Những người hùng thầm lặng phía sau Apple, Microsoft

Bên cạnh Steve Jobs hay Bill Gates, những nhà đồng sáng lập khác cũng góp công lớn cho việc xây dựng Apple, Microsoft.

Steve Wozniak cùng Steve Jobs thành lập Apple vào năm 1976 trong khi vẫn làm việc cho hãng máy tính Hewlett-Packard. Tại Apple, Jobs tập trung vào tiếp thị còn Wozniak lo liệu chế tạo sản phẩm. Năm 1985, Wozniak rời Apple do tính cách thẳng thắn không phù hợp để ông ở lại công ty. Dù vậy, Wozniak là chủ nhân hàng loạt bằng sáng chế của Apple. Hiện nay, ông vẫn nằm trong danh sách nhân viên Apple, được trả lương mỗi tuần. Ảnh: Getty Images.

Ronald Wayne cũng là nhân vật quan trọng của Apple khi tạo nên logo đầu tiên cho công ty: hình ảnh vẽ bằng mực với biểu tượng Newton ngồi dưới gốc cây, một trái táo trên đầu. Wayne nắm giữ 10% cổ phần Apple nhưng đã bán hết sau 12 ngày thành lập công ty để lấy 800 USD - quyết định mà ông cho là không hối hận. Hiện nay, Wayne là tác giả 2 cuốn sách, nắm giữ nhiều bằng sáng chế, nhà sưu tập và mua bán tem, tiền xu. Năm 2014, Wayne từng bán đấu giá một số kỷ vật của Apple. Ảnh: Getty Images.

Ngoài Jack Dorsey (trái), Twitter còn có 3 đồng sáng lập là Biz Stone (giữa), Evan Williams (phải) và Noah Glass. Trước khi trở thành website độc lập, Twitter là nền tảng thuộc Odeo - dịch vụ cung cấp âm thanh được tạo ra bởi Noah Glass và Evan Williams. Dorsey, lúc ấy là thiết kế web của Odeo, nảy sinh ý tưởng về Twitter khi Williams muốn phát triển tính năng mới cho Odeo. Glass đã làm việc cùng Dorsey, thuê một lập trình viên có tên Florian Webber để hiện thực hóa ý tưởng. Trong khi đó, cựu nhân viên Google là Biz Stone được chiêu mộ để hỗ trợ Twitter về pháp lý. Ảnh: AP.

Năm 2006, Williams thâu tóm toàn bộ Odeo (bao gồm Twitter) rồi đổi tên thành Obvious Corp, sau đó sa thải Glass (ảnh). Lý do chính xác không được tiết lộ, nhưng nhiều người cho rằng tính cách của Williams và Glass không hợp nhau. Tháng 4/2007, Twitter tách khỏi Obvious Corp thành công ty riêng. Williams đảm nhiệm vị trí CEO Twitter trong một thời gian trước khi rời bỏ để thành lập nền tảng xuất bản Medium. Dorsey đang là CEO của Twitter. Thông tin về Glass khá hiếm, chỉ có hồ sơ Twitter với dòng chữ “Tôi đã bắt đầu nó”. Ảnh: CNBC.

Ngoài Elon Musk, 4 nhà sáng lập còn lại của hãng xe Tesla được công nhận gồm Martin Eberhard (ảnh), Marc Tarpenning, Ian Wright và JB Straubel. Hãng xe này là đứa con tinh thần của Eberhard và Tarpenning, được thành lập năm 2003 với giấc mơ sản xuất xe điện. Để có kinh phí hoạt động, cả 2 cần một nhà đầu tư lớn để dẫn đầu vòng gọi vốn Series A. Cùng với Ian Wright và JB Straubel, Eberhard đã thuyết phục thành công Elon Musk đầu tư cho Tesla vào năm 2004. Ảnh: AP.

Elon Musk giúp Tesla dẫn đầu 2 vòng gọi vốn, đồng dẫn đầu vòng 3 trước khi Tesla ra mắt chiếc xe đầu tiên mang tên Roadster vào năm 2006. Eberhard và Tarpenning (ngồi bên trái) đã rời Tesla sau khi Eberhard bị giáng chức CEO vào năm 2007, một năm trước khi Musk đảm nhận vị trí. Eberhard đã khởi kiện Tesla với cáo buộc phỉ báng, vu khống và vi phạm hợp đồng, cho rằng Tesla đã làm “méo mó lịch sử” khi loại bỏ vai trò đồng sáng lập của Eberhard. Cuối cùng, Eberhard đã rút đơn kiện sau khi chấp nhận giải pháp đưa tên ông vào danh sách 5 nhà sáng lập chính thức của Tesla. Ảnh: Ariana Ling.

