Những công nghệ mang tính cách mạng với bóng đá

Những công nghệ mang tính cách mạng này có vai trò rất lớn trong việc tăng tính chuyên nghiệp cho môn thể thao vua.

Cúp vô địch World Cup 2022. Ảnh: Rhett Lewis.

Tại giải đấu thể thao lớn như World Cup, bên cạnh chất lượng chuyên môn từ các đội tuyển, sự kiện này còn là dịp để những công nghệ mới nhất được áp dụng.

Công nghệ đã có tác động rất lớn tới bóng đá. Vậy những công nghệ mang tính cách mạng này là gì và chúng hoạt động như thế nào.

VAR

VAR (Video Assistant Referee) là công nghệ sử dụng video để hỗ trợ trọng tài. Công nghệ được sử dụng phổ biến ở các giải đấu bóng đá lớn và hỗ trợ cho trọng tài theo dõi trận đấu để đưa những quyết định chính xác nhất, hạn chế những trường hợp tranh cãi.

Được chấp thuận bởi Hội đồng Liên đoàn bóng đá quốc tế (IFAB) vào năm 2016, công nghệ VAR đã xuất lần đầu tiên tại một giải bóng đá nhà nghề ở Mỹ vào tháng 8 cùng năm. Tuy nhiên, phải đến World Cup 2018, VAR mới được biết đến rộng rãi trên toàn cầu.

Công nghệ này đã được FIFA (Liên đoàn Bóng đá thế giới) chấp thuận và sử dụng xuyên suốt giải đấu. Mặc dù VAR đã cho thấy sức ảnh hưởng của mình khi đóng góp trong nhiều tình huống quan trọng của giải, vẫn có một số tranh cãi xảy ra.

Công nghệ VAR đã trở thành một phần không thể thiếu đối với bóng đá. Ảnh: FIFA.

Số lượng máy quay của VAR phụ thuộc cơ sở hạ tầng của từng giải đấu khác nhau. Điều kiện tối thiểu là phải có 33 camera hoạt động trong một trận cầu, trong đó có 4 camera Ultra Slow Motion tốc độ khung hình 120 FPS và 8 camera Super Slow Motion.

Những video quay chậm từ công nghệ VAR giúp trọng tài có thể phân tích chi tiết mọi tình huống và đưa ra quyết định công tâm nhất.

Goal-line

Những tình huống bàn thắng gây tranh cãi luôn dẫn đến xung đột hay thậm chí xô xát không đáng có giữa cầu thủ hai bên. Bàn thắng sau đó cũng khiến người theo dõi không hài lòng khi xem lại camera quay chậm.

Từ đó, công nghệ Goal-line ra đời, nhằm mục đích đưa ra một câu trả lời công minh nhất.

Vào tháng 7/2012, IFAB đã chính thức cho phép sử dụng công nghệ goal-line trong Luật bóng đá. Tuy nhiên, do chi phí đắt đỏ, goal-line chỉ được sử dụng trong các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu và các giải đấu quốc tế lớn như World Cup từ năm 2014.

Công nghệ Goal-line bao gồm nhiều thể loại thiết bị có mục đích nhận diện và phân tích dữ liệu đường đi, vị trí của bóng so với vạch khung thành được tính để làm bàn thắng.

Công nghệ Goal-line đã giúp giải quyết rất nhiều bàn thắng gây tranh cãi tại World Cup 2018. Ảnh: FIFA.

Hiện có 2 loại công nghệ Goal-line được công nhận và áp dụng bởi FIFA và các tổ chức danh giá khác trên thế giới, chia thành camera nhận biết và cảm biến từ trường.

Camera nhận biết là hệ thống sử dụng 14 camera tân tiến lắp xung quanh sân vận động hướng đều về 2 mặt gôn của 2 đội với 7 chiếc/bên. Tất cả camera đó sẽ làm nhiệm vụ tập trung ghi lại hình ảnh của trái bóng với tốc độ cao cũng như độ chính xác tuyệt đối.

Nếu bóng qua vạch, một tín hiệu thông báo sẽ được gửi tới qua đồng hồ thông minh hoặc tai nghe của trọng tài để chính thức công nhận.

Nguyên lý hoạt động của công nghệ Cảm biến từ trường. Ảnh: Ranjithsiji.

Trong khi đó, công nghệ Cảm biến từ trường áp dụng bằng cách đặt một cảm biến điện tử vào trung tâm quả bóng. Việc còn lại là xây dựng một vùng từ trường bằng cách chôn những đường dây điện quanh khu vực penalty và sau vạch vôi để tạo thành một mạng lưới.

Dù vậy, cách thức này chưa được đánh giá cao về mặt chuyên môn và chính xác như camera nhận biết.

Hawk Eye

Công nghệ Mắt diều hâu (Hawk Eye) là một loạt camera theo dõi quang học giúp hỗ trợ theo dõi bóng một cách chính xác và thông báo cho trọng tài biết bóng đã đi hết vạch cầu môn hay chưa.

Được phát triển vào năm 2001 bởi các kỹ sư của Roke Manor Research Limited tại Romsey, Anh, Hawk Eye theo dõi quỹ đạo của bóng một cách trực quan và hiển thị bản ghi lại một vài thông số như quỹ đạo của bóng dưới dạng hình ảnh.

Không chỉ được áp dụng trong bóng đá, Hawk Eye còn được sử dụng trong cricket, quần vợt, cầu lông. Ảnh: Joshua Hodson.

Khi hệ thống này được áp dụng vào bóng đá, nó được gọi dưới cái tên: GDS (Goal Decision System, hệ thống xác định bàn thắng).

Công nghệ của Hawk-Eye sử dụng 7 máy quay cho mỗi khung thành, để theo dõi quỹ đạo bay của bóng. Một khi xác định bóng đã đi qua vạch ngang khung thành, hệ thống sẽ thông báo cho các trọng tài thông qua một thiết bị rung bên cạnh sự hỗ trợ của các trợ lý trọng tài.

Hệ thống này đã sử dụng trong các môn quần vợt và cricket và được FIFA áp dụng trong trận chung kết World Cup 2014 và tại World Cup nữ 2015.

Theo lý thuyết, Hawk-eye sẽ chuẩn đến từng centimet mà mắt người hoặc hình ảnh hiển thị trên truyền hình không thể chỉ rõ.

Bóng thông minh

Thủa sơ khai, quả bóng đá được làm từ bong bóng lợn và chứa đầy không khí. Điều này khiến cho quỹ đạo của quả bóng phụ thuộc vào hình dáng của bong bóng lợn và thay đổi liên tục.

Quả bóng đá hiện đại đầu tiên được phát minh vào năm 1855 khi Charles Goodyear tạo ra bóng cao su. Phát minh của Goodyear đã giúp hình thành nên nền tảng của bóng đá hiện đại ngày nay.

Sự thay đổi của quả bóng tại World Cup. Ảnh: The Football Arena.

Tại World Cup 2022, quả bóng mang tên Al Rihla được thiết kế bởi Adidas được trang bị công nghệ cao khiến chúng không chỉ cần được bơm căng mà còn cần sạc điện sau mỗi trận đấu.

Trái bóng được tích hợp một cảm biến bên trong để đo các dữ liệu như tốc độ, hướng di chuyển. Dữ liệu thu thập được sẽ được truyền đến phòng VAR 500 lần/giây.

Việt Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhin-lai-nhung-cong-nghe-mang-tinh-cach-mang-voi-bong-da-post1384594.html