Những 'người hùng' giữa đời thường

Xin được gọi họ là những 'người hùng' của đời thường. Bởi dù tuổi đời còn rất trẻ, mỗi người lại hoạt động trong một lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nhưng ở họ có chung một trái tim gan dạ, sẵn sàng xông pha vào nơi nguy hiểm để cứu tính mạng của người khác.

Những người lính vì Nhân dân quên mình

Đại úy Nguyễn Hữu Tùng (sinh năm 1988), Đội Cảnh sát điều tra về tội phạm hình sự, kinh tế và ma túy, Công an huyện Triệu Phong được Tỉnh đoàn trao tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm vì hành động cứu người trong lũ dữ.

Đại úy Nguyễn Hữu Tùng luôn nỗ lực hết mình vì sự an toàn và hạnh phúc của Nhân dân - Ảnh: T.P

Những ngày đầu tháng 10/2020, mưa lớn liên tục trút xuống, gây ngập sâu trên địa bàn huyện Triệu Phong nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung. Được sự phân công của Ban chỉ huy Công an huyện tham gia hỗ trợ người dân trong vùng lũ, khoảng 15 giờ ngày 10/10/2020, trong quá trình vận chuyển hàng cứu trợ, đoạn ngang qua khu vực cổng Trường THPT Triệu Phong, thuộc địa phận thôn Bồ Bản, xã Triệu Trạch, anh Nguyễn Hữu Tùng cùng anh Lê Xuân Trí, hiện sống tại thôn Mỹ Lộc, xã Triệu Hòa đã kịp thời cứu được anh Lê Hữu Nhũng (sinh năm 1975) trú tại Thôn 7, xã Triệu Vân khi đang bị dòng nước lũ cuốn trôi. Theo lời kể của anh Tùng, nước lúc đó chảy rất mạnh và xiết, anh Nhũng cố sử dụng xe gắn máy để di chuyển qua đoạn nước lũ dâng cao nhưng không thành, cả anh lẫn chiếc xe đều bị cuốn trôi chừng 100 m. Thấy có người đang chới với giữa dòng nước, hai anh nhanh chóng chèo ghe qua cứu người. Thế nhưng ghe của anh lại không may mắc phải gốc cây, suýt chút nữa bị lật. Hai anh vừa tìm mọi cách đẩy chiếc ghe ra khỏi gốc cây, vừa nhảy xuống nước cứu người. Mất chừng 3 phút, anh Tùng mới cứu được anh Nhũng và khẩn trương đưa anh về nơi an toàn. Còn mình thì quay lại vị trí ban nãy trục vớt chiếc xe gắn máy lên.

“Tôi cảm thấy may mắn vì đã kịp thời nhìn thấy và cứu anh Nhũng. Trong giây phút nguy cấp ấy, một phút chậm trễ cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của anh ấy”, anh Tùng cho hay. Ngày 11/10/2020, anh Nhũng cùng gia đình đã viết thư cảm ơn những người giúp anh giữa lúc hoạn nạn. Bức thư có đoạn viết: “Tôi không biết nói gì hơn ngoài gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Công an huyện Triệu Phong, Công an xã Triệu Vân và đặc biệt là anh Nguyễn Hữu Tùng cùng người thanh niên đã giúp đỡ tôi trong lúc nguy cấp ngày 10/10/2020…”. Bức thư và hành động cứu người trong lũ dữ của anh Tùng ngay sau đó được mọi người chú ý và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Anh Tùng cười hiền lành: “Tôi nghĩ trong hoàn cảnh đó, cho dù là ai cũng sẽ hành động như tôi mà thôi. Đây không chỉ xuất phát từ lòng dũng cảm mà còn là trách nhiệm của tôi”. Không chỉ cứu người gặp nạn, trong đợt mưa lũ qua, anh cùng đồng đội còn thực hiện di dời người dân về nơi an toàn trước và trong lũ; tiếp tế lương thực, thực phẩm; hỗ trợ các đoàn thiện nguyện; giúp người dân nạo vét bùn đất...

