Nhiều quyết sách đầu tư cho giáo dục

Những năm qua, Thái Nguyên đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục. Từ đó tạo động lực mới để ngành Giáo dục có những bứt phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Từ nguồn lực đầu tư của tỉnh, nhiều trường học đã giữ được chuẩn và nâng chuẩn quốc gia. Trong ảnh: Trường Mầm non số 2 Hóa Thượng (Đồng Hỷ) đón Bằng công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.

Bám sát các chỉ tiêu phát triển giáo dục và đào tạo (GDĐT) trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, những năm qua, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách đầu tư cho lĩnh vực này.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GDĐT, cho biết: Sở GDĐT đã tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết về: Chương trình phát triển GDĐT giai đoạn 2021-2025; Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục; Nghị quyết về nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông… với tổng kinh phí thực hiện trên 20.727 tỷ đồng.

Điển hình, năm 2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 154/NQ-HĐND thông qua Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 với dự kiến kinh phí thực hiện là trên 2.820 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, chỉ tính riêng 2 năm học vừa qua, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới 705 phòng học, phòng chức năng và sửa chữa 591 phòng học, phòng chức năng, với tổng kinh phí thực hiện trên 183 tỷ đồng. Tỷ lệ phòng học kiên cố các cấp từ mầm non đến phổ thông đạt 90,32%, tăng 25,93% so với năm 2015.

Năm học 2023-2024, tỉnh bổ sung trên 2.900 hợp đồng thuê khoán giáo viên, nhân viên tại các trường (với tổng kinh phí thực hiện khoảng 210 tỷ đồng) để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ dạy học, chăm sóc học sinh (ảnh minh họa).

Cùng với nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu câùhội nhập quốc tế, năm 2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 14 quy định một số chính sách hỗ trợ dạy và học tiếng Anh trên địa bàn tỉnh, Nghị quyết số 172 thông qua Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Theo đó, mục tiêu đề ra đến năm 2025 là có trên 30% số trẻ mẫu giáo được làm quen với tiếng Anh; 100% học sinh (HS) lớp 1, lớp 2 được học chương trình môn tiếng Anh tự chọn; 100% HS trong các cơ sở giáo dục phổ thông (từ lớp 3 đến lớp 12) được học chương trình tiếng Anh mới…

Theo thống kê của Sở GDĐT, đối với giáo dục mầm non, nếu như đầu năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 15.110/69.243 trẻ mẫu giáo được làm quen với tiếng Anh, chiếm 21,82% thì năm học 2022-2023 số trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh nâng lên 25.710/68.363 trẻ, tỷ lệ đạt 37,6%.

Đặc biệt, từ ngày 4/11/2021 đến hết quý II/2023, toàn tỉnh có 841 HS được hỗ trợ lệ phí thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với tổng số tiền trên 3,4 tỷ đồng. Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh trong toàn tỉnh năm học 2022-2023 đạt 4,94 điểm, so sánh với cùng kỳ năm trước tăng 0,24 điểm (kế hoạch đặt ra là 4,50 điểm, cao hơn 0,44 điểm). Chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng được nâng lên so với năm học trước...

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng tại các kỳ họp HĐND tỉnh, những khó khăn, bất cập ngành GDĐT tỉnh đang phải đối mặt vẫn luôn được các đại biểu HĐND quan tâm thảo luận, chất vấn, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, hằng năm, các đơn vị trong ngành Giáo dục đều phải giảm tối thiểu 2,5% biên chế. Song thực tế những năm gần đây số lớp, số HS các cấp đều tăng cao. Để giải quyết bài toán thiếu biên chế, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về việc hỗ trợ kinh phí thuê, khoán giáo viên giảng dạy.

Cũng từ các nguồn lực đầu tư, Thái Nguyên duy trì tỷ lệ 8% học sinh dân tộc thiểu số được học trong các trường nội trú. Trong ảnh: Giờ tự học tại ký túc xá của học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Phú Lương.

Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 694 cơ sở giáo dục với trên 10.900 nhóm lớp, trên 351 nghìn HS. Với số lớp như vậy, tỉnh cần trên 22.000 biên chế giáo viên. Tuy nhiên, tính đến tháng 9-2023, các trường mầm non, phổ thông công lập thuộc tỉnh chỉ có gần 18.200 biên chế, còn thiếu trên 4.200 biên chế so với định mức quy định.

Tại Kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về việc giao số lượng hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập tại các trường mầm non, phổ thông công lập thuộc tỉnh quản lý năm học 2023-2024. Theo đó, tỉnh bổ sung trên 2.900 hợp đồng với tổng kinh phí thực hiện khoảng trên 210 tỷ đồng.

Đặc biệt, để kịp thời hỗ trợ, động viên các giáo viên đang thực hiện định mức khoán yên tâm gắn bó với nghề, cũng tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 24 ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh. Đây là tin vui đối với tất cả các giáo viên, nhân viên đang thực hiện định mức khoán trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, định mức khoán của giáo viên bậc học mầm non tăng từ 4,9 triệu đồng lên trên 5,9 triệu đồng/tháng; định mức khoán cấp tiểu học tăng từ gần 5,5 triệu đồng lên gần 6,6 triệu đồng/tháng. Định mức hỗ trợ cũng tăng tương tự đối với các cấp học còn lại...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202311/nhieu-quyet-sach-dau-tu-cho-giao-duc-3062a52/