Như dòng sông đầy ắp phù sa bồi đắp cho đời

Cuộc đời nhà báo Đỗ Quảng như một dòng sông lớn, khi nước chảy xiết, khi lại lặng lẽ thâm sâu và luôn là một dòng sông đầy ắp phù sa, cuộn chảy không mệt mỏi. Dù đến nay tuổi đã ngoài 80, tâm hồn anh vẫn rất trẻ trung, cây bút còn sung sức, đáng để nhiều thế hệ nhà báo suy ngẫm và học tập.

Nhà báo - nhà văn Hoàng Dự, Tổng Biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật, nơi những năm qua nhà báo Đỗ Quảng là cố vấn cao cấp, cố vấn đặc biệt, với lòng cảm mến và hàm ơn nhà báo Đỗ Quảng, đang làm một cuốn sách về “ Đời và Đạo “ của nhà báo Đỗ Quảng, bao gồm bài viết của nhiều thế hệ nhà báo, trong đó có nhiều cây bút lừng danh viết về người đồng nghiệp, người thầy, người anh Đỗ Quảng. Tập sách đang được in trong sự trông chờ của nhiều thế hệ độc giả. Bài viết này của tôi có lẽ vẫn không dư, dù viết khi tập sách ấy đã sắp hoàn thành.

Nhà báo Nguyễn Sỹ Đại viết: “Báo Nhân Dân có chủ trương và luôn có khát vọng tập trung cho mình một đội ngũ làm báo “vừa hồng vừa chuyên”; một mặt kiên trung, mặt khác phải có trình độ cao, xứng tầm với yêu cầu mà Đảng đặt ra và Nhân dân hoài vọng. Sau năm 1954, ngoài việc tuyển dụng một số trí thức Việt kiều như Hoàng Tuấn Nhã, từ miền Nam có Hồ Dưỡng, rồi Hà Đăng, Đặng Minh Phương... Lại có lớp học sinh Hà Nội như Đỗ Quảng, Trần Truyền, Phạm Duy Phùng, Ngô Lê Dân..., bắt đầu nghề báo bằng việc bán báo, sau trở nên những cây bút nổi tiếng.”

Nhà báo Đỗ Quảng

Anh Đỗ Quảng được tuyển chọn về báo Nhân Dân, và trở thành một nhà báo “vừa hồng, vừa chuyên” của báo Đảng là như vậy. Anh là lớp thanh niên trẻ Hà Nội, đương nhiên là lý lịch và tư cách đạo đức, cũng như học vấn phải rất đảm bảo mới có thể là lớp nhà báo đầu tiên được báo Nhân Dân tuyển về ngày ấy, khi báo mới chuyển từ Việt Bắc về Hà Nội mới giải phóng. Sau này các anh thường nói vui: “Thế hệ chúng tớ thành nhà báo bắt đầu từ là những đứa bé bán báo trên đườ̀ng phố Hà Nội, chạy chân đất vì cũng chẳng có dép mà đi, và rao cho khản cổ khắp 36 phố phường để bán báo”...

Thật ra thì các ông Hoàng Tùng, Quang Đạm...là những người có tầm nhìn xa trông rộng khi xây dựng đội ngũ tương lai cho báo Nhân Dân. Công việc giao cho các em đi bán báo là để phải học và hành như thế mới có thể sau này trở thành những nhà báo giỏi. Báo chí đâu phải chỉ là những chữ nghĩa, mà còn là tâm tư nguyện vọng, bức xúc của người mua báo. Hãy lắng nghe đi khi người dân bỏ tiền mua tờ báo, các em sẽ hiểu rồi sau này mình phải viết báo thế nào để đáp ưng mong muốn của người dân.Ý Đảng nhưng cũng phải từ lòng dân. Đã đành là tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, nhưng cũng phải lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của Nhân dân để rồi mà phản ảnh. Và đây là bài học làm báo đầu tiên của lớp nhà báo trẻ Đỗ Quảng!

