Những thầy cô đặc biệt của những trẻ em đặc biệt

Dạy tốt cho những học trò bình thường đã khó, dạy cho trẻ em chậm phát triển càng khó gấp bội phần. Nhưng với tình yêu nghề và tâm huyết muốn đưa trẻ hòa nhập với cộng đồng và xã hội đã giúp các thầy cô tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiên thần nhỏ Ninh Bình gắn bó lâu dài với nghề.

Cô Đinh Thị Tuyết tận tình hướng dẫn cho học sinh tại trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiên thần nhỏ Ninh Bình.

Vừa giơ mảnh gỗ ghép tên con vật, chốc lát cô Tuyết lại dừng lại nhắc nhở: "Lâm, tập trung, nhìn nào, đây là con gì? Đúng rồi, Lâm giỏi quá, con dê, Lâm nhắc lại con dê cho cô nào."

Chỉ học về con vật nhưng hai cô trò mất đến 15 phút bạn nhỏ mới nhớ và nhắc lại được. Đây không phải lần đầu cô dạy bài học đó. Cô Tuyết bảo có những điều rất nhỏ nhưng cô nhắc mỗi ngày, trò vẫn quên.

Cô Đinh Thị Tuyết là giáo viên can thiệp cá nhân tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiên thần nhỏ Ninh Bình đến nay đã bước sang năm thứ 7 gắn bó với nghề. Vừa được đào tạo từ trường lớp, vừa qua lớp tập huấn từ trung tâm và trau dồi kĩ năng trong quá trình giảng dạy, cô Tuyết dường như hiểu hết đặc điểm, khó khăn của từng em.

Được biết, trẻ tham gia học tại đây, thể nhẹ thì tăng động giảm chú ý, chậm nói, rối loạn cảm xúc, rối loạn ngôn ngữ, nặng thì tự kỉ, chậm phát triển trí tuệ. Mỗi em khi đến học vừa mang hi vọng từ gia đình, vừa là trọng trách cao cả của những người làm giáo viên cho trẻ đặc biệt như cô.

Các thầy cô vừa là người dạy chữ, vừa giúp các em chữa bệnh tâm lí và khắc phục khó khăn vận động. Vì thế, dù lớp học chỉ 1 thầy 1 trò, có lớp mỗi cô chỉ quản 5 - 7 học sinh nhưng cũng khiến thầy cô "vã mồ hôi" mỗi giờ lên lớp. Giáo án cũng phải chuẩn bị rất kĩ, không phải theo lớp, theo năm học mà chi tiết cho từng học sinh, từng tháng và gửi về mỗi gia đình để cùng phụ huynh thống nhất, đánh giá.

Cô Tuyết tâm sự, áp lực của công việc rất cao bởi sự kì vọng của cha mẹ với những trẻ đặc biệt thường rất lớn, mong muốn các em có sự thay đổi nhanh và rõ rệt. Tuy nhiên, với trẻ rối loạn phát triển, khi bắt đầu học, các em phải mất vài tuần chỉ để làm quen, loại bỏ nỗi sợ và sự e dè với thầy cô rồi mới tính chuyện dạy kiến thức. Có những bạn rất nghe lời nhưng đa phần học sinh mới sẽ có phản kháng rất mạnh bằng cách gào khóc, cào cấu, xô ngã cô, ăn uống sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên.

Hướng dẫn các em vừa luyện tập vận động, vừa vui chơi.

Thầy Phạm Văn Toán, giáo viên lớp tiền hướng nghiệp tại trung tâm cũng cho biết: Dạy trẻ chậm phát triển rất khác với dạy trẻ trong môi trường giáo dục bình thường. Các bé có những khó khăn nhất định và những điểm đặc biệt trong tính cách nên còn gặp khó khăn trong giao tiếp và bộc lộ cảm xúc…

Tuy vậy, để có thể trở thành một chuyên viên can thiệp cho trẻ chậm phát triển và hỗ trợ được các con trên một hành trình dài, ngoài kiến thức, kĩ năng thì điều quan trọng nhất đó chính là kiên nhẫn và thấu hiểu đứa trẻ, thực sự yêu nghề và yêu những đứa trẻ khiếm khuyết.

Khi dạy trẻ, thầy cô cần phải làm thật chậm, nói chậm, tạo sự tương tác phù hợp với từng trẻ. Đôi khi thầy cô cần có cả sự bao dung và cảm thông cho cả phụ huynh, cùng phụ huynh thống nhất những kỳ vọng của cha mẹ tương ứng với khả năng của từng trẻ để tránh việc cha mẹ và các con cùng rơi vào trạng thái căng thẳng hoặc hụt hẫng.

Hiện nay, trung tâm chi nhánh tại thành phố Ninh Bình có khoảng 150 trẻ với 36 giáo viên. Học sinh đông, giáo viên thiếu nên thường xảy ra tỉnh trạng quá tải công việc với các thầy cô. Ngoài khó khăn trong quá trình giảng dạy, còn là vấn đề nhân sự, bởi phải là người thật sự yêu nghề, mến trẻ mới gắn bó được với công việc vất vả này. Những thầy cô tại trung tâm đều là người gắn bó đã lâu, trung tâm rất khó tuyển người mới.

Chị Hà Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Việc can thiệp, nuôi dạy trẻ rối loạn phát triển không phải là công việc đơn giản. Trăn trở của ban giám đốc trung tâm là làm thế nào để có được môi trường hòa nhập tốt cho các em để các em có được sự ghi nhận của xã hội. Đồng thời, nỗ lực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thầy cô. Và cũng mong muốn nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của các sở ban ngành, cơ quan chính quyền địa phương, các bậc phụ huynh đối với nghề giáo viên dạy trẻ đặc biệt.

"Từ một em bé gần 3 tuổi trước khi đi học chỉ bập bẹ nói 1 từ thì chỉ sau 2 tháng, với sự đồng hành của các cô, bạn ấy đã nói được từ đôi. Đến lớp lúc nào cũng vui vẻ, hào hứng, chứng tỏ các cô rất yêu và quan tâm, tạo cho bạn ấy cảm giác gần gũi nên mới thích đi học như vậy." Cô Vũ Thị Nhung, phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình, phụ huynh học sinh cho biết. Đó chính là những món quà to lớn và ý nghĩa, là lời cảm ơn đặc biệt nhất đến sự tận tâm và yêu nghề của những người thầy cô giáo đặc biệt này.

Bài, ảnh: Lan Anh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhung-thay-co-dac-biet-cua-nhung-tre-em-dac-biet/d20221116145310715.htm