Nhiều mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế

Với vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, phụ nữ, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Khánh Vĩnh đã thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Vươn lên thoát nghèo

Gia đình bà Lương Thị Cười (thôn A Xay, xã Khánh Nam) di cư từ miền Bắc vào Khánh Vĩnh sinh sống từ năm 1980. Do thiếu vốn, không có đất sản xuất, gia đình bà Cười tự khai hoang đất để trồng mì, mía nên kinh tế gia đình luôn khó khăn. Năm 2011, với sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay tín chấp của Hội Phụ nữ xã, bà Cười vay 10 triệu đồng đầu tư mua cây keo con, phân bón về trồng trên 3ha đất khai hoang. Từ nguồn tiền bán keo, bà đầu tư trồng thêm bưởi, cam và xen canh các loại đậu trong mảnh vườn của gia đình. Nhờ áp dụng mô hình lấy ngắn nuôi dài, nguồn thu nhập của gia đình bà ngày càng ổn định. Năm 2016, gia đình bà thoát nghèo, trở thành hộ điển hình của xã trong vươn lên phát triển kinh tế.

Bà Lương Thị Cười trồng xen canh cây ngắn ngày với cam, bưởi.

Gia đình bà Nông Thị Đào (thôn A Xay, xã Khánh Nam) cũng thoát nghèo năm 2022. Năm 2017, nhờ nguồn vốn vay tín chấp 20 triệu đồng của Hội Phụ nữ xã, bà đầu tư trồng keo ở 9 sào đất do Nhà nước cấp, mua thêm heo, gà về nuôi thả vườn. Với sự hỗ trợ về giống của địa phương, bà trồng thêm 40 gốc bưởi. "Từ nguồn vốn vay của Hội Phụ nữ, gia đình tôi có vốn xoay vòng để mua phân bón, giống cây. Để trang trải cuộc sống hàng ngày, vợ chồng tôi đi làm thuê, làm mướn; còn nguồn thu nhập từ nuôi trồng dành trả nợ và lo cho con cái. So với trước đây, cuộc sống gia đình đã ổn định hơn”, bà Đào chia sẻ.

Đây chỉ là 2 trong nhiều phụ nữ ở xã Khánh Nam nhờ sự hỗ trợ từ các mô hình của Hội LHPN xã, huyện, tỉnh đã vươn lên thoát nghèo.

Triển khai đồng bộ các mô hình

Bà Nguyễn Thị Phấn - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Khánh Vĩnh cho biết, hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được hội xem là khâu đột phá nhằm từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ trên địa bàn huyện. Từ năm 2020 đến 2022, các cấp Hội LHPN trong huyện đã tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống bằng nhiều hoạt động thiết thực. Cụ thể, các cấp hội đã tổ chức 62 buổi tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho hơn 3.540 lượt phụ nữ, qua đó có hơn 1.690 người đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp; phối hợp mở 9 lớp dạy nghề cho 263 lao động nữ; vận động 620 chị học may, làm hoa, mây đan tre lá; tổ chức 17 buổi hội thảo về xuất khẩu lao động cho gần 1.070 phụ nữ, qua đó có 36 chị đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Ả Rập.

Bên cạnh trồng cây, bà Nông Thị Đào còn nuôi heo, gà.

Song song với giới thiệu việc làm, hội phối hợp mở 101 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho 4.765 lượt phụ nữ, hướng dẫn hơn 1.850 lượt phụ nữ nghèo biết áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, thành lập 78 mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả; phát động phong trào “5 hội viên khá giúp một hội viên nghèo” ở 39 chi hội và 112 tổ hỗ trợ phụ nữ nghèo về vốn, kiến thức chăn nuôi, sản xuất trồng trọt; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trao tặng 30 phương tiện sinh kế cho phụ nữ nghèo với số tiền 150 triệu đồng.

Ngoài ra, hội cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các hình thức tiết kiệm khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là tiết kiệm theo hình thức xoay vòng vốn với 72 tổ tiết kiệm với 720 thành viên, số tiền xoay vòng giúp đỡ nhau từ 2,4 triệu đồng đến 12 triệu đồng/tháng/chị; 48 chi hội nuôi heo đất tiết kiệm được hơn 215 triệu đồng, trao cho 145 phụ nữ nghèo và 72 sổ tiết kiệm; đóng góp từ hũ gạo tình thương được 7,7 triệu đồng, tặng cho 16 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; tham gia “Tuần lễ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, các hội viên tiết kiệm được 34,4 triệu đồng hỗ trợ cho 69 phụ nữ nghèo. Cùng với đó, hội phụ nữ các xã, thị trấn còn tranh thủ các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn huyện (cây giống, bò giống sinh sản, nhà ở cho hộ nghèo, các nguồn vốn vay ủy thác…) hỗ trợ 100% cho phụ nữ nghèo; vận động và trao tặng 602 suất quà cho phụ nữ nghèo; 86 suất học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi; phối hợp với các tổ chức từ thiện tặng đồ dùng học tập cho hơn 1.230 học sinh; trao hơn 5.000 suất quà cho hội viên, học sinh với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng…

Việc khai thác và quản lý các nguồn vốn vay cũng được hội quan tâm triển khai. Từ nguồn vốn vay hơn 113 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội; hơn 2,2 tỷ đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 50 triệu đồng Quỹ “Xoay vòng giảm nghèo” của Hội LHPN tỉnh; 280 triệu đồng từ nguồn vốn của y tế Hà Lan... đã tạo điều kiện cho hơn 2.840 hộ gia đình hội viên phụ nữ vay, phát triển kinh tế, thoát nghèo…

Có thể khẳng định, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đã bám sát và vận dụng linh hoạt, hiệu quả các phong trào, cuộc vận động, hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của huyện.

C.ĐAN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202311/nhieu-mo-hinh-giup-phu-nu-phat-trien-kinh-te-d896be0/