Còn với Trung úy Lưu Văn Sơn (sinh năm 1997), Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt, người con của mảnh đất Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, những lần tham gia cứu nạn, cứu hộ đều để lại trong anh những kỷ niệm không thể nào quên. Tuy công tác tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt chưa lâu nhưng anh Sơn đã để lại trong lòng đồng đội và người dân Cửa Việt hình ảnh tốt đẹp về người lính biên phòng quả cảm, dám lao vào khó khăn vì tính mạng và sự an toàn của Nhân dân.

Người dân miền quê Cửa Việt luôn nhớ đến hình ảnh của Trung úy Lưu Văn Sơn (bên phải), người chiến sĩ biên phòng dũng cảm, gan dạ - Ảnh: NVCC

Trung úy Lưu Văn Sơn vẫn còn nhớ rõ ngày 8/10/2020, khoảng 3 giờ sáng, anh cùng đồng đội nhận được tin cấp báo: Chiếc tàu Vietship 01 đang neo đậu tại cảng Cửa Việt bất ngờ bị nước lũ cuốn trôi ra biển, mắc cạn ở khu vực cách biển Triệu An, huyện Triệu Phong 1 km. Ngay lập tức toàn bộ lực lượng đang làm nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt được triệu tập để sẵn sàng nhận nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ các thuyền viên trên tàu. Thế nhưng khi chưa tìm được cách tiếp cận tàu Vietship 01 thì khoảng 8 giờ 30 phút cùng ngày, anh Sơn tiếp tục nhận được thêm thông tin con tàu khác mang tên Thanh Thành Đạt 55 gồm 11 thuyền viên đang neo đậu tại vùng nước cảng Cửa Việt cũng bị trôi dạt. Để đảm bảo việc giải cứu cả 2 tàu được tiến hành thuận lợi, kịp thời, anh Sơn cùng đồng đội đã chia làm 2 nhóm, phối hợp cùng người dân địa phương và các lực lượng chức năng nhanh chóng tiếp cận và giải cứu cho các thuyền viên. “Lần đầu trực tiếp tham gia một cuộc cứu nạn, cứu hộ khiến tôi không khỏi lo lắng, hồi hộp. Chỉ khi tìm kiếm và giải cứu được các thuyền viên, tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm”, anh Sơn nhớ lại.

Thế nhưng chưa nghỉ ngơi được bao lâu thì đơn vị lại giao nhiệm vụ mới. Mưa lớn kéo dài đã gây ngập sâu tại các thôn Nhĩ Hạ, Nhĩ Trung, xã Gio Hải, huyện Gio Linh. Đêm 17 rạng sáng 18/10/2020, khi nước lũ dâng cao, anh nhận được lệnh nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương hạ thuyền, di dời người dân ở 2 thôn nói trên, bao gồm cả gia đình của các cán bộ, sĩ quan đang làm nhiệm vụ tại đồn về nơi an toàn. Cuộc di dời ấy kéo dài suốt nhiều giờ đồng hồ, anh Sơn cùng đồng đội đã phải dùng sức chèo thuyền, vượt qua những vùng nước sâu để tiếp cận được với người dân, dùng hết sức mình để bảo vệ tính mạng của họ trước tình cảnh nước lũ ngày càng dâng cao. Bà Nguyễn Thị Thu Hường, người dân thôn Nhĩ Trung, xã Gio Hải nói: “May mà có chú Sơn cùng các chú bộ đội biên phòng, tôi và mọi người mới được di dời kịp thời về nơi an toàn, còn được chu cấp thức ăn, nước uống đầy đủ để có sức vượt qua những ngày bão lũ”.

Với những việc làm ý nghĩa của mình, Trung úy Lưu Văn Sơn đã vinh dự nhận được bằng khen của Tỉnh đoàn, giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Gio Linh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác cứu nạn, cứu hộ và phòng, chống bão lũ năm 2020.

...đến chàng ngư dân trẻ gan dạ

Đến bây giờ, khung cảnh giải cứu con tàu Vietship 01 không may bị mắc cạn cách biển Triệu An (Triệu Phong) 1 km vẫn còn nguyên trong ký ức của chàng ngư dân 18 tuổi Phan Xuân Đức. “Lúc đó tôi đang ở nhà thì nhận được tin có một chiếc tàu mắc cạn đang cần được cứu hộ. Thế là tôi không suy nghĩ nhiều, thay vội bộ quần áo rồi chạy ngay đến hiện trường”, Đức mở đầu câu chuyện.