Tôi biết anh Đỗ Quảng từ những năm tháng tuổi thơ, khi tôi hay đến 71- Hàng Trống chơi thăm bố tôi công tác ở báo. Rồi những ngày chiến tranh, những mùa hè tôi thường từ trường nơi sơ tán về Hà Nội, sáng vào thư viện bác Phan Đăng Tài đọc sách; buổi trưa hay ăn cơm ở bếp ăn tập thể, ngồi ăn cùng bàn và “hóng hớt” nghe các chú Chính Yên, Trần Đĩnh, Đỗ Quảng, Ngô Lê Dân...trò chuyện. Thi thoảng lại còn được nghe chuyện của các chú đang viết, như chú Trần Đĩnh say sưa kể về hồi ký “Bất khuất” mà chú đang say sưa viết cho ông Nguyễn Đức Thuận mới từ nhà tù chuồng cọp từ miền Nam ra; còn anh Đỗ Quảng thì kể những vụ án vô cùng hồi hộp gay cấn mà anh đang theo đuổi.

Phải nói lúc trẻ anh Đỗ Quảng đẹp trai, chẳng hiểu chiến tranh mà sao anh vẫn tậu được những chiếc áo sơ mi trắng lốp, ăn vận rất bảnh bao, nói chuyện thì hết sức lôi cuốn và rất có duyên. Lũ trẻ chúng tôi hôm nào được anh hứng lên kể chuyện, cứ há hốc mồm nghe. Sau này tôi mới hiểu kho tàng chuyện của anh phong phú thế, là bởi anh là phóng viên được tìn cậy giao viết mảng nội chính, nên những chuyện “tình, tiền, tù, tội”, “dao găm súng lục” anh nhiều vô kể, khi ấy mà “xé rào” viết văn thì nhuận bút không sao kể xiết. Nhưng với anh, do chức trách một phóng viên, cứ nắm bắt tình hình chung thôi, chứ họa hoằn lắm mới viết, ởi khi ấy đang chiến tranh, nhiêm vụ hàng đầu của báo chí là đưa tin hôm nay bắn rơi bao máy bay, bao cánh đồng đạt năm tấn, bao nhà máy vẫn sản xuất trong bom rơi, và đặc biệt tin tức từ tiền tuyến lớn miền Nam dội ra, chiến dịch nào chúng ta vừa thắng lợi, bao chiến sĩ đạt danh hiệu dũng sĩ anh hùng!?

Bìa tập sách “Nước mắt nụ cười” của nhà báo Đỗ Quảng

Rồi những ngày Hà Nội bị oanh tạc B52. Ông phóng viên nội chính đội mũ sắt ra trận, bám sát Hà Nội những ngày mưa bom bão đạn. Những phóng sự Đỗ Quảng viết ngày ấy trong chớp lóa của tên lửa và bom đạn, mỗi trang viết đều khét lẹt mùi khói súng, được Nhân dân cả nước mong chờ từng giờ, để xem Hà Nội ta vững vàng trong mưa bom bão đạn thế nào, có hay không trở về thời kỳ đồ đá, bộ đôi và dân quân ta chiến đấu ra sao, và rồi trong trái tim bạn đọc và của chính tôi (lúc này tôi đang chiến đấu ở mặt trận Lào) đều gần như đặt tất cả tình cảm vào những dòng chữ ấy, và nhiều năm tháng sau cũng không bao giờ phai mờ những dòng viết ấy của nhà báo Đỗ Quảng:

“Hà Nội ngàn năm văn vật của chúng ta, bọn giặc lái Mỹ coi là khu 6, là tọa bộ lửa, đã bắn tan xác hàng loạt máy bay kẻ cướp Mỹ, trong đó có hàng chục chiếc B52 và tiêm kích “cụp, xòe”. Nét nổi bật là B52 - con chủ bài lớn nhất của không lực Hoa Kỳ, con ngáo ộp uy danh hão lần nào bay vào vùng tọa độ lửa cũng bị trừng phạt, hầu hết là bị hạ tại chỗ. Đi ra phía cửa ô nào của Hà Nội cũng thấy xác B52 tung tóe trên các cánh đồng trồng lúa, trồng khoai. Vung vãi cả vào các trận địa tên lửa, các nơi đặt súng tầm thấp, tầm cao. Rơi cả xuống hồ đình Hữu Tiệp, ao bèo trước cửa chùa Bát Mẫu làng hoa Ngọc Hà.

