng so với đầu năm (điều chỉnh sang chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn) với 1.049 khách hàng dư nợ. Doanh số cho vay vốn 8 tháng năm 2023 là 4,8 tỷ đồng với 115 lượt khách hàng vay vốn; doanh số thu nợ 7,9 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn ưu đãi của chương trình, người dân đã đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả (chăn nuôi bò, trồng keo, bắp, mía…), thu nhập và đời sống người dân có nhiều chuyển biến. Người dân trả nợ gốc và lãi đúng hạn.

MAI HOÀNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202309/ninh-hoa-von-chinh-sach-tiep-suc-ho-dan-vung-kho-khan-e231def/