Chàng ngư dân trẻ Phan Xuân Đức vinh dự nhận Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” do Trung ương đoàn trao tặng - Ảnh: T.P

Khi vừa tới nơi, Đức nhận được thông báo vẫn còn nhiều thuyền viên bị mắc kẹt trên tàu Vietship 01 cần được giải cứu, nhưng hiện tại không có phương tiện nào tiếp cận được, trừ thuyền đánh cá nhỏ của ngư dân. Trước tình hình đó, một đội cứu hộ, cứu nạn gồm các ngư dân có nhiều kinh nghiệm đi biển đã nhanh chóng được thành lập với mục đích tiếp cận con tàu. Đức kể lại: “Trong đám đông có người hỏi ai có thể ra biển cứu người, tôi không ngần ngại xung phong ngay. Thực ra lúc đó tôi chỉ nghĩ mình là dân biển, ít nhiều đã có kinh nghiệm đối mặt với những lúc biển cả dữ dội như thế này, nên không hề sợ hãi. Chỉ mong cứu được người mà thôi”. Sau khi bàn bạc kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể, khoảng 9 giờ sáng ngày 10/10, một chiếc thuyền nhỏ đưa Đức cùng 3 thuyền viên là các ngư dân Nguyễn Đức Bằng (sinh năm 1968) thuyền trưởng, Nguyễn Văn Xanh (sinh năm 1970) và Trần Xuân Cường (sinh năm 1993) vượt sóng dữ ra biển. Nhưng không may chuyến đi đầu thất bại. Lần thứ hai quay trở lại, theo sự phân công ban đầu, các ngư dân đã tiếp cận tàu và cung cấp phao, dây cho các thuyền viên gặp nạn, nhưng thuyền trưởng Nguyễn Đức Bằng lại không may rơi xuống biển, sau đó bị sóng đánh dạt vào bờ. 3 người còn lại tiếp tục như kế hoạch đã bàn, ném được chừng 3 phao và dây thừng lên tàu thì thuyền bất ngờ bị sóng lớn đánh úp. Sau nhiều nỗ lực bám trụ, những ngư dân dũng cảm đã leo lên được tàu Vietship 01 trước khi thuyền chìm. Sau vài giờ bám trụ trên tàu thì đến khoảng 3 giờ chiều cùng ngày, thuyền cứu hộ thứ 2 do ngư dân Võ Văn Dũng (sinh năm 1974) và Nguyễn Hoài Minh (sinh năm 1978) lại rẽ sóng ra khơi, tiếp cận với tàu Vietship 01 nhưng chỉ cứu được Đức và anh Xanh vào bờ. Dù chưa thực hiện được mong muốn giải cứu các thuyền viên trên tàu Vietship 01 nhưng hành động của Đức khiến nhiều người nể phục.

Phan Xuân Đức gây ấn tượng với mọi người bởi vóc dáng cao gầy, có làn da ngăm đen, hiền lành nhưng gan dạ. Khi mới lên 9 tuổi, Đức đã theo những người quen trong thôn đi biển đánh cá, nhờ đó mà có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các tình huống trên biển. Là con trai út trong một gia đình 4 người tại thôn Phú Hội, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, trước Đức còn có một người chị gái bị khuyết tật nên từ nhỏ, ngoài giờ đến trường, Đức đều tranh thủ đi biển để kiếm thêm thu nhập phụ giúp ba mẹ. Ông Phan Trấn Thủ (67 tuổi), ba của Đức kể lại: “Hôm nó đi cứu người bị nạn trên tàu, vợ chồng tôi đều có việc ra ngoài nên không hay biết gì. Đến khi nhận được tin con trai mình đã theo các ngư dân đi cứu người, vợ chồng tôi rất lo lắng, lập tức chạy ra biển. Mãi đến khi người ta đưa được con trai vào bờ, tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm”. Dù không có một lời khen nào nhưng trong đôi mắt hằn nhiều vết chân chim của ông vẫn ánh lên niềm tự hào về con trai mình.

Những con người tràn đầy nhiệt huyết, dũng cảm, sẵn sàng lao vào hiểm nguy để bảo vệ tính mạng cho người khác mãi là “người hùng” trong cảm nhận của mỗi chúng ta.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=155374