'Những cánh buồm nâu'

Năm lên ba tuổi, tôi - một thằng bé nhà quê Quảng Bình - lần đầu tiên được theo bà ra Hà Nội bằng ô tô. Đó là một chiếc xe tải nồng khẳm mùi nước mắm khiến đứa trẻ là tôi nôn mật xanh, mật vàng...

Hà Nội là một chân trời khác hẳn. Thay vì những mái nhà tranh vách đất trong quê là ngôi nhà tầng của khu 1 Lê Phụng Hiểu bề thế, sang trọng, vốn là nhà Đoan của Pháp. Nhà tôi ở tầng một, còn muốn đi lên tầng trên thì phải bước lên một cầu thang gỗ, người lớn đi mạnh chân thì có tiếng kêu cọt kẹt, chứ trẻ con thì tha hồ chạy nhảy. Cầu thang chắc và bền.

Ra Hà Nội buổi ban đầu, bà tôi không cho tôi đi chơi đâu cả. Phần vì sợ lũ trẻ bắt nạt, phần thì lo bị mẹ mìn dụ dỗ. Bà tôi thật thà lắm, cứ tưởng Hà Nội nhiều mẹ mìn như lời đồn đại. Nhưng trẻ con vốn hiếu động, ở trong nhà mãi tù chân. Thế là một chiều, tôi tò mò leo lên cầu thang gỗ, thử xem bên trên có gì. Ồ, qua một ô cửa sổ, tôi nhìn thấy bên ngoài là một con đê chạy dài, triền đê cỏ xanh biếc, những cánh diều vi vu trên bầu trời, những đứa trẻ lên bờ đê thả diều thổi sáo. Thích quá! Và xa xa là dòng sông nước ngầu đỏ, có những cánh buồm trôi...

Đang say sưa nhìn ngắm, tôi giật mình nghe tiếng một người đàn ông ngay phía sau. Quay lại, tôi thấy một ông mắt đeo kính đang nở một nụ cười:

- Cháu bác Phiên phải không?

Tôi gật đầu, lí nhí:

-Vâng ạ.

-Ồ, mới theo bà ở Đồng Hới ra. Bác biết mà...

Ông bỗng cúi xuống bế tôi lên cao:

-Bác bế cháu lên để cháu nhìn ra dòng sông cho dễ nhé.

Rồi tay ông chỉ ra dòng sông bên ngoài:

- Đây là sông Hồng cháu ạ. Những cánh buồm kia là của những con thuyền. Gió thổi vào cánh buồm và đầy thuyền đi. Cháu có thấy nhiều cánh buồm trên sông không?

Tôi tò mò hỏi ông:

-Sông này sẽ chảy tới đâu hả bác?

Ông ân cần:

-Chảy ra biển cháu ạ. Rồi sau này lớn lên cháu sẽ biết. Mà có khi cháu lại có lúc theo những cánh buồm kia ngược xuôi khắp miền đất nước chưa biết chừng...

Rồi ông ngoái lại, gọi vào trong nhà:

-Nga ơi, đem cho cháu bé đây mấy cái kẹo nhé!

- Vâng1 Tôi nghe tiếng một người phụ nữ đáp lại.

Rồi vẫn tiếng của bà tiếp theo:

-Vân Anh, mẹ đang giở tay nấu cơm, con đem hộp kẹo này ra cho bố mời bạn.

Ít phút sau, một con bé trạc tuổi tôi, xinh lắm, bê một đĩa kẹo ra. Nó nhìn tôi ngỡ ngàng, rồi đưa đĩa kẹo cho bố:

-Kẹo đây bố ạ.

Người đàn ông cười cười nói với con:

-Con mời bạn đi.

Thế là nó cầm một chiếc kẹo, dúi vào tay tôi: Ăn đi. Nhưng khổ nỗi tôi là thằng bé nhà quê, nhận từ tay nó chiếc kẹo, không những đã không biết cảm ơn, mà cũng không biết xử lý cái kẹo thế nào (vì quê tôi chỉ có kẹo cu đơ, chẳng bao bì gói ghém gì cả, mỗi bận bà đi chợ về đưa cho là tống ngay vào miệng).

Thấy tôi lúng túng, người bố mỉm cười, lấy chiếc kẹo bóc lớp giấy kính ra, rồi cho vào miệng tôi. “Cháu ăn đi”. Một vị ngọt tôi chưa thấy bao giờ tan vào trong miệng. Lại có vị chua chua, thanh thanh. Con bé Vân Anh nhìn cảnh tượng ấy, tròn xoe mắt ngạc nhiên và bụm miệng như cố che đi một nụ cười... Chơi một lát, người bố lại dẫn tôi theo cầu thang gỗ xuống nhà, ân cần lắm, vì bác sợ tôi bị trượt chân ngã. Tôi đem mấy chiếc kẹo khoe với bà tôi. Rồi lấy một chiếc kẹo, bóc lớp giấy bóng, tôi đưa vào miệng bà:

-Bà ăn đi, ngọt lắm.

