Những đứa trẻ trong sương - Khi tuổi thơ trôi tuột qua lòng bàn tay...

Lớn lên là một hành trình không thể kháng cự, dẫu hành trình đó ăm ắp niềm vui hay chan chứa những nỗi buồn. Nhìn những cô bé người H’Mông hồn nhiên vui đùa, Hà Lệ Diễm đã dự cảm về ngày tuổi thơ ấy sẽ nhanh chóng hoặc đột ngột khép lại. Những đứa trẻ trong sương ra đời từ dự cảm mất mát ấy.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm. Ảnh: Facebook nhân vật

Tính đến nay, phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương (Children of the Mist) của nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm đã đạt 34 giải thưởng quốc tế, như giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam, Phim tài liệu Đông Nam Á xuất sắc tại Liên hoan phim Balimakarya, Giải thưởng lớn (Grand Prix) tại Liên hoan phim Giáo dục của Pháp... Và tại Oscar 2023, Những đứa trẻ trong sương đã tạo nên kỳ tích khi là phim tài liệu Việt Nam đầu tiên góp mặt trong danh sách rút gọn của hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc.

Từ trò vui ngày thơ bé

Những đứa trẻ trong sương kể về hành trình đi qua tuổi thơ của cô bé Má Thị Di, người H’Mông ở Sapa (Lào Cai). Di là cô bé xinh xắn, hồn nhiên, tinh nghịch, có cá tính mạnh mẽ. Cô bé sống cùng ba mẹ và em trai. Chị gái của Di đi lấy chồng khi đang học lớp 10 theo tục bắt vợ và nhanh chóng trở thành mẹ khi vẫn còn rất nhỏ.

Phim bắt đầu với Di năm cô 12 tuổi đang cùng bạn bè chơi diễn trò làm tiệc mừng năm mới, đi chơi tết và một bạn bị nhà trai bắt về làm vợ - tục lệ truyền thống của người H’Mông. Trò chơi kéo vợ của đám trẻ diễn ra thật náo nhiệt. Tiếng cười đùa vang cả một vùng trời.

Tuổi thơ của Di không chỉ có vui chơi mà còn là những ngày em và bạn bè theo người lớn ra đồng cấy lúa. Công việc nặng nhọc, vất vả, quần áo lấm lem bùn đất cũng được những đứa trẻ con biến thành cuộc vui rộn rã. Cảnh phim Di làm lồng đèn ông sao và chơi cùng bạn lẫn đám trẻ con, niềm ước mơ có thật nhiều tiền để quen bao nhiêu chàng trai cũng được diễn tả sinh động đời sống tinh thần của một cô bé còn nhiều ngây thơ và mộng mơ.

Cứ như thế, bức tranh tuổi thơ của một cô bé vùng núi phía Bắc dần dần được vẽ ra theo từng cảnh quay. Di và bạn bè đã sống những năm tháng tuổi nhỏ đầy sôi động với bao trò vui. Trong thế giới ấy, dường như không có bất kỳ một nỗi muộn phiền nào, dẫu đời sống của em và người dân nơi đây còn nhiều cực nhọc. Những niềm vui giản dị mà bất tận cùng với tiếng cười nắc nẻ, hồn nhiên, trong trẻo của Di chính là thanh âm vang vọng trong suốt phần đầu của phim. Đó là những thanh âm của tuổi thơ. Những tưởng rằng thanh âm ấy sẽ theo Di mãi…

Poster phim Những đứa trẻ trong sương (Children of the Mist). Ảnh: Internet

Đến nỗi sợ khi trưởng thành

Theo thời gian, Di dần lớn lên và dần có những đổi thay. Cô bé Di trở thành một thiếu nữ khi biết tô son, chuốt mi, làm điệu khi đến trường. Di cũng đã biết hẹn hò, biết “thả thính”, biết thẹn thùng, biết giận hờn trong quan hệ với bạn khác giới. Những xung đột giữa Di và mẹ bắt đầu hình thành và ngày càng nhiều hơn. Công việc Di phải làm cũng dần nặng nhọc hơn.

Bước ngoặt lớn nhất trong hành trình lớn lên của Di bắt đầu khi Di đi chơi tết và thuận ý đi về nhà của Vàng. Quán tính của tuổi thơ đã khiến Di đi cùng với Vàng về nhà của Vàng mà không lường trước được những hệ quả của nó. Di (và cả Vàng cũng vậy) không biết rằng mình đã thực sự tham gia vào thực hành văn hóa tục lệ của cộng đồng mình với bao nhiêu lễ nghi và phép tắc.

Dẫu rằng kết cục, Di và Vàng đã uống chén rượu chia tay, nghĩa là Di đã thoát ra được tình thế bị kéo của mình. Nhưng sau đó, Di đã ít nhiều chịu nhiều thương tổn mà mất mát lớn nhất là Di mãi mãi không thể quay trở về là Di của thời thơ bé nữa. Có lẽ giờ đây, Di đã thấm thía bài ca buồn mênh mang thuở nhỏ hát cùng bạn bè khi đối mặt với thử thách sinh ra và lớn lên như một người phụ nữ người H’Mông.

