Những điểm sáng trong giải quyết xung đột biên giới

Biên giới quốc gia là giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, lòng đất, vùng trời của một quốc gia. Tranh chấp biên giới giữa các nước là vấn đề đe dọa đến khủng hoảng chính trị tại nhiều quốc gia. Những năm qua, thế giới đã chứng kiến những bước đi tích cực nhằm giải quyết xung đột biên giới giữa một số quốc gia.

Binh lính Eritrea rút quân khỏi khu vực biên giới với Ethiopia, chấm dứt xung đột giữa hai nước. Ảnh: Al Jazeera

Eritrea và Ethiopia

Năm 1993, Eritrea tách khỏi Ethiopia để trở thành một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, hai nước đã không đồng thuận trong việc đàm phán phân định biên giới. Điều này dẫn đến các cuộc xung đột tranh chấp khu vực biên giới giữa hai nước đầu năm 1998. Các vụ tranh chấp có quy mô tương đối nhỏ nhưng đã bị các thế lực của hai nước chính trị hóa và trở nên nghiêm trọng. Các cuộc xung đột đã khiến 80.000 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người tị nạn.

Đến năm 2000, sau khi các nước và tổ chức quốc tế đứng ra làm trung gian hòa giải, Eritrea và Ethiopia đã ký Hiệp định ngừng bắn và Hiệp định hòa bình. Cũng trong năm 2000, Ủy ban biên giới Eritrea và Ethiopia (EEBC) đã được thành lập nhằm chấm dứt tình trạng xung đột giữa hai nước. EEBC có nhiệm vụ điều hành khu vực tranh chấp (khu vực an ninh tạm thời) giữa Ethiopia và Eritrea. Bên cạnh đó, Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã được triển khai tại khu đệm ở dọc biên giới hai nước, vào sâu lãnh thổ Eritrea 25km để giám sát việc thực hiện Hiệp định hòa bình. Mặc dù đã đồng ý đối với các phán quyết trong hai hiệp định nêu trên, nhưng Ethiopia tiếp tục chiếm đóng trong các khu vực lãnh thổ tranh chấp. Mối đe dọa chiến tranh vẫn còn tiềm ẩn khi Eritrea cũng không chấp nhận phán quyết của hai hiệp định. Đỉnh điểm của xung đột giữa hai bên xảy ra vào khoảng đầu năm 2018 khi binh sĩ hai nước giao tranh ác liệt tại khu vực biên giới gây nhiều thương vong.

Cánh cửa hòa bình giữa hai nước đã mở ra khi ông Abiy Ahmed lên nắm quyền Thủ tướng Ethiopia vào giữa năm 2018. Thủ tướng Abiy Ahmed đã có những động thái tiến tới cải thiện quan hệ với Eritrea. Thủ tướng Abiy Ahmed đã cam kết tôn trọng tất cả những điều khoản của Hiệp định hòa bình năm 2000, trong đó sẽ bao gồm cả việc nhượng lại Badme cho Eritrea. Chính phủ Ethiopia cũng đã rút quân khỏi các khu vực tranh chấp. Chỉ 3 tháng sau khi nhậm chức, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã ký một hiệp định hòa bình mới với Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki. Hai nước chính thức kết thúc các cuộc xung đột tranh chấp lãnh thổ.

Cựu Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev (phải) và Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev (trái) ký thỏa thuận sơ bộ phân định phần lớn các vùng lãnh thổ tranh chấp năm 2017. Ảnh: Anadolu Agency

Uzbekistan và Kyrgyzstan

Cùng được thành lập vào những năm 1920 trong Liên bang Xô Viết, Uzbekistan và Kyrgyzstan trở thành các quốc gia độc lập vào năm 1991. Trong thời kỳ Xô Viết, ranh giới lãnh thổ của hai nước không được phân định theo quy định quốc tế. Do đó, khi trở thành hai quốc gia độc lập, giữa Uzbekistan và Kyrgyzstan đã xảy ra nhiều tranh chấp về phân định biên giới. Đặc biệt, việc phân định biên giới càng khó khăn khi các làng, nhóm dân tộc, trang trại, đường giao thông đan xen khắp các khu vực biên giới hai nước.

Năm 2017, hai nước đã đạt được thỏa thuận sơ bộ để phân định phần lớn các vùng lãnh thổ tranh chấp dọc theo biên giới dài 1.400km. Vào thời điểm đó, 324km đường biên giới vẫn còn trong vòng tranh chấp; điều này dẫn đến nhiều vụ xung đột giữa các cộng đồng dân cư hai nước sống trong vùng tranh chấp biên giới. Đến tháng 5-2021, Kyrgyzstan và Uzbekistan đã ký hiệp ước chấm dứt các vụ tranh chấp lãnh thổ xảy ra giữa các dân cư khu vực biên giới. Theo hiệp ước, hai quốc gia cam kết mở nhiều trạm kiểm soát tiếp nhận ô tô và xe buýt nhỏ để tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho các dân cư hai bên biên giới; đồng thời, hai nước cũng đạt được đồng thuận trong giải quyết các khu vực tranh chấp.

Cựu Tổng thống Peru Alberto Fujimori (trái) và cựu Tổng thống Ecuador Jamil Mahuad gặp mặt cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton (giữa) vào năm 1998, tại Thủ đô Washington, Mỹ để đàm phán về vấn đề tranh chấp biên giới. Ảnh: AFP

Ecuador và Peru

Ngay từ khi thành lập vào những năm 1800, quốc gia Ecuador và Peru đã tranh chấp về việc phân định biên giới chung giữa hai nước. Điểm tranh chấp chính là quyền kiểm soát hơn khu vực rừng rậm Amazon giữa sông Maranon và sông Putumayo. Năm 1936, hai quốc gia đã đồng ý đàm phán về một nghị định thư giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ; nhưng đến năm 1938, các cuộc đàm phán đều đổ vỡ. Vào năm 1940, quân đội Peru đã ồ ạt tập hợp binh lính dọc biên giới phía Nam với Ecuador. Các nước Argentina, Brazil và Mỹ đã đề nghị hòa giải chung cho hai nước, nhưng các cuộc giao tranh ở biên giới giữa hai nước tiếp tục bùng phát vào năm 1941 và nhanh chóng leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang gây nhiều thương vong cùng 20.000 người buộc phải đi tị nạn. Sau nhiều nỗ lực hòa giải của các nước Mỹ, Argentina, Brazil và Chile, Ecuador và Peru đã đồng ý ký Nghị định thư Rio rút binh lính ở khu vực biên giới hai nước vào tháng 1-1942.

Năm 1951, việc khám phá ra sông Cenepa ở khu vực rừng Amazon đã làm nảy sinh các tranh cãi mới xung quanh việc phân định biên giới giữa hai nước. Năm 1960, Chính phủ Ecuador tuyên bố Nghị định thư Rio đã vô hiệu lực và coi các cuộc đàm phán về lãnh thổ biên giới giữa Ecuador và Peru là không hợp lệ. Kể từ đó, giữa hai nước liên tục xảy ra các cuộc đụng độ gây thương vong tại khu vực biên giới. Năm 1998, Mỹ, Brazil, Argentina và Chile tiếp tục làm trung gian hòa giải và khởi xướng cách tiếp cận mới giải quyết xung đột biên giới giữa Ecuador và Peru. Sau nhiều nỗ lực hòa giải của các nước, Peru và Ecuador đã ký thỏa thuận chấm dứt các tranh chấp lãnh thổ.

Thu Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-diem-sang-trong-giai-quyet-xung-dot-bien-gioi-post448558.html