Những mùa vàng trên miền biên giới

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, biên giới Quảng Bình luôn oằn mình với những 'tọa độ lửa' Cha Lo, Tăng Ký, Làng Ho… để rồi hôm nay, cũng trên những hố bom đạn ấy, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và đồng bào Rục, Chứt, Mày, Ma Coong, A Rem, Bru-Vân Kiều cùng nhau xây dựng đời sống mới, thay diện mạo biên giới bằng những cánh đồng lúa nước hai vụ.

Bưng bát cơm thơm dẻo, ai ấy cũng rưng rưng, nhớ đến những người lính biên phòng đã trần mình dãi nắng dầm mưa, đào núi, đắp đập, cầm tay chỉ việc để bà con từ chỗ sống phụ thuộc vào rừng đã biết tự mình làm nên những mùa vàng bội thu.

Thực ra, cây lúa nước đã được BĐBP Quảng Bình đưa về biên giới cả chục năm trước nhưng chỉ khoảng 2-3 năm trở lại đây mới thực sự trở thành cây xóa đói khi đồng bào đã làm chủ kỹ thuật canh tác. Từ chỗ chủ công, cầm tay chỉ việc giờ những người lính quân hàm xanh chỉ còn phải đôn đốc và hỗ trợ bà con những việc cần đến máy móc như cày bừa, tuốt lúa. Biết xuất phát điểm của người Chứt, Mày, A Rem, Bru Vân Kiều ở miền biên viễn này, mấy ai có thể nghĩ có một ngày, đồng bào biết ủ thóc gieo mạ, cấy, làm cỏ, gặt lúa cũng như bảo quản sau khi thu hoạch. Từ chỗ phát đốt, chọc chỉa, dùng tay tuốt từng bông lúa nay đã thu được 5 tấn/ha - một điều vô cùng bất ngờ ngay đối với cả những người lính biên phòng. Không những thế, nhiều người đã tự mình huy động người thân khai hoang thêm ruộng để mở rộng diện tích. Đồng bào đã có ruộng để xóa đói, rừng chỉ còn để trồng sắn, trồng keo, bời lời để giảm nghèo. Suốt từ Ka Ai, qua Mò O Ồ Ồ đến Tân Ly, những cánh đồng lúa 2 vụ cứ luôn phiên chuyển từ xanh mướt đến vàng rực mang niềm tin, hy vọng cho những con người vốn chỉ biết đến rừng.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng cùng đồng bào Rục chuẩn bị vụ lúa đông xuân.

Không ai có thể phủ nhận công lao của Ðại tá Nguyễn Văn Phúc, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình trong việc đưa cây lúa nước về với đồng bào ở biên giới Quảng Bình. Người ta nhớ đến ông với hình ảnh đi dép rọ, xắn quần lội ruộng cùng anh em để xem xét công việc. Ông bảo, việc Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình lựa chọn Tân Ly, Ka Ai để đưa cây lúa nước về không chỉ là giúp bà con chấm dứt cảnh đứt bữa mà còn vì muốn tri ân những đóng góp của đồng bào đã cùng BĐBP những năm gian khổ giặc giã. Đối với đồng bào Rục ở Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa) thì “duyên nợ” đã có từ 60 năm trước khi Công an nhân dân vũ trang Bình Trị Thiên (nay là BĐBP Quảng Bình) phát hiện ra họ ở miền Tây Quảng Bình. Bằng sự quyết tâm rất lớn của bộ đội, 34 người Rục được đưa từ trong hang đá ở đại ngàn Trường Sơn về định cư tại xã Thượng Hóa. Những năm 2000, tỉnh Quảng Bình đã chi hơn 30 tỷ đồng làm đường, trường, trạm cho đồng bào Rục. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng mới chỉ giúp đồng bào một phần trong khi hướng vươn lên tự chủ vẫn còn nhiều trở ngại. Tâm lý ỷ lại vào hàng cứu trợ, cảnh đứt bữa vẫn còn xảy ra. Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã quyết định giúp đồng bào làm lúa nước, tin rằng đây là cách làm bền vững như “tặng người dân chiếc cần câu thay vì cho con cá”.

Sau nhiều lần khảo sát, Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình quyết định cải tạo khu vực hoang hóa Rục Làn. Máy múc, máy cày, máy bừa được đưa từ TP Đồng Hới lên. Các đồn biên phòng, các phòng ban khối cơ quan Bộ chỉ huy cũng “góp người” lên Rục Làn khai hoang cho đủ 10 ha ruộng. Khi ấy, cả vùng Rục Làn như 1 công trường xã hội chủ nghĩa, bộ đội và người dân hăng say làm việc không quản mưa nắng.