-Kẹo ở mô đó?

Tôi chỉ lên gác:

-Bác đó cho con. Bà tôi vui vẻ:

-Bác ấy tốt quá. Nhưng con ăn đi, kẹo chỉ để dành cho các con thôi (ý bà tôi nói là người lớn thì không có tiêu chuẩn được ăn kẹo). ...

Đêm ấy tôi ngủ với bà, vẫn nghe dìu dịu hương thơm của hai chiếc kẹo để bên gối. Hai chiếc ấy tôi không dám ăn, cứ để dành, vì nó thơm và ngọt lắm. Khi ngủ tôi cũng để bên gối, để nghe hương thơm dìu dịu của nó vuốt ve tuổi ấu thơ của mình.

*

Một thời gian sau, mẹ tôi đi biểu diễn ở Henxki (Phần Lan) về. Mẹ đến thăm ông bà. Mẹ cho tôi một gói kẹo, bên trong có những chiếc kẹo xanh xanh, đỏ đỏ bọc giấy kính.

-Mẹ mua cho Hoài đấy. Con để dành mà ăn...

Tôi cầm một chiếc kẹo của mẹ cho, ngắm nghía:

-Kẹo này con được ăn rồi, ngọt và thơm lắm mẹ ạ.

-Thế à? Mẹ tôi ngạc nhiên. Vì mẹ tưởng chỉ ở nước ngoài mới có. Tôi kể lại chuyện được bác trên nhà cho kẹo thế nào, con bé con bác nó buồn cười khi thấy tôi không biết bóc kẹo ra sao. Mẹ tôi mỉm cười, rồi lấy mấy chiếc từ trong gói kẹo ra:

-Con nhớ ngày mai mang cho bạn nhé. Con cứ bảo của mẹ đi nước ngoài về tặng...

Thế nhưng ngày hôm sau và những ngày hôm sau nữa, tôi chẳng thấy bóng dáng Vân Anh đâu cả. Lại mấy hôm tiếp cũng thế. Tôi đánh liều lên cầu thang tìm nó để thực hiện lời mẹ dặn nhưng cửa đóng kín mít, không ai ở nhà. Và rồi cũng đến lúc mấy chiếc kẹo không hiểu sao cứ tan chảy nhưng tôi vẫn quyết không ăn, nhất mực để dành cho Vân Anh...

Đến hôm nay, 60 năm rồi. Những chiếc kẹo của mẹ tôi gửi tặng Vân Anh ngày ấy dẫu đã chảy thành nước nhưng vẫn không hòa tan trong ký ức của tôi. Một thời gian sau, bà tôi nói gia đình bác ấy đã chuyển về phố Phan Huy Chú khi bác được lên làm Bộ trưởng. Ít lâu sau, mợ Loan tôi cũng đưa tôi và cả nhà về Bắc Giang sơ tán. Từ đấy, tôi không còn ở khu nhà 1 Lê Phụng Hiểu nữa...

Nhưng có một lần từ mặt trận trở về, tôi trở lại khu nhà này và nhìn ra sông Hồng - nơi có những cánh buồm nâu. Bỗng tôi lại nhớ bác Thi và Vân Anh, con bé cho tôi những chiếc kẹo năm xưa, không biết bây giờ ở đâu. Tôi cũng chẳng dám hỏi ai vì nói thật, Vân Anh là con gái của Bộ trưởng nên cứ thấy ngài ngại.

Cho đến mãi hôm nay... “Nhớ vô cùng ngày tôi xa Hà Nội/Những phố phường tuổi thơ tôi bồi hồi/Những chiều chiều đội mưa/Lũ bạn bè ngày xưa/Trốn học đi tìm thơ/Bài hát mùa đông, làn gió mùa đông/Phía sông Hồng/Những cánh buồm, những cánh buồm nâu/Những con thuyền dắt nhau về đâu...”.

Bài hát của Nguyễn Cường làm tôi bỗng nhớ về em.“Những cánh buồm, những cánh buồm nâu/Những con thuyền dắt nhau về đâu...”. Sông Hồng không biết còn những cánh buồm nâu hay không nhưng tuổi thơ tôi vẫn ở đây, những chiếc kẹo năm xưa mẹ tôi tặng em vẫn còn đây, khu nhà 1 Lê Phụng Hiểu vẫn còn đây - dù chúng ta như những cánh buồm nâu đã trôi dạt bốn phương trời...

Châu La Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa/nhung-canh-buom-nau/181103.htm