Suốt đêm nhìn về phía làng hoa nổi tiếng ấy thấy rừng rực một cột lửa đốt xác B52 nằm chết gục trên đường Hoàng Hoa Thám. Một trong sáu giặc lái chiếc máy bay này là Giêm Uây-gấp đã rơi xuống ven Hồ Tây. May là hắn chưa xơi no nước hồ. Nhưng các bạn hắn, thiếu tá hoa tiêu B52 Giên Côn-đôn, trung tá Oan-tơ Côn-li điều khiển máy điện tử, trung úy Mai-cơn Rô-bớt Mác-ti-ni thì đã uống no nước Sông Hồng và nước ao bèo tấm làng Mai trước khi bị bắt. Chưa bao giờ Hà Nội lại đánh tuyệt vời đến thế”...

Những dòng viết như thế mãi mãi ngân rung trong lòng bạn đọc, không chỉ là những dòng viết mang tính thông tấn, nóng bỏng và dữ dội của những phóng viên quả cảm như những người lính trực tiếp chiến đấu mà còn là thơ là nhạc của Hà Nội những ngày đánh B52 ấy, nó ngân vang mãi trong lòng bạn đọc, bất chấp thời gian...

*

Khi báo Nhân Dân cần mở rộng thêm trang báo, tăng cường thêm lượng thông tin, cũng như đặt ra thêm nhiều vấn đề của cuộc sống muôn màu để tác động tích cực hơn, thì một ấn phẩm mới ra mắt bạn đọc là báo Nhân Dân cuối tuần. Một đội ngũ lính tinh nhuệ đảm trách nhiệm vụ này, trong đó có nhà báo Đỗ Quảng. Anh được điều về Nhân Dân cuối tuần từ những ngày đầu. Là một phóng viên cứng, tinh nhuệ, luôn quả cảm xông vào nhưng nơi đầu sóng ngọn gió, anh được giao viết mảng phóng sự, điều tra xã hội. Bước đầu chỉ yêu cầu có bài cho 5 số thôi, nhưng hăng quá anh đã viết liên tục đến 9 số, số nào cũng có phóng sự điều tra của Đỗ Quảng. Tác phẩm của anh đều là những chuyện nhức nhối của xã hội, mặt trái của cuộc sống: Buôn lậu, hàng giả, lợi dụng chức quyền ăn hối lộ, hà lạm của cải nhà nước, đục khoét của dân; một số người quyền thế nhiều tiền thoái hóa biến chất ăn chơi sa đọa, ức hiếp người dân, trù úm, triệt hạ những cán bộ, đảng viên dám tố cáo, đấu tranh với những tiêu cực của xã hội...

Nhà báo Đỗ Quảng nhớ lại, hầu hết những vấn đề nhức nhối của xã hội đều đăng tải trên báo qua các phóng sự, điều tra ở Nhân Dân cuối tuần, gây được tiếng vang lớn trong xã hội, thật sự thu hút bạn đọc, góp phần lấy lại niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước. Khi ấy báo Nhân Dân, trong đó có ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần như là một địa chỉ tin cậy, một nơi chia sẻ, bộc bạch hết những góc khuất của xã hội, vui buồn, cung cấp tài liệu, tố giác tội phạm của đông đảo bạn đọc, người dân...

Anh không kể hết, nhưng là người đọc báo Nhân dân hàng ngày, lắng theo từng bước đi của báo cũng như đôi ngũ phóng viên mà mình luôn yêu quý, trân trọng, tôi nhớ lại những ngày tháng ấy, hàng loạt phóng sự, điều tra trên Nhân Dân cuối tuần được chú ý, dư luận hoan nghênh. Trong đó có những bài của nhà báo Đỗ Quảng trực tiếp tác nghiệp. Đó là những phóng sự, điều tra: Sân bay Nội Bài vùng ẩm và điểm nóng; Vùng thánh địa buôn lậu; Diện mạo mẹ mìn mới; Bà chúa lừa đảo; Theo tàu lên xứ Lạng niềm vui và nỗi lo; Thư ký tòa thượng thẩm ra trước vành móng ngựa; Phó Chánh án quận “cò mồi” cho quan thượng thẩm ăn hối lộ; Phía sau những lời buộc tội; Lời cảnh báo từ một vụ cưỡng chế; Thủ phạm hay nạn nhân?; Có phải đây là nỗi oan cứu người chống tham nhũng... Số báo nào có phóng sự, điều tra đăng Nhân Dân cuối tuần, y rằng số báo đó tăng số lượng phát hành.