Khi chúng tôi đến Tân Ly, Ka Ai hay Mò O Ồ Ồ, bà con thường nhắc đến “kỹ sư” Phạm Xuân Ninh-người suốt một thời gian dài đã “4 cùng” với bà con làm lúa nước. Thiếu tá Phạm Xuân Ninh tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Huế, sau đó học văn bằng 2 tại Học viện Chính trị. Nhận công tác tại BĐBP Quảng Bình đúng vào thời điểm đơn vị có chủ trương giúp đồng bào Bru-Vân Kiều ở bản Tân Ly (xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy) làm lúa nước. Bởi vậy, chàng kỹ sư nông nghiệp mang quân hàm xanh Phạm Xuân Ninh đã nhanh chóng có mặt ở biên giới, cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho bắt tay vào việc phát cỏ, be bờ, làm đất, đắp đập giữ nước rồi gieo hạt trước sự lạ lẫm của bà con. Để động viên bà con, một quy tắc được đặt ra: Ruộng khai hoang trên chính khu vực rẫy của nhà nào thì nhà ấy hưởng, diện tích khai hoang mới được chia cho những người góp sức. Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình cũng đầu tư đường mương dẫn nước đến tận ruộng. Cứ thế, 41 hộ Bru-Vân Kiều bắt đầu canh tác trên 2ha ruộng nước. Khi lúa trên cánh đồng Tân Ly chín vàng, cho những gùi thóc đầy ắp đã thực sự mang lại niềm tin cho người Bru-Vân Kiều ở Tân Ly. Thế rồi, diện tích lúa nước ở Tân Ly ngày càng được mở rộng khi các hộ dân tự mình khai hoang thêm ruộng như gia đình ông Hồ Xuân Hoạch, Hồ Văn Hùng, Hồ Văn Lái, Hồ Văn Lai…

Niềm vui được mùa của đồng bào Rục ở Mò O Ồ Ồ.

Bản Mò O Ồ Ồ những ngày cuối năm càng trở nên đẹp đẽ bởi hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng và đồng bào Rục đang chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân. Bộ đội dùng máy cày ải lật tung những gốc rạ của mùa vụ trước, chuẩn bị dẫn nước về. Người dân mang thóc giống chuẩn bị ủ cho kịp thời gian xuống mạ. Nếu thời tiết thuận lợi, vụ hè thu sẽ được cấy xong trước khi bà con đón Tết Nguyên đán. Trung tá Hoàng Ngọc Thiên, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết: Vụ hè thu năm nay, năng suất lúa đạt trung bình 5 tấn/1ha. Với 10ha, đồng bào thu gần 50 tấn thóc. Sau khi thu hoạch, một phần thóc được xát thành gạo phục vụ cuộc sống hàng ngày, một phần được đóng vào bao cất lên gác dự trữ. Nhờ vụ hè thu bội thu mà đợt cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua, cả vùng này bị lũ chia cắt dài ngày nhưng 2 tấn gạo do UBND huyện Minh Hóa hỗ trợ cho đồng bào (đã được chuyển vào đồn biên phòng trước đó) vẫn chưa phải dùng đến. Chia tay Mò O Ồ Ồ, Trưởng bản Cao Xuân Long nói với chúng tôi: “Về Bộ chỉ huy, cho tôi gửi lời hỏi thăm anh Ninh với. Chúng tôi muốn mời anh về thăm bà con để anh ấy thấy đồng bào Rục ở đây làm lúa nước giỏi gần bằng người Kinh ở miền xuôi rồi”.

Bản Ka Ai (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) là điểm thứ 3 được BĐBP Quảng Bình triển trồng lúa nước 2 vụ. Việc không hề đơn giản bởi làm thế nào để thay đổi được suy nghĩ từ bỏ lối canh tác vốn dĩ đã ăn sâu vào ý thức bao đời nay của người Mày, người A Rem nơi đây. Khi Thiếu tá Phạm Xuân Ninh đến Ka Ai, kinh nghiệm “4 cùng” với đồng bào đã “hòm hòm”, giúp anh dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và khiến đồng nghe những điều anh nói, để mọi người cùng tin rằng đây là việc của mình chứ không của riêng gì bộ đội. Và, cây lúa nước của người Ka Ai đã trổ bông, kết hạt giữa tình quân dân nơi biên giới. Mặc dù đã “nhận khoán” nhưng người Mày, người Sách ở bản Ka Ai vẫn gọi 5ha ruộng nước do Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo khai hoang là “Ruộng biên phòng” như sự tri ân, cũng như nhắc nhau về công lao của những người lính quân hàm xanh. Trưởng bản Cao Xuân Xiêm bảo: “Cây lúa nước của các anh biên phòng đã làm thay đổi cuộc sống, đặc biệt là nhận thức bà con Ka Ai. Chúng tôi nhận ra, hạt gạo mình tự làm ra ngon hơn rất nhiều gạo nấu từ gạo cứu đói, gạo của các đoàn từ thiện”.

Nhờ có lúa nước, người Ka Ai đã không còn bị đứt bữa.

Hơn 40 năm trước khi Đồn công an nhân dân vũ trang Cha Lo (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo) được Chủ tịch nước Hồ Chí Minh ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì những thành tích đặc biệt bắn rơi máy bay Mỹ, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã vượt cổng trời đến đây để viết nên khúc ca bất hủ “Đêm trên Cha Lo”. Trước khí phách của những người lính trấn ải biên cương, ông đã mơ về một Cha Lo tươi sáng: “Vì một tiếng ru hời hay tiếng đánh vần bi bô, những cánh đồng hợp tác hay những nhà máy khói bay. Có chúng tôi đây vững vàng trên miền Tây…”. Ngày hôm nay, Ka Ai đang hiện thực hóa giấc mơ của nhạc sĩ tài hoa này.

Nếu ai hỏi biên giới Quảng Bình có gì đẹp nhất, câu trả lời nhất định sẽ là những cánh đồng lúa nước hai vụ của đồng bào Rục, Chứt, Mày, Bru-Vân Kiều, A Rem…

Bài và ảnh: TRÚC HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-quan-doi-anh-hung-quoc-phong-vung-manh/nhung-mua-vang-tren-mien-bien-gioi-604399