Những điều hối tiếc nhất của các Tổng thống Mỹ

Làm Tổng thống của một trong những quốc gia hùng mạnh và có ảnh hưởng nhất thế giới không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Phải đưa ra những quyết định khó khăn, các Tổng thống Mỹ cũng không tránh khỏi sai lầm khiến họ cảm thấy hối tiếc.

Một số Tổng thống Mỹ bày tỏ sự hối tiếc ngay khi còn đương chức, nhưng cũng có người thú nhận điều đó sau khi rời nhiệm. Vậy họ đã hối hận điều gì?

Vào năm 2008, khi được hỏi về những điều hối tiếc trong nhiệm kỳ, cựu Tổng thống George W. Bush đã đề cập đến Chiến tranh Iraq. Ông nói: “Điều hối tiếc lớn nhất đối với tôi là sự thất bại về mặt tình báo ở Iraq”.

“Không chỉ những người trong chính quyền của tôi, rất nhiều thành viên trong Quốc hội hay các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, đều xem xét cùng một thông tin tình báo. Tôi ước gì thông tin tình báo đã khác đi”, ông phân trần.

Ông George W. Bush cũng bày tỏ sự hối tiếc về phản ứng đối với bão Katrina năm 2005. “Katrina đã bộc lộ những vấn đề nghiêm trọng trong khả năng ứng phó ở tất cả các cấp chính quyền. Khi chính phủ liên bang không hoàn thành đúng công việc của mình, tôi chịu trách nhiệm”, ông Bush nói

Trong khi đó, điều Tổng thống Bill Clinton tiếc nuối nhất là không đảm bảo được hòa bình ở Trung Đông. “Điều hối tiếc số 1 của tôi là đã không thể thuyết phục Yasser Arafat chấp nhận kế hoạch hòa bình mà tôi đưa ra vào cuối nhiệm kỳ Tổng thống của mình”, ông nói.

Một điều khác mà ông Bill Clinton hối tiếc là đã không làm nhiều hơn để ngăn chặn nạn diệt chủng ở Rwanda.

Tất nhiên, vị cựu lãnh đạo cũng hối hận về bê bối với thực tập sinh Monica Lewinsky. Cựu Tổng thống nói: “Tôi biết sự im lặng của tôi về vấn đề này đã gây ấn tượng sai lầm. Tôi đã lừa dối mọi người, kể cả vợ tôi. Tôi vô cùng hối hận về điều đó”.

Với Tổng thống Barack Obama, điều hối tiếc nhất với ông khi còn đương chức là việc can thiệp vào Libya. Năm 2011, chính quyền Obama đã giúp lật đổ Tổng thống Muammar Gaddafi nhưng không đảm bảo được kế hoạch cho tương lai nước này

George Washington là Tổng thống đầu tiên của Mỹ. Ông sở hữu nô lệ ngay từ khi còn nhỏ nhưng khi lớn lên, ông lại hối hận về điều đó.

Khi lên cầm quyền, ông muốn cơ quan lập pháp thông qua việc bãi bỏ dần chế độ nô lệ. Di chúc của ông nhắc đến việc đảm bảo để những người nô lệ mà ông sở hữu được trả tự do.

Ông John Quincy Adams giữ chức Tổng thống Mỹ từ năm 1825 đến 1829. Ngay khi nhậm chức, ông đã ký Hiệp ước Indian Springs, về cơ bản đã buộc Quốc gia Creek phải từ bỏ đất đai của họ và chuyển về phía tây.

Hối hận vì đã ký hiệp ước, ông Adams cố gắng hủy bỏ nó nhưng vô ích. Cuối cùng, Creek Nation đã từ bỏ toàn bộ đất đai của họ.

“Chúng tôi đã nói về lòng nhân từ, nhân đạo và thuyết phục họ về nền văn minh. Nhưng không có lòng nhân từ nào khi quyền của người da đỏ xung đột với lợi ích của người da trắng”, Tổng thống Adams viết trong nhật ký cá nhân của mình.

Tổng thống Jimmy Carter lại thừa nhận hơi tiếc về cách xử lý cuộc khủng hoảng con tin Iran. Năm 1979, 52 nhà ngoại giao và công dân Mỹ bị bắt làm con tin ở nước này trong 444 ngày.

“Tôi ước mình có thêm một chiếc trực thăng để giải cứu con tin. Nhưng cuối cùng chúng tôi đã làm được và tôi đã tái đắc cử”, ông Carter nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2015.

Cũng liên quan đến Iran, Tổng thống Ronald Reagan hối hận về việc bán vũ khí cho Iran khi nước này bị cấm vận.

Vụ mua bán được cho là một phần của chiến dịch giải thoát con tin ở Lebanon. Sau đó, hóa ra số tiền thu được từ việc bán vũ khí là để tài trợ cho một nhóm nổi dậy ở Nicaragua.

Tổng thống George H.W. Bush cũng hối hận vì đã nói dối người Mỹ. Khi vận động tranh cử năm 1988, ông đã hứa: “Hãy nghe tôi: không có thuế mới”.

Tuy nhiên, khi lên nắm quyền, ông đã không thực hiện được lời hứa đó. Đến năm 1992, ông đã xin lỗi và nói rằng rất hối hận về điều đó

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-dieu-hoi-tiec-nhat-cua-cac-tong-thong-my-post568214.antd