'Nhiều người Việt chẳng biết nợ công đang là bao nhiêu?'

Cơ cấu và cách quy định nợ công khiến người Việt chẳng biết nợ công đang là bao nhiêu hay nợ công là gì.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học "Tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đến năm 2030 trong bối cảnh hội nhập quốc tế" do Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức, TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã bày tỏ quan điểm lo ngại về vấn đề nợ công hiện nay.

Nợ công không được quy định rõ ràng cách thức kiểm soát

Theo đó, TS. Lê Xuân Sang nhận định, ở Việt Nam, nhiều người thậm chí còn không biết rõ con số nợ công là bao nhiêu. Trong khi, phần lớn các nước khác đều có quy định chi tiết về nợ công, các ngưỡng cảnh báo và hành động tiếp theo của Chính phủ và các cơ quan chức năng nếu kịch bản nợ công diễn biến bất thường.

Việt Nam cũng vẫn chưa có quy định cụ thể về nghĩa vụ tương đối của Ngân hàng Nhà nước với Chính phủ và ngược lại, ít nhất là tài khóa. Ông đánh giá về điều này: "Ta còn thua cả Campuchia".

Nhiều nước trên thế giới có các ngưỡng cảnh báo nợ công. Giả sử nếu khoản nợ lớn tới 63% GPD thì Chính phủ phải giải trình thế nào, Quốc hội phải có trách nhiệm như thế nào, các kịch bản đó ra sao và kế hoạch hành động.

Hoặc quy định các trường hợp được phép vay nợ công. Như ở nước ngoài, chỉ có các trường hợp bất khả kháng như thiên tai, chiến tranh...

Rõ ràng, Việt Nam cần học các nước ở khâu chuẩn bị, vạch ra các chỉ tiêu và mục đích rõ hơn, tránh tình trạng bắt cả xã hội chung tay để trả khoản tiền nợ đi vay mà không có hiệu quả.

Bên cạnh đó, quy định về ngưỡng nợ công cũng chưa được rõ ràng. Ngưỡng này là có hợp lý hay không, thế nào là vượt ngưỡng.

Theo vị chuyên gia, nợ công lâu nay vẫn được cho là: hết tiền thì xiết hầu bao. Điều đó dẫn tới việc nợ công cứ ngày càng tăng và tăng không kiểm soát.

Việc xác định ngưỡng nợ công rất quan trọng. Nếu không cẩn thận sẽ xảy ra trường hợp, vỡ nợ đến nơi rồi mà vẫn ung dung hoặc thực hiện siết chặt quá sớm nảy sinh vấn đề là nhiều mục tiêu quốc gia đặt ra không thực hiện được.

Đáng chú ý, việc siết chặt quá sớm các khoản chi tiêu công, tức mức chi quá thấp sẽ là một cản trở sự phát triển trong đầu tư vào đổi mới, phát triển đất nước.

Nếu chúng ta dùng chi tiêu công để đổi mới khoa học công nghệ, tăng năng lực cạnh tranh, hoặc dùng chi tiêu công mà không gây lạm phát hay các tác động tiêu cực khác. Điều này sẽ cản trở sự phát triển khi tiết kiệm tối đa chi tiêu.

Bên cạnh đó, vấn đề đầu tư công thời gian qua cũng rất đáng báo động khi hàng loạt các dự án của Bộ Công thương đều "có vấn đề". Điều này đặt ra sự cần thiết quy định rõ ràng hơn nữa về sự tham gia của tư nhân, nhân dân trong hoạch định, giám sát chính sách và công trình công.

Bước chuyển mình của Việt Nam đã đi từ giai đoạn 1.1 sang 1.2. Cụ thể là: giai đoạn 1.1 là khi có bất cứ nguồn lực nào được bơm vào nền kinh tế, thì sẽ có tăng trưởng. Điều này chúng ta đã thực hiện được. Giai đoạn 1.2 là không chỉ bơm vốn đầu vào mà chuyển sang tăng hiệu quả của các vốn đầu vào.

Để tiến đến động lực của tăng trưởng là đổi mới và sáng tạo còn 1 bước dài nhưng không vì thế mà chúng ta không làm. Để làm được điều đó cần phải có định hướng, hưởng thành quả "đi tắt đón đầu".

Vị chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang đứng trước các cơ hội lớn từ tác động cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là trong xử lý Dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ thông minh... cần đưa giới trí thức vận dụng các nguồn lợi đó vào việc hoạch định và giám sát hiệu quả của chính sách công.

Tái cơ cấu hàng loạt lĩnh vực, liên kết, quản lý cán bộ

TS. Lê Xuân Sang đánh giá, việc tạo dựng mối liên kết giữa địa phương và các Doanh nghiệp còn hạn chế.

Đến nay hầu như không có định chế tổ chức nào, có tác động đáng kể tới các thể chế liên kết vùng (3 vùng Tây xóa bỏ). Trong khi các dạng liên kết khác mang tính hình thức, hành chính. Các thể chế kết nối kinh doanh bị hiểu sai, coi nhẹ.

Đặc biệt là chính sách cho vườn ươm công nghệ thì gần như bị bỏ quên, chậm đổi mới về khung pháp lý, chính sách phát triển.

Đáng nói là khung pháp lý, chính sách phát triển Cụm liên kết ngành còn tồi tệ hơn.

Thể chế phát triển công nghiệp hỗ trợ thiếu tính kiến tạo phát triển, không tính đến xu thế thị trường, mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị nên hầu hết là thất bại.

TS. Lê Xuân Sang.

Đề cập tới các mối liên kết cần tái cơ cấu như liên kết địa phương và liên kết doanh nghiệp bền vững, TS. Lê Xuân Sang giải thích, các thể chế liên kết kinh doanh chưa đủ hiệu quả cùng với trình độ yếu kém của doanh nghiệp trong nước đã khiến nền kinh tế bị chia cắt giữa các địa phương và tồn tại nền kinh tế lưỡng nguyên (FDI, DN rong nước).

Trong cải tổ cách thức hoạch định chính sách và pháp luật, TS. Sang cho rằng cần nhấn mạnh vào 3 điểm chính gồm:

Một là, tăng cường sự tham gia của tư nhân, người dân trong hoạch định, giám sát chính sách và công trình công.

Hai là, tăng nguồn lực cho lực lượng hoạch định chính sách: tiền, nhân lực (số lượng, trình độ).

Ba là, tận dụng, nắm bắt tác động của Cách Mạng công nghiệp 4.0, nhất là big data, trí tuệ thông minh, IOT..

TS. Lê Xuân Sang cho rằng, để tái cơ cấu quản lý cán bộ, quản lý doanh nghiệp, cần nhấn mạnh tiêu chuẩn, đề bạt, tuyển chọn và kỷ luật công chức còn nhiều bất cập, nặng về tiêu chuẩn chính trị và ý thức hệ.

Cải tổ thể chế tuyển chọn, bổ nhiệm và bãi nhiệm cán bộ, công chức chỉ mới thay đổi đôi chút gần đây, nhất là trong tuyển chọn.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/nhieu-nguoi-viet-chang-biet-no-cong-dang-la-bao-nhieu-3345604/