Tiếng thở dài, gương mặt suy tư của Di khi nghĩ về những chuyện đã qua thực sự đặc tả nỗi tiếc nuối khôn nguôi về những năm tháng thời thơ ấu giờ đây đã như một vốc cát trôi tuột qua kẽ tay. Người xem cũng không thể không ngậm ngùi, tiếc thương cho những ngày đã mất của Di khi ở cảnh khép lại phim, Di đứng dậy và nói: “Di là Di muốn nhỏ lại đấy!” và cười chạy về nhà. Có lẽ, Di đã chấp nhận việc mình phải lớn lên, nhưng ước vọng được nhỏ lại của Di, sẽ còn vang vọng mãi trong Di, và trong tất cả chúng ta…

Vén sương mù bao quanh

Những đứa trẻ trong sương là phim tài liệu được kể đầy tính sáng tạo. Hành trình đi qua tuổi thơ của Di được kể theo lối hồi tưởng, bắt đầu bằng chi tiết Di của thời điểm hiện tại ngồi trên phiến đá cao, gương mặt nhiều suy tư, rồi lùi lại về trước đó 3 năm, khi Di vẫn còn là cô bé 12 tuổi. Cuối cùng, phim khép lại với hình ảnh Di thời hiện tại. Tự thân lối kể chuyện hồi tưởng này đã thể hiện xúc cảm chủ đạo của phim là sự tiếc thương một thời quá vãng.

Hà Lệ Diễm đã cho thấy sự sắc sảo, thông minh khi dùng tục kéo vợ làm chi tiết chủ đạo để khắc họa sự thay đổi về tâm lý, cảm xúc của Di, cũng như cách mà tục lệ ấy tác động đến thế giới nội tâm của nhân vật trong hai giai đoạn khác nhau của Di: tục kéo vợ trong trò chơi của Di thuở nhỏ và tục kéo vợ trong thực hành văn hóa khi Di đã lớn hơn.

Vẫn là tục kéo vợ, nhưng trong trò chơi thơ bé, Di tự nguyện “nhập vai” và “diễn lại” một cách tinh nghịch, hồn nhiên. Trong đôi mắt và sự cảm nhận của cô bé 12 tuổi khi xưa, kéo vợ đơn thuần chỉ là một trò vui cùng các bạn. Trò chơi kết thúc, Di ngay lập tức “thoát vai” để trở về là một cô bé Di hồn nhiên, tinh nghịch với tiếng cười giòn tan và đôi má ửng hồng.

Trong đời sống thực, Di không thể tùy ý thoát vai nữa mà phải thực hiện theo những quy định của tục lệ. Trong suốt quá trình các nghi thức diễn ra, khán giả không thể nghe lại thanh âm tiếng cười khi xưa. Di phải đối diện với việc mình phải tự quyết định tương lai và cuộc đời của mình: chấp nhận làm vợ Vàng hay tiếp tục đi học. Di phải nghĩ suy và nói những điều quá đỗi nghiêm trọng và lớn lao theo chỉ dẫn của người lớn. Di phải tham gia vào cuộc bắt vợ của Vàng và tự mình quẫy đạp để thoát khỏi nó mà không có sự trợ giúp nào từ phía người thân. Trò vui khi xưa Di diễn cùng bạn, nay chỉ mình Di phải thực hiện. Tiếng cười đã thay bằng tiếng khóc. Niềm vui đã thay bằng nỗi sợ hãi tột cùng. Tuổi thơ đã phải nhường bước cho sự trưởng thành, từ đây!

Cuộc sống của cộng đồng người dân tộc thiểu số nói chung, của những đứa trẻ trong cộng đồng ấy nói riêng, khi được nhìn từ bên ngoài, luôn bị sương mù bao phủ. Với Những đứa trẻ trong sương, Hà Lệ Diễm đã vén bức màn ấy lên và mang đến cho khán giả một cái nhìn ít nhiều sáng rõ hơn. Khi kể câu chuyện của Di, Hà Lệ Diễm cũng đồng thời phản ánh một cách chân thực, sinh động và khá trọn vẹn văn hóa và lối sống mà Di thuộc về. Những cảnh quay về tiệc mừng cưới, việc nhuộm chàm của mẹ Di, cảnh dân làng đi gặt lúa, một em bé sơ sinh theo mẹ ra đồng được đặt nằm dưới tấm bạt… đều góp phần tạo nên bức tranh toàn cảnh về không gian mà ở đó Di từng ngày lớn lên.

Đặc biệt, phong tục bắt vợ đã được tiếp cận trên nhiều phương diện: từ thực hành văn hóa bằng hành động cho đến tâm thế của những chủ thể tham gia; trong đó, việc chú trọng khai thác khía cạnh cảm xúc của nhân vật trở thành ý hướng chủ đạo hơn cả.

Chọn kể về số phận cá nhân, số phận của một tuổi thơ, Những đứa trẻ trong sương đã mang đến một câu chuyện chân thực, dung dị, giàu kịch tính và thấm đẫm cảm xúc. Phim có nhiều cảnh quay đẹp, thực, giàu tính biểu tượng, ẩn chứa nhiều thông điệp và ý nghĩa sâu xa. Bộ phim vì thế không chỉ thuyết phục giới phê bình mà còn thực sự chạm đến trái tim khán giả khi phim được công chiếu.

Ai đã từng đi qua tuổi thơ cũng sẽ thấy tim mình rung lên những nhịp đồng điệu với câu chuyện mà Hà Lệ Diễm đã kể trong phim. Vì thực ra, có ai mà không hoài nhớ, tiếc nuối về một tuổi thơ đã nhanh chóng trôi tuột qua lòng bàn tay mà không thể nào níu giữ.

BÍCH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/300572/nhung-dua-tre-trong-suong-khi-tuoi-tho-troi-tuot-qua-long-ban-tay.html