Cũng có thể kể thêm, nhiều phóng sự, điều tra đăng trên báo Nhân Dân cuối tuần là khởi nguồn phát hiện những vụ tiêu cực, cả những vụ án được phanh phui đưa ra ánh sáng. Kẻ phạm tội phải ra đứng trước vành móng ngựa. Người oan được minh oan, giải tỏa. Mấy chục năm rồi, chúng tôi vẫn không thể nào quên vụ ông Nguyễn Thanh Lân (là trung tá Hải quân quân đội Sài Gòn thời Mỹ - ngụy) bay từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội, đến tòa soạn ở 71 Hàng Trống xin gặp bằng được lãnh đạo của báo Nhân Dân để cảm ơn tờ báo của Đảng đã minh oan cho ông về tội đưa hối lộ quan tòa, mà thoát khỏi vòng lao lý. Hai vị quan tòa ăn hối lộ vu cáo cho ông đã phải ra hầu tòa.

Một vụ việc khác, ông Nguyễn Hữu Hoàng, cán bộ hưu trí, 48 năm tuổi Đảng, 34 tuổi quân, ở thôn Bái Ân, thị trấn Nghĩa Đô, Từ Liêm, Hà Nội cùng với các đồng chí của mình phanh phui một vụ tham ô, tham nhũng của nhóm lợi ích đang nắm chức quyền, ông bị trù dập. Họ cố kết với nhau, lợi dụng chức quyền khai trừ ông ra khỏi Đảng. Báo Nhân Dân vào cuộc, bằng những phóng sự điều tra đi tới tận cùng của sự thật, Thành ủy Hà Nội đã trả lại danh hiệu đảng viên cao quý cho ông và công lý đã được thực thi...

Tôi cũng có một kỷ niệm riêng rất sâu nặng với nhà báo Đỗ Quảng. Ngày ấy bạn tôi là một sĩ quân quân đội, một nghệ sĩ tên tuổi của Đoàn ca múa Tổng cục chính trị (Nhà hát ca múa nhạc quân đội hiện nay). Bố của anh là một chiến sĩ vận tải từng lái xe tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, mẹ anh là một phụ nữ chất phác, buôn bán nhỏ (bột sắn), còn chị anh là một thiếu nữ tri thức đã từng tốt nghiệp Đại học Bách khoa. Chẳng hiểu đưa đấy thế nào, người chị lại bị dụ dỗ vào vòng tâm linh, cơ nghiệp gia đình gần như tiêu tán hết, bi kịch vô cùng; nhất là khi mẹ anh mất và bạn tôi thì liên tục xa Hà Nội đi biểu diễn. Giữa lúc ấy, may thay có nhà báo Đỗ Quảng “giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha”, và dù phải đối đầu với không ít thế lực, anh vẫn bằng cây bút dùng cảm của mình đòi lại công lý, và cả tài sản cho gia đình người nghệ sĩ quân đội bạn tôi. Quan trọng hơn là từ đấy gia cảnh bạn tôi mới thoát khỏi những điêu đứng và giải thoát được cho người chị của mình.

Khi nhắc nhớ lại những câu chuyện trên, nhà báo Đỗ Quảng tâm sự đó là phần thưởng cao quý đối với người làm báo. Đối với anh, dẫu qua nhiều thăng trầm, nhiều khi là bão tố, phong ba, nhiều khi là dòng sông lặng lẽ, êm đềm... thì bao giờ dòng sông ấy, cuộc đời ấy vẫn không mệt mỏi tháng ngày, luôn đầy ắp phù sa để bồi đắp cho đời.

Châu La Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa-the-thao/nhu-dong-song-day-ap-phu-sa-boi-dap-cho-doi/180138.htm