Ngoài Bill Gates, nhà sáng lập còn lại của Microsoft là Paul Allen. Cả 2 là bạn ở trường trung học, cùng thành lập Microsoft vào năm 1975. Cái tên Microsoft (ban đầu là Micro-Soft) được nghĩ ra bởi Allen. Năm 1982, Allen rời Microsoft khi được chẩn đoán mắc ung thư hạch, một loại ung thư ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Bệnh tình của ông tái phát vào các năm 2009, 2018 trước khi qua đời ở tuổi 65. Là một nhà từ thiện, Allen đã quyên góp hơn 2 tỷ USD trong suốt cuộc đời. Ông còn tham gia kinh doanh khi sở hữu đội bóng rổ Portland Trail Blazers, đội bóng bầu dục Seattle Seahawks và Viện Khoa học não bộ Allen. Ảnh: AP.

Bên cạnh Mark Zuckerberg, các đồng sáng lập còn lại của Facebook gồm Dustin Moskovitz (ảnh), Chris Hughes, Andrew McCollum và Eduardo Saverin. Đều là sinh viên Đại học Harvard, 4 người đã cùng Zuckerberg phát triển thefacebook.com (tiền thân của Facebook). Saverin là nhà đầu tư đầu tiên của Facebook, đảm nhận vai trò đối tác kinh doanh. Moskovitz phát triển, vận hành website sau khi “học PHP (ngôn ngữ lập trình cho máy chủ) trong vài ngày”, theo lời Zuckerberg. Ảnh: Getty Images.

Hughes đảm nhiệm phát ngôn viên, người thử nghiệm, chuyên gia tiếp thị, đại diện chăm sóc khách hàng và những vai trò cần kết nối với người dùng. McCollum (ảnh) là người thiết kế logo đầu tiên của Facebook - khuôn mặt phác thảo của nam diễn viên Al Pacino. McCollum từng phát triển chương trình chia sẻ file dành cho Facebook có tên Wirehog nhưng không được Zuckerberg chấp thuận. Ảnh: Nexttv.

Sau khi thefacebook.com ra mắt năm 2004, Zuckerberg, Hughes (ảnh) và Moskovitz chuyển đến Palo Alto, California. Zuckerberg và Moskovitz quyết định bỏ học để phát triển Facebook, trong khi Hughes tiếp tục việc học tại Harvard rồi quay lại Facebook sau khi tốt nghiệp năm 2006. Saverin được Zuckerberg cho “ra rìa” vì không đóng góp nhiều cho công ty. Năm 2007, Hughes rời Facebook để làm tình nguyện viên cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Barack Obama. Tháng 5/2019, Hughes gây chấn động sau một bài báo trên New York Times kêu gọi các nhà quản lý chia tách Facebook để bảo vệ người dùng. Ảnh: CNBC.

Mike Krieger (phải) là đồng sáng lập Instagram bên cạnh Kevin Systrom. Khi còn ở Đại học Stanford, Krieger đã phát triển ứng dụng có tên Meebo trước khi làm việc cùng Systrom với Burbn - website dùng để check-in và chia sẻ ảnh, là tiền thân của Instagram. Cả 2 đã loại bỏ hầu hết tính năng của Burbn, chỉ còn lại chia sẻ ảnh rồi đổi tên thành Instagram, phát hành lần đầu trên iOS vào tháng 10/2010. Đến tháng 4/2012, Facebook mua lại Instagram với giá 1 tỷ USD. Krieger và Systrom ở lại Facebook để tiếp quản Instagram trước khi hoàn toàn rời công ty vào năm 2018. Ảnh: Getty Images.

Bill Gates kể lại những khoảnh khắc đáng nhớ nhất cuộc đời Cuộc đời Bill Gates trải dài những vinh quang của giới công nghệ. Thế nhưng, đối với nhà sáng lập Microsoft, những kỷ niệm mà ông ghi sâu nhất đều đến từ người thân xung quanh.

Phúc Thịnh
Theo Business Insider

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-nguoi-hung-tham-lang-phia-sau-apple-microsoft-post1127167.html